Làm gì để Quảng Trị phát triển đột phá, bền vững?

Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 08:25, 26/01/2023

Nhân đợt tham gia một dự án nhằm giảm phát thải và cải thiện sinh kế cho các cộng đồng dân tộc thiểu số vùng cao ở miền Trung do Ngân hàng Thế giới tài trợ, tôi có dịp trở lại Quảng Trị, đi vào các buôn làng, tiếp xúc với các cư dân đồng bào Vân Kiều tại các huyện miền núi. Trong dòng chảy phát triển vũ bão của công nghệ, có cảm giác như cuộc sống và thời gian trôi chậm rãi hẳn ở những nơi này.

Quảng Trị vẫn còn nghèo

Không chỉ ở vùng cao, về miền xuôi cũng thế. Thị xã Quảng Trị khá trầm lắng. Với các di tích lịch sử nổi tiếng thời chiến tranh, cùng với Vương cung thánh đường Đức Mẹ La Vang là một trung tâm hành hương lớn của người Công giáo Việt Nam, du lịch tâm linh đang là điểm nhấn đặc biệt cho kinh tế của thị xã Quảng Trị. Mặc dù vậy, các cơ sở lưu trú và sản phẩm văn hóa ở đây hầu như vẫn chưa có gì, khó giữ chân những người hành hương và khách tham quan lưu lại trong các đợt lễ, các ngày kỷ niệm.

anh3-compressed.jpg

Đông Hà, thành phố của tỉnh, có một vị trí quan trọng ở trung độ giao thông của cả nước, trên giao lộ 1A nối thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cùng với quốc lộ 9 trong hệ thống đường xuyên Á, là điểm khởi đầu ở phía đông của trục Hành lang kinh tế Đông- Tây (EWEC) giữa đông bắc Thái Lan, Lào, Myanmar và miền Trung Việt Nam. Đó là chưa kể những thuận lợi về đường sắt và đường thủy. Tuy nhiên, Đông Hà hầu như không có gì để níu chân du khách, không có nền kinh tế đêm, là thành phố “đi ngủ sớm”. Một vài cửa hàng cùng với “đội quân” xe đạp rong bán áo quần nhập khẩu theo đường tiểu ngạch từ Lào và Thái Lan có vẻ như chưa thể hiện hết tiềm năng phát triển thương mại ở đây.

Cách Đông Hà hơn 80 km, Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo vẫn chưa xứng tầm là một trong những khu kinh tế cửa khẩu quan trọng nhất của Việt Nam. Trước khi dịch Covid bùng phát, thị trấn Lao Bảo vẫn không nhộn nhịp, hàng hóa ê hề nhưng vắng người mua. Về phía biển, Cửa Tùng, Cửa Việt, hai bãi tắm nổi tiếng được mệnh danh là “nữ hoàng của các bãi tắm”, vẫn giữ nét nguyên sơ, mộc mạc, hầu như chỉ đón khách từ Đông Hà đến tắm biển, ăn uống mỗi cuối tuần. Quảng Trị chưa thật sự phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, những khách sạn cao cấp hay các khu resort tiện nghi vẫn chưa xuất hiện nhiều ở những dải đất ven biển. Một tuyến du lịch khá sáng tạo trước đây là “Điểm đến 1 ngày 3 nước” đưa du khách vượt quốc lộ 9, sang Lào và Thái Lan, đến nay không còn nghe nói đến.

66-compressed.jpg

Các số liệu thống kê cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Trị khá khả quan trong mấy năm qua. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, nhìn chung Quảng Trị vẫn còn là một tỉnh nghèo. Trong khi Quảng Bình đang trở thành một điểm đến đầy hứa hẹn trên bản đồ du lịch hang động và Huế đang phấn đấu trở thành thành phố lễ hội trực thuộc trung ương, Quảng Trị hình như vẫn đang tìm đường phát triển đột phá. Năm ngoái, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người của tỉnh đã đạt 57,5 triệu đồng, xếp thứ 39 trên 63 tình thành cả nước. Điều đáng quan tâm là mức này cao hơn cả hai tỉnh giáp ranh Quảng Trị ở phía bắc là Quảng Bình (49,3 triệu đồng) và ở phía nam là Thừa Thiên- Huế (51,35 triệu đồng). Đó là do dân số Quảng Trị (cùng với Ninh Thuận) thuộc nhóm thấp nhất trong các tỉnh duyên hải miền Trung và cả nước, chưa bằng dân số quận Gò Vấp của thành phố Hồ Chí Minh. Tính tổng sản phẩm trên địa bàn, Quảng Trị xếp thứ 55/63 tỉnh thành, sau Quảng Bình 5 bậc và Thừa Thiên- Huế 16 bậc.

