Năm Mão, tản mạn về con mèo trong văn chương
Văn hóa - Ngày đăng : 12:03, 26/01/2023
Năm 2023, theo lịch Âm thì đó là năm Quý Mão. Trong 12 con giáp của Việt Nam, có 7 con vật được thuần dưỡng từ lâu đời và đã trở thành vật nuôi trong nhà (trâu, mèo, ngựa, dê, gà, chó, lợn). Con mèo tuy không phải là vật nuôi mang lợi ích kinh tế, nhưng lại là người bạn thân thiết chuyên bắt chuột bảo vệ thành quả lao động của con người nên vẫn được con người yêu quý.
Theo sách phong thủy, trong chu kỳ lịch pháp, con mèo được giao quản năm Mão, tháng 2 và từ 5 - 7 giờ của buổi bình minh. Từ giờ Mão, phương Đông nhuốm hồng ánh dương rồi tỏa lên bầu trời những tia sáng đẹp. Vào tháng 2 - tháng Mão, khí trời bắt đầu ấm, mưa bụi bay nhè nhẹ, cây cối nảy lộc đâm chồi. Vì thế, Mão trong ngũ hành được gắn với mùa xuân, thuộc hành Mộc, hàm ý dương khí bắt đầu thịnh, vạn vật sáng tươi.
Ai cũng biết , chó và mèo vốn là thú cưng gần gũi với con người. Thường tuổi thơ của bất cứ người nào cũng có hồi ức về các thú cưng này. Tây hay ta đều thế. Mèo đã đi vào văn chương từ Tây đến ta, từ cổ chí kim với tư cách là hình ảnh văn học phúng dụ, ẩn dụ.
Trong kho tàng văn học dân gian, ca dao, tục ngữ Việt Nam có một “kho tàng” về mèo – con vật đáng yêu, một trong 12 con giáp. Ai mê ca dao tục ngữ, chắc chắn thuộc nhiều; thế nhưng câu “Chó treo mèo đậy” trở thành thành ngữ khá phổ biến. Về “nghĩa đen” là đúc kết kinh nghiệm quý báu của cha ông ta về việc cất giữ thức ăn; “nghĩa bóng”, ẩn dụ là khuyên ta cảnh giác cửa nhà, rương hòm đề phòng trộm cuỗm mất.
Không chỉ tục ngữ Việt Nam mà cả nước ngoài cũng có thành ngữ về mèo. Theo GS. Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, người Đức bảo “Eine Katze hat sieben Leben” (một con mèo có bảy mạng), còn người Anh thì nói “to have nine lives like a cat” (có 9 mạng như mèo), ý nói mèo sống dai, bản năng sinh tồn tốt, nhưng cũng ám chỉ ai đó xoay xở giỏi. Câu cửa miệng người Đức hay nói là “Für die Katz sein” (đem cho mèo ăn), ý nói là một việc gì đó vô ích, một vật gì đó đáng bỏ đi, như thứ đồ ăn thừa quẳng cho mèo.
Ông cũng cho biết, người ta cũng thường nói “Die Katze im Sack kaufen” (mua mèo trong bị), ý nói làm việc gì đó hú họa, không chắc chắn, như chúng ta nói là “đoán mò” hay “đếm cua trong lỗ” vậy. Chắc chắn, với những ai giỏi ngoại ngữ, được tiếp xúc với văn học ngước ngoài thì còn phát hiện ra nhiều điều thú vị.
Trong con mắt người đời, dù con mèo lại có một cuộc sống hai mặt: là kẻ trưởng giả an nhàn nằm dài trên chiếc gối nệm, hiền lành dụi thân hình mềm mại khi được con người ve vuốt và là tên sát thủ đáng gờm trong góc nhà. Chỉ họa hoằn lắm con người mới thấy được khía cạnh sát thủ của mèo khi nó tha con chuột, còn bình thường, nó chỉ là một chú mèo hiền lành, thậm chí, mèo của cư dân đô thị được cưng chiều nên quá lười nhác.
