Chạy đua với mùa Xuân trên các công trình giao thông

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 06:14, 26/01/2023

Để đảm bảo tiến độ một số dự án giao thông trọng điểm, nhiều nhà thầu tổ chức thi công xuyên Tết Nguyên đán, lãnh đạo Bộ GTVT đã có kế hoạch trực tiếp đi kiểm tra. Chiều 25/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã kiểm tra cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ.
327a8d62ea61b71440e067a4837b327d-16746234965871817056203.jpg
Thủ tướng yêu cầu giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 phải xong trong tháng 2/2023, hoàn thành giai đoạn 1 vào tháng 12/2023. Ảnh: VGP

Thủ tướng kiểm ra dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ

Theo báo Chính phủ, sáng 25/1 (mùng 4 Tết Quý Mão), Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra, đôn đốc dự án cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ, thăm chúc Tết cán bộ, công nhân viên tham gia dự án và bà con nhân dân khu tái định cư của dự án.

Tại tỉnh Phú Thọ, Thủ tướng và đoàn công tác đã kiểm tra tình hình triển khai dự án, chúc Tết cán bộ, công nhân viên tham gia dự án tại công trường thuộc địa phận tỉnh Phú Thọ; kiểm tra khu tái định cư và chúc Tết bà con nhân dân khu tái định cư.

Sau đó, Thủ tướng di chuyển dọc theo Quốc lộ 2 lên Tuyên Quang, kiểm tra tình hình triển khai thi công và chúc Tết cán bộ, công nhân viên tham gia dự án trên công trường thuộc địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài-Lào Cai dài hơn 40 km, trong đó đoạn qua tỉnh Phú Thọ dài hơn 11 km, đoạn qua tỉnh Tuyên Quang dài hơn 28 km.

Theo dự kiến ban đầu, dự án được triển khai theo 2 giai đoạn, trong giai đoạn 1, tuyến đường gồm 2 làn với tốc độ thiết kế 80 km/h, hoàn thành vào quý III/2023. Còn giai đoạn 2 triển khai sau năm 2025, nâng lên 4 làn xe.

Tháng 9/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra thực địa và làm việc với lãnh đạo địa phương về dự án này, chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo hướng đầu tư ngay để hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe, vận tốc tối đa 100 km/h, không đợi tới sau năm 2025, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Tinh thần là đầu tư công trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó; tập trung nguồn lực cho dự án này để sớm hoàn thành, phát huy hiệu quả.

Theo báo cáo của các địa phương về công tác giải phóng mặt bằng, đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã bàn giao được 11,3/11,3 km, đạt 100%; xây dựng 3/3 khu tái định cư; di dời hạ tầng kỹ thuật (đường điện, nước, viễn thông), đạt 100% khối lượng.

Tỉnh Phú Thọ đã bàn giao mặt bằng được 28,6/28,93 km, đạt 99%; xây dựng hoàn thành 24/24 khu tái định cư; di dời hạ tầng kỹ thuật (đường điện, viễn thông...) đạt 90% khối lượng; phấn đấu hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 2/2023.

Dự án chia thành 4 gói thầu xây lắp phần đường, 1 gói thầu xây lắp cầu trên tuyến và 3 gói thầu các hạng mục khác (điện chiếu sáng, nút giao IC9 với cao tốc Nội Bài – Lào Cai và hệ thống an toàn giao thông), trong đó 1 gói thầu (hệ thống an toàn giao thông) đang tổ chức đấu thầu.

Các gói thầu xây lắp đã triển khai thi công từ đầu tháng 8/2021 theo hướng vừa thi công vừa giải phóng mặt bằng. Khối lượng xây lắp hoàn thành đến nay đạt 1.070/1.829,57 tỷ đồng, đạt 58,48% giá trị hợp đồng.

Khảo sát thực tế dự án đang triển khai, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu việc thi công phải bảo đảm chất lượng, tiến độ, không đội vốn phi lý, bảo đảm an toàn lao động cho công nhân trên công trường, an toàn cho người dân, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Nhà thầu tư vấn phải luôn bám sát công trường; các bên cùng giải quyết vấn đề phát sinh.

Thủ tướng lưu ý cần nghiên cứu đầu tư, mở rộng các tuyến đường kết nối giữa cao tốc Nội Bài-Lào Cai với cao tốc Phú Thọ-Tuyên Quang, các nút giao một cách đồng bộ, tránh hình thành các nút thắt cổ chai.

Thủ tướng yêu cầu với các dự án cao tốc nói chung cần tránh tình trạng "chia nhỏ" các gói thầu, có quá nhiều đơn vị thi công trên một tuyến đường, mất nhiều thời gian làm các thủ tục, khó kiểm soát tiến độ và chất lượng, dễ nảy sinh tiêu cực.

Về vấn đề các mỏ đất, đá, nguyên vật liệu cho dự án, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm theo nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tinh thần là cắt giảm tối đa khâu trung gian, tránh đội giá, giảm thời gian, thủ tục, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; không để tình trạng tài nguyên là của đất nước nhưng nhiều mỏ đất, đá… lại giao tư nhân quản lý và họ lợi dụng để "bắt chẹt", nâng giá, gây khan hiếm nguyên vật liệu, ảnh hưởng tới tiến độ dự án. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà kiểm tra, đôn đốc nội dung này.

Báo cáo Thủ tướng, đại diện người dân tái định cư đều bày tỏ phấn khởi trước con đường đang được xây dựng, nơi ở mới nhìn chung khang trang hơn nơi ở cũ, điện nước đầy đủ, giao thông thuận tiện hơn…; quê hương, đất nước ngày càng phát triển, thay da đổi thịt.

