Hồi sinh ngành công nghiệp chủ lực
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 09:23, 24/09/2020
Hầu hết những lĩnh vực xuất khẩu mang lại hàng tỷ USD như dệt may, da giày, điện - điện tử, cơ khí, đồ gỗ… đều suy giảm mạnh đo dịch COVID-19
Gián đoạn cung lẫn cầu
Theo đánh giá của Bộ Công thương, từ đầu năm đến nay, Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn thế giới. Vì vậy, 8 tháng năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp trong nước tăng 2,2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,5% cùng kỳ năm 2019 và là mức tăng thấp nhất nhiều năm qua. COVID-19 diễn biến phức tạp đã làm chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào bị gián đoạn, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp đáng kể; dịch bùng phát trở lại cuối tháng 7 đã ảnh hưởng đến sự phục hồi của sản xuất công nghiệp. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 8 tháng giảm sâu so với cùng kỳ: ô tô giảm 12,5%; sắt, thép thô giảm 7,8%; xe máy giảm 7,1%; điện thoại di động giảm 4,4%... Dẫn đến sản xuất công nghiệp chủ lực 8 tháng giảm 14% so với cùng kỳ.
Sản xuất ruột ô tô tại Công ty Casumina - Ảnh: CAO THĂNG
Xúc tiến thương mại trực tuyến
Theo các chuyên gia kinh tế, để sớm hồi sinh hoạt động sản xuất kinh doanh, trước mắt cần những giải pháp, chính sách đột phá, hỗ trợ nhanh cho DN sản xuất, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực.
Ngoài những giải pháp đang triển khai như: hỗ trợ tín dụng, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi các khoản vay; hỗ trợ thủ tục hành chính, giải quyết nhanh các khó khăn, vướng mắc của DN…, cần thực hiện linh hoạt cơ chế chuyên ngành như kiểm tra, giám sát và chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tránh chồng chéo trong kiểm tra, thanh tra, tạo thuận lợi nhất cho DN. Các địa phương cần thực hiện chương trình kết nối tiêu thụ hàng hóa với các tỉnh, thành phố trên cả nước để mở rộng đầu ra cho DN sản xuất công nghiệp. Đồng thời hỗ trợ các DN tham gia xúc tiến thương mại trực tuyến với đối tác nước ngoài sau khi các đường bay quốc tế được mở lại. “Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu. Ngoài ra, việc khuyến khích sử dụng hàng trong nước, triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ kích thích sản xuất công nghiệp trong nước mau chóng hồi phục và phát triển”, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. HCM Phạm Ngọc Hưng đề nghị.
Sản xuất ruột ô tô tại Công ty Casumina - Ảnh: CAO THĂNG
Để tiếp tục hỗ trợ DN, ở tầm vĩ mô, Bộ Công thương đang phối hợp với các bộ ngành xây dựng chính sách, giải pháp phát triển một số ngành công nghiệp ưu tiên, có tiềm năng và cơ hội phát triển như công nghiệp ô tô, dệt may, da giày, điện tử, khoáng sản, công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, thống nhất nguồn lực từ trung ương đến địa phương tập trung đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản như thép cán nóng, sản xuất vải, dệt nhuộm, vật liệu mới... khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh kiện, phụ kiện nhập khẩu. Mặt khác, tăng cường chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, thu hút chuyển dịch đầu tư các ngành sản xuất (trong đó có sản xuất linh kiện, phụ kiện) từ Trung Quốc và các quốc gia khác sang Việt Nam.