Trong văn chương của nước ngoài thì có có Zorba trong “Chuyện con mèo dạy hải âu bay”, (của nhà văn người Chile Luis Sepúlveda); Pussy trong “Những lá thư mèo” của tác giả người Mỹ Helen Hunt Jackson; Mix trong “Chuyện con mèo và con chuột bạn thân của nó”; Bob trong “Bob - Chú mèo đường phố”.
Trong số những “nhân vật mèo” này, Mix trong “Chuyện con mèo và con chuột bạn thân của nó”, khá thú vị, có ý nghĩa xã hội. Người đọc có thể liên tưởng, Mix giống như “cơ chế”, “luật pháp”. “Chuột gặm chân mèo”, (ca dao), nếu Mex là kẻ xảo trá thì không thể có tình bạn với Mix. Cả ba nhân vật Mix, Mex và Max đã mang đến cho độc giả những bài học đáng quý về sự công bằng. Trịnh Văn Quyết, Đỗ Anh Dũng, Trương Mỹ Lan là những con “chuột cống vĩ đại”, gặm nhấm cả lòng tin, đạo đức xã hội, chứ không phải là Mix.
Bạn đọc thích ngụ ngôn cũng có thể bắt gặp mèo trong ngụ ngôn Fontaine (tên đầy đủ là Jean de La Fontaine, phiên âm tiếng Việt là Giăng đờ La Phông-ten, 1621 – 1695, nhà thơ ngụ ngôn nổi tiếng của Pháp).
Trong văn học trung đại và hiện đại Việt Nam, Nguyễn Trãi (1338 – 1442), Tú Mỡ (1900- 1976), Tô Hoài (1920 – 2014)...đều có sử dụng hình ảnh con mèo làm nhân vật văn học. Chí sĩ Nguyễn Quang Diêu (1880 – 1936) trong một bài thơ đã cho mèo là nhát: “Đôi mắt trong ngần nhát quá cheo!”. Cụ Phan Chu Trinh (1872 – 1926) thì gán cho mèo là đồ làm biếng: “Không hay bắt chuột, hay nằm bếp”, với cụ Nguyễn Du (1766 – 1820) thì gay gắt hơn: “Ra tuồng mèo mả gà đồng / Ra tuồng lúng túng chẳng xông bề nào!”, (Truyện Kiều).
“Mèo mả gà đồng” thực ra là câu thành ngữ sử dụng những hình tượng với đặc điểm rất gần gũi trong văn hóa dân gian để biểu đạt ý tứ. Thông thường “Mèo mả gà đồng” ngụ ý những mối quan hệ vụng trộm không đứng đắn. Trong xã hội, sự liên kết giữa những kẻ bất bảo; thời nay là “lợi ích nhóm” có thể coi là quan hệ “mèo mả gà đồng”. “Mả” tức là “mồ”, “mèo mả” có nghĩa là mèo hoang; “gà đồng” là gà hoang dã (dù gà đồng, gà nước bây giờ được coi là đặc sản của các bợm nhậu).
Các nhà thơ hiện đại không quên sử dụng con mèo; trong đó có “Con mèo” trong thơ Trần Mạnh Hảo: “Khi mới sinh mèo con vồ đuôi mình như vồ nắng / Tuổi trưởng thành mèo vồ chuột vồ chim / Nó quên mất đuôi nhưng về già ngoài sân nắng / Mèo lại giở đuôi mình ra vờn cho mắt được lim dim”, (Con Mèo)
Bài thơ tứ tuyệt có 4 câu, nhưng qua biểu tượng con mèo, nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã nói được hai chiều – hai thực tế ngịch lý. Hiện thực thứ nhất là tính tình trong “vòng đời” của mèo; hiện thực thứ hai đó là căn tính “vồ chuột, vồ chim” có thể bị đánh mất, dễ trở nên thỏa hiệp.