Thủ tướng cảm ơn và bày tỏ vui mừng khi bà con sẵn sàng nhường mặt bằng vì lợi ích của đất nước, của địa phương và của chính người dân nơi có dự án đi qua; mong muốn bà con phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, tiếp tục ủng hộ dự án, các cấp, các ngành, các địa phương, cả hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ, quyết liệt với tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng cho dự án.

Thủ tướng nhấn mạnh, muốn giải phóng mặt bằng tốt, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để làm thật tốt công tác tuyên truyền, vận động giúp người dân hiểu rõ về tầm quan trọng, ý nghĩa của dự án, đồng thời có chính sách đền bù thỏa đáng, hết sức quan tâm, chăm lo công tác tái định cư, tinh thần là cuộc sống của người dân ít nhất phải bằng nơi ở cũ và phấn đấu nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ, năm sau tốt hơn năm trước, nếu không phải có giải pháp ngay.

Các công trình đều thi công xuyên Tết

Theo báo VTC News, dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, lãnh đạo Bộ GTVT đã cùng đoàn công tác của Chính phủ đi từ Bắc vào Nam để kiểm tra việc thi công một số công trình trọng điểm. Đồng thời thăm hỏi, động viên, chúc Tết các cán bộ, công nhân viên, người lao động tại các công trình.

Tại công trình hầm Trường Vinh thuộc gói thầu XL01 dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, gần 100 kỹ sư, công nhân sẽ ở lại tiếp tục thi công hầm (chiếm 50% so với ngày thường). Việc thi công sẽ được duy trì “3 ca, 4 kíp” kể cả trong ngày Tết.

img-bgt-2021-4-1673546893-width1280height823.jpg
Nhiều nhà thầu đã lên kế hoạch thi công xuyên Tết để đảm bảo tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam (Trong ảnh: Thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu). Ảnh: Tạ Hải

Tại dự án cao tốc đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, hầm Thung Thi thuộc dự án đoạn Mai Sơn - QL45, cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn…nhà thầu đã lên kế hoạch tổ chức thi công xuyên Tết với tổng số nhân sự khoảng 450 người.

Về dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Chí Thạnh - Vân Phong qua tỉnh Phú Yên, nhà thầu thi công tại gói thầu XL02 đang triển khai ba mũi thi công xuyên Tết. Việc giải phóng mặt bằng đã được bàn giao 80% nên rất thuận lợi cho việc thi công. Phương châm của nhà thầu là mặt bằng được bàn giao đến đâu, liên danh các nhà thầu sẽ thực hiện thi công đến đó đảm bảo công việc luôn được duy trì trên công trường.

Với gói thầu XL2 của dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, đơn vị thi công cũng đã bố trí nhân lực làm xuyên Tết tại các dự án thành phần: Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Bùng - Vạn Ninh gồm khoảng 100 cán bộ, kỹ sư ứng trực.

Đại diện Bộ GTVT cho biết, các gói thầu thuộc dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) vẫn thi công xuyên suốt trong dịp Tết Quý Mão 2023.

Các nhà thầu cam kết sẽ huy động 50 - 70% lực lượng thường trực thi công trên công trường vào những ngày nghỉ Tết, đảm bảo công tác đào đắp đất bình quân 200.000 đến 250.000 m3 ngày/đêm. Tranh thủ điều kiện thời tiết khô ráo, các nhà thầu sẽ đẩy nhanh tiến độ trong dịp đầu năm 2023. Dự kiến đến tháng 3, sản lượng đào đắp đất sẽ đạt 70 triệu khối.

Các đơn vị thi công đang tập trung triển khai các khu vực đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay và các khu vực bố trí các dự án thành phần 1, 2, 4 theo đúng kế hoạch đảm bảo khởi công đồng bộ các hạng mục chính từ quý I/2023.

Sân bay Long Thành là một trong những dự án trọng điểm quốc gia, gồm 3 giai đoạn, gồm: Giai đoạn 1: đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác;

Giai đoạn 2: Tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh cấu hình mở và 1 nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm; nhà ga hàng hóa 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm;

Giai đoạn 3: Hoàn thành các hạng mục để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5,0 triệu tấn hàng hóa/năm.

Đến nay, dự án này đã hoàn thành hạng mục nền, móng nhà ga; đang tích triển khai thi công hạng mục san nền và đấu thầu hạng mục thân nhà ga; đang thi công hạng mục nền móng đài kiểm soát không lưu…

Để đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án vào năm 2025, Chính phủ, Bộ GTVT đã tích cực chỉ đạo chủ đầu tư (VATM, ACV) tập trung đẩy tiến độ triển khai các dự án thành phần này. Các nhà thầu đã huy động 1.849 máy móc, hơn 2.600 nhân sự để triển khai thi công, làm xuyên Tết 2023.

Trong khi đó, đối với dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất cùng tuyến đường nối dài 4 km, Bộ GTVT cũng chỉ đạo nhà thầu triển khai thi công xuyên Tết nhằm đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng.

Ga T3 Tân Sơn Nhất cùng tuyến đường nối dài 4 km có tổng vốn gần 16.000 tỷ đồng được xây dựng giúp sân bay khai thác 50 triệu khách mỗi năm, giảm ùn tắc cho khu vực.

Công trình được thiết kế đáp ứng tiêu chuẩn sân bay quốc tế về an toàn, chất lượng dịch vụ; đảm bảo khách đi lại thuận tiện cũng như được tiếp cận nhiều tiện nghi, khu mua sắm...

Võ Thị Phương Thủy (tổng hợp)