Xuân đến Tết về, nhớ chợ phiên Hà Nội

Văn hóa - Ngày đăng : 20:49, 18/01/2023

Ngày 18/1 (27 tháng Chạp) cũng là phiên chợ Mơ cuối cùng của năm Nhâm Dần. Sát Tết Nguyên đán, hoa, cây cảnh là những mặt hàng được người dân ưu tiên lựa chọn. Hà Nội có nhiều phiên chợ như thế.
cho-mo20230118110454.jpg
Trung tâm Thương mại chợ Mơ bây giờ thiếu vắng các phiên chợ

Nhộn nhịp phiên chợ Mơ

Những ai sinh ra và lớn lên ở ngay sát chợ Mơ xưa, nhiều thế hệ hẳn thấy may mắn vì được theo bà, theo mẹ đi các phiên chợ Mơ xưa (diễn ra vào các ngày 2, 7, 12, 17, 22, 27 âm lịch trong tháng). Chợ Mơ xưa có nhiều cổng vào theo hướng đường Minh Khai và đường Bạch Mai.

Theo lời kể của các bà, các mẹ, chợ Mơ xưa thuộc phường Hồng Mai, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Trước đây, người dân ở khu vực này sống bằng nghề trồng cây mai lấy quả, có các giống mai vàng, mai hồng, mai trắng nên mới có nhiều cái tên được hình thành như Hoàng Mai, Hồng Mai, Bạch Mai như ngày nay. Mai còn có nghĩa là mơ nên người dân ở đây từng được gọi là người Kẻ Mơ.

Ban đầu vì nhu cầu trao đổi giống cây trồng, dụng cụ nông nghiệp, người dân họp chợ ở cuối phố Bạch Mai và lấy tên là chợ Mơ. Sau này khi người dân di cư tới đây ở đông đúc, chợ Mơ cũng nhộn nhịp hơn nhưng vẫn giữ lệ cũ họp theo phiên và thêm các mặt hàng vật nuôi, con giống.

Sự sầm uất của chợ Mơ vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức chúng tôi. Ở đây, được bày bán đủ thứ. Một số gia đình có đàn chó, đàn mèo con cũng đợi đến phiên chợ Mơ để bán lấy chút tiền chi tiêu trong nhà. Cây giống, chậu hoa, cây cảnh từ khắp nơi, nhất là từ Văn Giang (Hưng Yên) chở sang. Thời đó, đi phiên chợ đôi khi chỉ để được ngắm đủ thứ sắc màu sinh động.

Từ 2009 chợ Mơ bắt đầu được xây dựng lại trên nền chợ cũ, thời gian này phiên chợ Mơ được tạm thời chuyển sang họp dọc bờ sông Kim Ngưu. Tại đây, vào những ngày có phiên chợ, lượng khách đến rất đông đúc. Hoa, cây cảnh, các giống chó, mèo quý từ nhiều nơi được mang tới đây tha hồ cho khách lựa chọn, ngắm nghía, trả giá. Theo nhiều người dân thì giá cả cây cảnh tại chợ Mơ tương đối rẻ so với chợ Bưởi.

Sau 5 năm bị gián đoạn do xây dựng Trung tâm Thương mại chợ Mơ, đến năm 2014, khi Trung tâm này đi vào hoạt động thì phiên chợ Mơ cũng được phục hồi trở lại dưới chân tòa nhà cao 15 tầng. Tuy nhiên, lượng khách đến đây không đông do những người buôn bán và cả những khách hàng cũng không biết thông tin phiên chợ đã họp trở lại. Và đến nay, phiên chợ Mơ cũng không còn được duy trì tại Trung tâm Thương mại chợ Mơ.

Có lẽ cũng do nhu cầu của cả người mua và người bán, nhiều người buôn bán chuyển xuống chợ đầu mối phía Nam để làm nơi tụ họp vào những ngày phiên chợ Mơ. Và cũng thành thói quen, nhiều người dân quanh vùng cũng tìm đến chợ đầu mối phía Nam để tìm mua cây cảnh, các giống chó, mèo, thức ăn cho chim,… thậm chí chỉ để tìm về những hoài niệm xưa cũ qua phiên chợ nổi tiếng đất Thăng Long.

Với những người lớn tuổi đã từng đến phiên chợ Mơ nhiều lần, họ cho biết một cảm giác rất lạ lẫm và thích thú. Chợ phiên xưa thường được xem như nơi vui chơi, giao lưu kết hợp mua bán. Tuy nhiên, đến nay, tinh thần đó nay đã ít nhiều đổi thay.

Hà Nội và những buổi chợ phiên

Ít ai nghĩ rằng giữa lòng Thủ đô cũng tồn tại một loại chợ như thế. Không ai biết chợ phiên bắt đầu từ bao giờ. Chợ phiên Hà Nội ngày xưa thường một vài năm mới tổ chức một lần, có thể một năm đôi ba lần. Hầu hết chợ phiên được tổ chức ở những khu phố trung tâm, chỗ đông dân cư như Bờ Hồ, vườn Bách Thảo, hồ Trúc Bạch.

