Hà Nam giải quyết "điểm nghẽn" kết nối khu vực di sản

Hạ tầng - Ngày đăng : 09:35, 02/02/2023

Chiều 1/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ song hành Quốc lộ 21, tại xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
c14a5131-16752554560581336508743.jpg
Các đại biểu bấm nút khởi công Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ song hành Quốc lộ 21, tại xã Khả Phong, huyện Kim Bảng. Ảnh: Việt Bắc.

Hà Nam giải quyết "điểm nghẽn" kết nối khu vực di sản

Theo đó, Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 4,2 km, điểm đầu tại Km0 + 000 (tương đương lý trình khoảng Km100 + 400 - Quốc lộ 21) thuộc địa phận thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng; điểm cuối tại Km4 + 200 - nút giao Đường T3 với Quốc lộ 21 (tương đương lý trình Km104 + 550 - Quốc lộ 21) thuộc địa phận xã Khả Phong, huyện Kim Bảng. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 691 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2022-2025.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy cho biết tại Lễ khởi công: Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định "tiếp tục xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát huy lợi thế liên kết vùng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, trọng tâm là phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ" là khâu đột phá, nhằm từng bước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh đã chú trọng công tác lập quy hoạch, nhất là quy hoạch hệ thống giao thông kết nối liên vùng; tập trung thu hút tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó hạ tầng giao thông luôn được quan tâm chú trọng đặt lên hàng đầu.

Việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ song hành Quốc lộ 21 là yêu cầu cấp thiết đối với của sự phát triển của tỉnh Hà Nam. Tuyến đường sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải, thông thương ngày càng tăng cao trong khu vực, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, kết nối liên vùng với thủ đô Hà Nội, tỉnh Hòa Bình, tỉnh Nam Định.

Tuyến đường còn có ý nghĩa kết nối các khu vực di sản và khu du lịch trong khu vực Đồng bằng sông Hồng như Tam Chúc (Hà Nam), Tràng An, Bái Đính (Ninh Bình), chùa Hương (Hà Nội)... góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Hà Nam nói riêng và các tỉnh trong Vùng kinh tế Bắc Bộ nói chung.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy yêu cầu chủ đầu tư dự án, các nhà thầu cần nhận thức đầy đủ trách nhiệm đối với dự án, làm đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình, triển khai thực hiện dự án bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định.

Các sở, ngành chuyên môn của tỉnh hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai Dự án đúng tiến độ, chất lượng kỹ thuật được phê duyệt, sớm hoàn thành đưa công trình vào khai thác, sử dụng có hiệu quả, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Hà Nam vùng đất di sản

Hà Nam là một vùng đất cổ, có lịch sử phát triển lâu đời. Đây cũng là nơi tụ cư của người Việt cổ. Những cổ vật, như mộ thuyền, trống đồng, dụng cụ nông nghiệp, sinh hoạt cổ xưa, những vũ khí tự vệ thô sơ… được tìm thấy ở nhiều nơi trên đất Hà Nam đã chứng tỏ điều đó. 

tc.jpg
Vườn cột kinh tại chùa Tam Chúc. Ảnh: Báo Hà Nam

Trải qua các triều đại quân chủ, Hà Nam cũng lưu giữ được nhiều cổ vật quý hiếm mang giá trị lịch sử, văn hóa cao, như: Tượng đá Kinari mang dấu ấn Chăm Pa, các pho tượng Kim Cương, bia Sùng Thiện Diên Linh thời Lý ở chùa Đọi Sơn (Tiên Sơn, Duy Tiên); bia Đại Trị thời Trần ở chùa Giầu (Đinh Xá, Phủ Lý); sách đồng Bắc Lý (Lý Nhân) thời Lê... Trải qua quá trình tụ cư, khai thác vùng đất trũng Hà Nam, bao lớp người xưa cũng để lại trên vùng đất này số lượng di tích dày đặc. Các di tích phân bố đều khắp ở hơn 685 thôn, xóm, tổ phố với trên 1.784 di tích. Trong số các di tích trên có nhiều di tích có lịch sử lâu đời, kiến trúc quy mô, nghệ thuật chạm khắc độc đáo, tiêu biểu như: chùa Đọi Sơn (Tiên Sơn, Duy Tiên); đền Trần Thương (Trần Hưng Đạo, Lý Nhân) thời Trần; đền Lăng (Liêm Cần, Thanh Liêm) thờ vua Đinh và các vua thời Tiền Lê; chùa Bà Đanh (Ngọc Sơn), đền Trúc - Ngũ Động Sơn (Thi Sơn), danh thắng Tam Chúc (Ba Sao) Kim Bảng; đền Lảnh Giang (Mộc Nam, Duy Tiên); từ đường Nguyễn Khuyến, đình Vị Hạ (Trung Lương, Bình Lục)…

Hà Nam có trên 100 lễ hội truyền thống và hơn 40 làng nghề thủ công truyền thống. Trong các lễ hội có một số lễ hội vùng được tổ chức quy mô lớn như: Lễ hội đền Trần Thương (Lý Nhân); lễ hội Tịch điền, lễ hội đền Lảnh Giang, lễ hội chùa Đọi Sơn (Duy Tiên); lễ hội đền Trúc - Ngũ Động Sơn, lễ hội chùa Bà Đanh (Kim Bảng);  hội vật võ Liễu Đôi (Thanh Liêm), lễ hội và “Nghi lễ Chầu văn của người Việt ở Hà Nam” được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…

Hiện Hà Nam đã có 12 di sản văn hóa phi vật thể được ghi tên vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, có 8 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể. Năm 2022, Sở VHTTDL đã tham mưu xin chủ trương và triển khai các bước lập hồ sơ khoa học các di sản văn hóa tiêu biểu đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với các di sản văn hóa: Hát trống quân xã Liêm Thuận (Thanh Liêm), múa hát Lải Lèn xã Bắc Lý, lễ hội đền Bà Vũ xã Chân Lý (Lý Nhân).   

Bảo Hân (tổng hợp)