Tìm con đường phát triển bền vững

Những ngày này, nhiều thông tin đáng phấn khởi về Quảng Trị liên tục được các phương tiện truyền thông đưa tin. Về cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, cao tốc Cam Lộ- La Sơn hướng về phía nam sắp đến ngày về đích và cao tốc Cam Lộ- Vạn Ninh hướng về phía bắc đang tất bật giải phóng mặt bằng. Một loạt con đường khác được nâng cấp như đường ven biển từ ranh giới tỉnh Quảng Bình vào đến phía nam cầu Cửa Việt, đường tránh phía đông thành phố Ðông Hà, quốc lộ 15D đoạn từ cảng biển Mỹ Thủy đến cửa khẩu quốc tế La Lay, quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến quốc lộ 1... Sân bay Quảng Trị, được xác định là dự án động lực quan trọng, có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết để kêu gọi đầu tư. Dự án cảng biển Mỹ Thủy, dự kiến đón tàu trọng tải đến 100.000 tấn, có tiềm năng lớn phát triển thành cảng biển nước sâu tầm cỡ quốc tế, cũng đang được tích cực tiến hành.

Ở phía tây, Quảng Trị đang có tham vọng trở thành một trung tâm năng lượng của khu vực, biến nắng gió thành nguồn tài nguyên với hàng chục dự án điện gió, điện mặt trời. Ở phía đông, hành lang kinh tế ven biển của tỉnh đang hình thành, với các điểm nhấn đô thị Cửa Tùng, Cửa Việt và đô thị trung tâm Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, nhằm phát triển thương mại, dịch vụ, dịch vụ cảng, công nghiệp đa ngành và logistics.

qt_san_bay_1-1633949312905-compressed.jpg

Việc phát triển Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị thể hiện quyết tâm của tỉnh trong việc tìm hướng phát triển đột phá cơ bản về kinh tế. Đây là điều kiện quan trọng để phát triển công nghiệp quy mô, công nghiệp phụ trợ, thương mại - dịch vụ và hạ tầng kỹ thuật, mở ra triển vọng trở thành một điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo ra “lực hút” hấp dẫn trên Hành lang kinh tế Đông - Tây. Đến nay, Khu kinh tế này đã có 16 dự án đi vào hoạt động và 30 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đang triển khai xây dựng với tổng vốn đầu tư đăng ký là 150.891,7 tỷ đồng và diện tích đất sử dụng là 2.893,9 ha. Trong đó, có nhiều dự án lớn như Khu liên hợp gang thép Quảng Trị, Trung tâm công nghiệp khí BBG Quảng Trị, Khu đô thị sân bay; Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và dịch vụ phụ trợ Triệu Vân; Dự án Khu cây xanh, dịch vụ thế dục thế thao và sân golf Triệu Vân...

Lựa chọn quan trọng và có tính quyết định, phù hợp xu hướng hiện nay là làm sao phát triển mà không hy sinh tài nguyên, môi trường, bảo đảm cân bằng sinh thái và cuộc sống của người dân. Những năm trước mắt, nông - lâm- ngư nghiệp vẫn là bệ đỡ cho ngành kinh tế của tỉnh. 

Với tỷ lệ bao phủ rừng hơn 50% diện tích và chiều dài 75 km bờ biển, sản phẩm gỗ và khai thác hải sản của Quảng Trị vẫn chưa chiếm một vị trí như kỳ vọng. Ngành nông nghiệp cần nhắm đến hướng sản xuất sạch, chọn lọc, chú trọng chất lượng cao để gia tăng giá trị, mà các cánh đồng lúa hữu cơ thí điểm ở Hải Lăng, trang trại trồng cây dược liệu xuất khẩu ở Cam Lộ hay trung tâm nhân giống thành công lan hồ điệp ở Hướng Hoá là những ví dụ điển hình. Ngành công nghiệp cần quan tâm hơn về công nghiệp chế biến nông hải sản, với việc xây dựng và định vị những thương hiệu lớn và uy tín. Ngành du lịch cần những đột phá về xây dựng cơ sở lưu trú, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cấp dịch vụ, kết hợp với các tỉnh bạn nước láng giềng để hình thành các tuyến du lịch văn hóa, di sản, nghỉ dưỡng.

hinh-1-compressed.jpg

Một trong những giải pháp quan trọng mà tỉnh cần lưu tâm là tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, gầy dựng được niềm tin để thu hút những nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước. Họ có gắn kết với địa phương hay không là do nhiều yếu tố, không chỉ thay đổi bộ mặt hạ tầng, cải thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, mà còn phụ thuộc rất lớn vào mực độ thành công của quá trình thu hút, phát triển và duy trì nguồn nhân lực chất lượng cao tại chỗ cũng như các nơi khác đến an cư, lạc nghiệp. Đầu năm mới, hy vọng các nỗ lực vượt bậc của chính quyền và người dân nơi đây, cùng sự quan tâm và hỗ trợ của cả nước, sẽ sớm giúp Quảng Trị phát triển đột phá và bền vững.

TS Bùi Văn Danh