Chợ phiên Hà Nội xưa là nơi phần lớn mọi người đến để vui chơi, giải trí, giao lưu bạn bè. Chợ phiên cũng giống như một lễ hội văn hóa: có thi hát hay, thi nam thanh niên khỏe đẹp, thi nữ công gia chánh,… Đến chợ phiên, mọi người mặc sức thả hồn theo những ham muốn, những cảm xúc thật của lòng mình.

Đi chợ phiên không đơn thuần là để mua bán hàng hóa. Chợ vừa là trung tâm buôn bán vừa là nơi giao lưu tình cảm, trao đổi thông tin. Chợ phiên trở thành cầu nối thắt chặt tình làng nghĩa xóm của những người nông dân vốn vẫn quen sống bằng cái tình cái nghĩa.

24-1640968158787503997712.jpg
Quang cảnh ở chợ Bưởi vào một ngày họp phiên, tháng 5/1926. Ảnh: Internet

Hàng hóa ở các chợ phiên Hà Nội cũng rất bình dân và hầu như còn rất “thô." Bản chất thật thà, chất phác của người nông dân thể hiện rõ qua qua những sản phẩm cũng như cách họ bán hàng. Bạn muốn mua gì xin cứ chọn thoải mái, không có sự chèo kéo gây khó chịu cho khách hàng. Càng không có chuyện tranh giành khách, “thét” giá cao. Việc cân đong cũng rất tuềnh toàng, cân chỉ dùng đối với hàng thịt, gạo chứ đa số người dân quê vẫn quen bán mớ, bán con.

Mỗi chợ phiên Hà Nội mang một nét đặc trưng riêng, góp phần làm nên nét đặc thù của đô thị sầm uất vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Hà Nội bây giờ đã khác xưa nhiều, chợ mọc lên từng ngày, từng giờ. Người Hà Nội đã quen với nhiều loại hình chợ mới, nhưng chợ phiên Hà Nội vẫn mang một vóc dáng riêng, mặc dù chợ phiên Hà Nội ngày nay cũng đã đổi thay đi nhiều. Hàng hóa tại các phiên chợ cũng phong phú, đa dạng hơn. Những dãy lều quán, mái lá lụp xụp giờ đây đã được xây dựng lại khang trang hơn. Song dù cuộc sống ngày càng hối hả, nhưng tại các phiên chợ Hà Nội vẫn giữ được vẻ thanh bình, tĩnh tại của làng quê ngoại thành.

Hà Nội vẫn còn hai chợ giữ được ngày họp đúng phiên. Đó là chợ Bưởi họp vào các ngày mùng 4, 9, 14, 19, 24, 29 âm lịch và chợ Mơ họp vào các ngày mùng 2, 7, 12, 17, 22, 27 âm lịch (như trên đã nói).

“Chợ Bưởi một tháng sáu phiên
Ngày tư, ngày chín cho duyên đèo bòng."


Chợ Bưởi thuộc phía Tây Thủ đô, gần kề bên Hồ Tây. Chợ Bưởi hình thành chính xác năm nào thì không ai rõ, chỉ biết xưa kia nó là nơi giao lưu hàng hóa nông sản thực phẩm từ ngoại thành và các vùng phụ cận như huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Tây trước đây (nay là Hà Nội), tỉnh Vĩnh Phúc vào nội thành rồi đổi hàng hóa thủ công mỹ nghệ, xa xỉ phẩm từ nội thành. Nét nổi bật của chợ Bưởi là nơi cung cấp các giống cây trồng, con giống, vật dụng nông nghiệp, sản vật làng nghề.

Chợ Bưởi cũng trở thành nơi thăm thú của nhiều người rảnh rỗi, yêu chim thú, hoa cây cảnh ở khắp các nơi trong Hà Nội. Đặc biệt, những năm xa xưa, cứ đến ngày 29 Tết, chợ Bưởi còn có thêm một nếp là mổ trâu bò và dân các làng vùng Bưởi cùng nhau mua trâu bò rồi giết mổ tại chợ, chia nhau ăn Tết.

Ngày nay, chợ Bưởi đã xây dựng khang trang, hiện đại, thuộc sự quản lý của Tổng công ty Thương mại Hà Nội, nhưng riêng phiên chợ vẫn được duy trì bằng cách quy hoạch một khu vực riêng để người dân có cơ hội mua bán cây, con giống.


Chợ phiên Hà Nội là một, thành tố văn hóa, nét “duyên thầm” của đất Kinh kỳ! Làm sao hiện đại hóa chợ Hà Nội và giữ lại "chợ quê", từng là một câu chuyện đau đầu của thành phố Hà Nội, không hề đơn giản.

Bảo Hân (tổng hợp)