Nhà đầu tư trước các cơ hội mới trong lĩnh vực công nghiệp và hậu cần

Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 14:35, 25/01/2023

Theo các nhà lãnh đạo tại hội nghị REImagine của ULI Châu Á Thái Bình Dương, sự kết hợp giữa các xu hướng kinh tế và địa chính trị đang thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy nhu cầu về bất động sản công nghiệp và hậu cần ở Đông Nam Á.

Mặc dù sức tăng trưởng dài hạn có thể được đảm bảo, nhưng áp lực lạm phát và suy thoái ở các quốc gia trên thế giới sẽ gây áp lực lên các nhà phát triển, nhà sản xuất và công ty hậu cần trong thời gian ngắn hạn tới đây. Tại sự kiện ULI chính thức lần đầu tiên tổ chức ở Bangkok, các thành viên tham gia hội thảo đã có cuộc thảo luận về mối quan hệ căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng như tác động của COVID-19 đối với chuỗi cung ứng hiện đang mở ra các cơ hội mới cho khu vực Đông Nam Á.

lots-trucks-cars-highway-transportation-concept-compressed.jpg

Dinesh Kanapathy, Giám đốc khu vực vận tải đường bộ, môi giới hải quan, hậu cần chuỗi lạnh và bảo hiểm tại công ty vận tải Đan Mạch AP Moller-Maersk, cho biết gốc rễ của xu hướng này bắt nguồn từ cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, đồng thời việc thực hiện các chính sách mới cũng nhằm đưa hoạt động sản xuất từ Trung Quốc về lại Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, ông Kanapathy cho biết: “Xu hướng mà chúng tôi đang thấy là rất nhiều công ty đang rút khỏi Trung Quốc, nhưng sau đó đánh giá lại khu vực

Đông Nam Á hoàn toàn từ góc độ chi phí. Từ đó, rất nhiều khoản đầu tư bắt đầu đổ vào Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Philippines. Đây là bốn thị trường trọng điểm.

“Sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid gây ra đồng nghĩa với việc doanh nghiệp cần đưa hàng hóa ra thị trường nhanh hơn, vì vậy các quốc gia có kết nối chuỗi cung ứng tốt như Thái Lan sẽ được hưởng lợi lớn hơn”.

Lena Ng, Giám đốc đầu tư của công ty phát triển công nghiệp Amara Corporation tại Thái Lan cho biết GDP bình quân đầu người ở Trung Quốc đã tăng gấp 13 lần trong vòng 20 năm qua lên khoảng 12.500 USD, trong khi con số tương đương ở Thái Lan là gần 7.000 USD và ở Việt Nam là 4.000 USD— thể hiện khả năng tiết kiệm chi phí lao động cho các nhà sản xuất.

Nhiều công ty đang chuyển một số hoạt động sang khu vực Đông Nam Á hiện tại đều đến từ Trung Quốc hoặc có nhân viên Trung Quốc điều hành các hoạt động sản xuất của họ. Sonklin Ploymee, Phó tổng thư ký của Ủy ban Đầu tư Thái Lan cũng cho biết họ cũng đang có kế hoạch di chuyển các nhân viên người Trung Quốc, và họ cũng cần có toàn bộ “hệ sinh thái” có thể hỗ trợ các nhà sản xuất và nhân viên nước ngoài của doanh nghiệp.

Sopon Racharaska, Giám đốc điều hành của nhà phát triển công nghiệp Frasers Property Industrial (Thái Lan), cho biết nhu cầu của các nhà sản xuất “Trung Quốc+1” đang lớn hơn nhiều so với làn sóng các nhà đầu tư công nghiệp từ Nhật Bản trước đây. “Họ đang tìm kiếm những tòa nhà rộng 6.000 mét vuông hoặc thậm chí 10.000 mét vuông”. Ông nói thêm rằng các nhà sản xuất đang tìm cách ghép mọi thứ lại gần nhau và xây dựng đủ mọi tiện nghi cho các nhân viên từ nước ngoài, chẳng hạn như trường học Trung Quốc.

Ploymee chia sẻ thêm rằng thu hút sản xuất là một công việc kinh doanh phức tạp do nhu cầu không đơn giản từ các nhà sản xuất. “Đây không chỉ là các ưu đãi của chính phủ mà còn là cơ hội tự động hoá, các yếu tố môi trường, nguồn nhân lực mà Thái Lan có thể cung cấp và mức độ hợp tác của mảng này”.

Ông Kanapathy từ Maersk cho biết các công ty vận chuyển và hậu cần đang dần thay đổi cách họ nghĩ về bất động sản. Ông cho biết: “Bây giờ chúng ta không chỉ là xây dựng nhà kho”. Các công ty đang tìm kiếm các kho bãi hậu cần tích hợp cùng an ninh chuỗi cung ứng. Điều này cũng nhắc đến nhu cầu về các cơ sở hạ tầng lớn hơn, gây áp lực chưa từng có lên nguồn cung đất.

04-compressed.jpg

Ploymee cũng liên kết áp lực lạm phát trong ngành vật liệu xây dựng với những nỗ lực của Thái Lan nhằm Xanh hóa nền kinh tế và sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả hơn. Thái Lan đã và đang thúc đẩy mối quan hệ hợp tác châu Á với nền kinh tế Bio-Circular-Green (BCG), tập trung vào giảm thiểu biến đổi khí hậu, thương mại và đầu tư bền vững, bảo tồn môi trường và quản lý chất thải.

Ngoài ra, ông Racharaska cho biết thêm rằng so với Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á đang thiếu trầm trọng về không gian hậu cần. Trung Quốc có khoảng 300 triệu mét vuông kho bãi hiện đại, trong khi Thái Lan chỉ có 5,5 triệu mét vuông, thậm chí còn ít hơn ở Việt Nam và Indonesia.

Bất chấp sự lạc quan trong hội thảo, ông Racharaska lưu ý rằng Đông Nam Á cũng không tránh khỏi tác động trước sự chậm lại của nền kinh tế toàn cầu và suy thoái ở phương Tây, trong khi lạm phát đã ảnh hưởng đến Thái Lan. “Lạm phát đã ở mức 6-7%, nhưng khách hàng vẫn tiếp tục yêu cầu giảm giá.”

Ông Kanapathy cho biết thêm rằng cuộc khủng hoảng năng lượng là thách thức lớn nhất đối với công ty của ông, nhưng vẫn lạc quan: “Tôi đã làm trong ngành hậu cần gần 20 năm. Luôn luôn có một cuộc khủng hoảng xảy ra, nhưng tương lai phía trước không tệ đến thế đâu”.

Theo urbanland

Tiến Khoa chuyển ngữ