Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ sẽ thành vùng đất giàu có

Bất động sản - Ngày đăng : 15:40, 07/02/2023

Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính quyết tâm biến Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ thành vùng đất giàu có, giàu bản sắc văn hóa và nhiều đột phá hơn nữa.

Lợi thế cạnh tranh của Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ

Theo phân tích của Thủ tướng Phạm Minh Chính về vị trí, vai trò, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng so với các vùng trong cả nước và một số lĩnh vực có thể so với khu vực và thế giới, như các di sản được UNESCO công nhận.

ha-bao-chinh-phu-vlr-07022023.png
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Với diện tích tự nhiên 95.860 km2 (chiếm 28,9% diện tích cả nước), Vùng có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, đối ngoại và quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo; cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế; các tỉnh đều có "rừng vàng, biển bạc"…
Vùng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển với gần 2.000 km bờ biển (chiếm 60% bờ biển cả nước), có 11 khu kinh tế ven biển (chiếm 61,1% của cả nước); cửa ngõ ra biển cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối Hành lang Kinh tế Đông - Tây với tuyến đường hàng hải quốc tế.
Hệ thống giao thông thuận lợi với đầy đủ loại hình (đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không); có nhiều cảng biển lớn; 9 cảng hàng không (5 cảng quốc tế), điều kiện thuận lợi phát triển các loại dịch vụ, là điểm trung chuyển hàng hóa cho Tây Nguyên, Lào, Campuchia…
Tài nguyên, khoáng sản phong phú, trữ lượng lớn (100% trữ lượng cromit, 20% trữ lượng sắt, 44% trữ lượng đá vôi, titan, thiếc…); tiềm năng lớn về năng lượng (thủy điện, điện gió, điện mặt trời)…
Tài nguyên độc đáo, hấp dẫn cho phát triển nhiều loại hình du lịch với phố cổ Hội An, Cố đô Huế, đền tháp Mỹ Sơn, hang động Phong Nha - Kẻ Bàng; các bãi biển Sơn Trà, Mỹ Khê, Non Nước, Cửa Đại, Nha Trang, biển Mũi Né…; các đảo Hòn Mun, Hòn Tre, Lý Sơn, Phú Quý…; hệ sinh thái đa dạng.
Vùng có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc, truyền thống yêu nước và cách mạng hào hùng; có 5 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới và 6 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh; 35 di tích quốc gia đặc biệt; 49 bảo vật quốc gia; 691 di tích quốc gia; 175 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Vùng có nguồn lực to lớn về con người với dân số khoảng 20,34 triệu người (chiếm 20,8% dân số cả nước), khoảng 50 dân tộc. Người dân thân thiện, hiền hòa, cần cù, năng động, sáng tạo, chịu thương, chịu khó, giàu ý chí, nghị lực, khát vọng vươn lên; có nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, chính trị nổi tiếng, lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.

ha-merryland-quy-nhon-vlr-07022023.png
Dự án MerryLand Quy Nhơn tại tỉnh Bình Định với quy mô 695 ha sẽ là thành phố bán đảo du lịch thương mại đẳng cấp quốc tế, quy tụ mọi hoạt động kinh tế, thương mại - giải trí đa dạng và đẳng cấp

Giải pháp để vùng đất này trở nên giàu có và giàu bản sắc văn hóa

Thủ tướng trước hết yêu cầu các bộ, ngành và 14 địa phương trong Vùng khẩn trương xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ.
Cùng với đó, tập trung hoàn thiện thể chế, quy hoạch vùng và chính sách liên kết vùng. Rà soát, hoàn thiện quy định pháp lý, cơ chế, chính sách liên kết vùng đồng bộ, nhất quán, hiệu quả, tinh thần là giao các đồng chí lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo cơ quan điều phối các vùng.
Làm tốt công tác quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 để điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và phát triển bền vững. Xác định công tác quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, quy hoạch phải đi trước một bước, có tầm nhìn dài hạn, chiến lược, vừa phát huy tiềm năng, thế mạnh, vừa khắc phục hạn chế.
Hình thành các cụm liên kết ngành liên tỉnh, liên vùng gắn với các trung tâm kinh tế biển mạnh. Tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng trọng yếu (giao thông, năng lượng, công nghệ số, đô thị, giáo dục, đào tạo, y tế, du lịch, dịch vụ…).
Thứ ba, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế biển, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu). Cơ cấu lại ngành công nghiệp, quy hoạch hợp lý để phân bố không gian công nghiệp theo các hành lang kinh tế ven biển gắn với các cảng biển, Hành lang Kinh tế Đông - Tây, các tuyến quốc lộ kết nối với Tây Nguyên. Trọng tâm là phát triển công nghiệp hàm lượng công nghệ cao, các công nghệ chủ chốt của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo đột phá hình thành năng lực sản xuất mới.
Đổi mới mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế nông nghiệp, liên kết, giá trị gia tăng, sinh thái, đặc hữu; thích ứng hiệu quả với thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu; gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch. Phát triển ngành lâm nghiệp hiện đại, hiệu quả cao, gắn với phát triển, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
Phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Phát triển thủy sản thành ngành sản xuất chiến lược, hiện đại, bền vững, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển; hình thành các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá.
Thúc đẩy phát triển dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, dịch vụ mới; hình thành các trung tâm logistics gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu. Phát triển các trung tâm du lịch tầm vóc khu vực và quốc tế, chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, đa dạng, bản sắc độc đáo riêng của Vùng.
Thứ tư, phát triển mạnh hệ thống đô thị, đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông. Phát triển hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ, hiện đại theo mô hình, tiêu chí xanh, thông minh, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, hình thành ba tiểu vùng đô thị hóa với các đô thị trung tâm, đô thị hạt nhân, gắn với các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, trung tâm thương mại, dịch vụ.
Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng. Nghiên cứu đầu tư, nâng cấp các tuyến cao tốc trục ngang kết nối cửa khẩu quốc tế với cảng biển, đường sắt kết nối với Tây Nguyên, trong đó có tuyến Kon Tum - Gia Lai - Bình Định, Lâm Đồng - Ninh Thuận. Nâng cấp, nâng cao hiệu quả khai thác các cảng hàng không, cảng biển.
Thứ năm, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo, đất và rừng. Bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu phải được xem là một trọng tâm trong chiến lược phát triển Vùng.
Nâng cao năng lực phân tích, dự báo kịp thời, chính xác, bảo đảm hoạt động tham mưu, chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai trong mọi tình huống. Tăng cường ý thức phòng, chống thiên tai, cảnh báo các nguy cơ; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án ứng phó thiên tai.
Thứ sáu, phát triển toàn diện văn hóa - xã hội. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Tập trung phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững; rà soát lại, tập trung triển khai có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Hoàn thiện mạng lưới y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh các tuyến, đặc biệt tuyến cơ sở. Tập trung đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số, đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với thế mạnh và định hướng phát triển vùng, là một khâu đột phá cho phát triển vùng. Phát huy tối đa nguồn lực con người; nâng cao năng suất lao động xã hội.
Phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, gắn kết giữa trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp để thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ. Phát huy giá trị văn hóa, di sản; chú trọng quy hoạch, đầu tư các thiết chế văn hóa, công trình văn hóa tiêu biểu của Vùng.
Cùng với đó, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Thành Phương