Ngoài văn chương, các loại hình nghệ thuật khác cũng có con mèo. Khi các dòng tranh dân gian ra đời thì hình ảnh con mèo có dịp đi vào văn hóa nghệ thuật.
Trong tranh “Đám cưới chuột” của làng tranh Đông Hồ, người ta bắt gặp hình ảnh tiến sĩ chuột vinh quy cưới vợ, nhưng vẫn phải biếu quà cho chú mèo đang ngồi quặp đuôi vẻ hiền lành, đưa tay ra nhận chút quà mọn trong tiếng trống, tiếng kèn. Thế đấy, mèo luôn là khắc tinh của chuột; chuột luôn luôn ve vãn, “nịnh” mèo làm cho mèo mất cảnh giác.
Để chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí phải có “lồng luật pháp”, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần nhắc đến. Đó chính là “móng vuốt” để kiểm soát chuột không “sinh sôi, nảy nở” ngoài ý muốn, bảo vệ những thành quả lao động của con người.
Mèo vốn là vật nuôi lâu đời nay của người Việt, gắn bó, gần gũi với con người. Ngoài mèo thuần Việt, nay còn đủ các loại mèo giống ngoại, nhập ngoại, vẫn đang là những người bạn thủ thỉ hàng ngày cùng với bao tiểu thư, bà chủ. Công nghệ, dịch vụ chăm sóc mèo cũng đã trở thành một trong muôn ngành nghề thời thị trường. Thậm chí, nay đời sống đã khá lên, nhiều người nhập mèo ngoại, có những giống có giá từ 300.000 - 500.000 đồng/con; chế độ nuôi dưỡng, thăm khám rất "cao cấp". "Bệnh viện chó mèo", "Khách sạn chó mèo".... trở thành một thành tố của chuỗi cung ứng, phục vụ các "tín đồ" của thú cưng, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán.
Tôi nhớ, trong năm đã đọc một bài báo về câu chuyện chú mèo có tên Bandit của một người tên là Fred Everitt, 68 tuổi, ở ngoại ô Tupelo, Belden, Mỹ. ,Khi kẻ trộm vào nhà, thì mèo Bandit đang thức trong bếp. Nó kêu lên và chạy vào phòng ngủ, nhảy lên giường và kéo chăn ra khỏi người chủ nhân. Thấy con mèo cào vào cánh tay, ông Everitt biết có điều gì đó không ổn. Ông bật dậy. Hai tên trộm chạy trốn.
Câu chuyện của Bandit làm tôi nhớ com “Miu” nhà tôi. Mỗi khi thấy khách vào nhà nó lại trèo lên cầu thang, nhảy đu vào dây treo chiếc chuông đồng tôi lắp cạnh tủ. Reng, reng... Khi tôi nhận ra khách thì “Miu” mới nhảy xuống. Khi tôi tiếp khách thì nó nhảy lên ngồi vào lòng, dường như hóng hớt.
“Con mèo mà trèo cây cau, / Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà. / Chú chuột đi chợ đường xa, /Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo”, (Con mèo mà trèo cây cau). Rất nhiều thế hệ người Việt thuộc bài đồng dao khuyết danh này. Mèo vốn là “khắc tinh” của chuột, nhưng cũng có thể làm bạn thế đấy. Bài thơ dân gian đa nghĩa, nhưng với trẻ em, đó là sự thân thiện, hòa bình, hữu nghị.
Ý nghĩa bài đồng dao tương tự như bức tranh Đông Hồ “Đám cưới chuột”, chúng đều là kiệt tác nghệ thuật dân gian, phản ánh hiện thực xã hội đương thời; nhưng có ý nghĩa thời sự, thời cuộc. Đó là phê phán nạn vòi vĩnh, hối lộ, tham nhũng... Những giá trị văn hóa ấy có ý nghĩa trường tồn.