Xác định 4 trụ cột thúc đẩy kinh tế Hà Tĩnh phát triển trong giai đoạn mới
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:26, 16/10/2020
Khu Kinh tế Vũng Áng đang trở thành điểm sáng phát triển kinh tế của khu vực Bắc Trung Bộ
Điểm sáng phát triển kinh tế
Trình bày Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh khóa XIX, ông Hoàng Trung Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết Hà Tĩnh sẽ đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; bảo đảm quốc phòng an ninh; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.
Thực hiện kế hoạch nhiệm kỳ 2015 - 2020, Hà Tĩnh liên tục đương đầu với khó khăn, thách thức, từ sự cố môi trường biển đến thiên tai, lũ lụt, Đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, vượt lên khó khăn, thách thức, Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Kinh tế phục hồi và phát triển nhanh sau sự cố môi trường biển. Quy mô nền kinh tế tăng gấp hơn 1,5 lần so với đầu nhiệm kỳ, thuộc nhóm các tỉnh đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ. Tổng thu ngân sách đạt 57.700 tỷ đồng, tăng bình quân 18,2%/năm, trong đó, thu nội địa chiếm 58%. Công nghiệp trở thành động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế, Khu kinh tế Vũng Áng là đầu kéo. Các lĩnh vực dịch vụ, thương mại, du lịch tăng bình quân gần 4%/năm. Thu hút đầu tư trong nước đạt kết quả tích cực với 813 dự án có tổng vốn đăng ký 32.280 tỷ đồng; thu hút 30 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 372 triệu USD.
Điểm nhấn trong “bức tranh” phát triển của Hà Tĩnh nhiệm kỳ qua đó là lĩnh vực công nghiệp đã trở thành động lực chủ yếu của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 31,1%/năm, trở thành điểm sáng trên “bản đồ” công nghiệp cả nước với hạt nhân là dự án Formosa.
Một số dự án công nghiệp quan trọng được khởi công và bước đầu phát huy hiệu quả như: dự án Nhà máy Sản xuất gỗ MDF/HDF Thanh Thành Đạt; một số dự án công nghiệp tại khu công nghiệp Gia Lách, cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên; dự án điện mặt trời tại Cẩm Xuyên… Cùng với dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh đi vào hoạt động, các dự án trọng điểm đã trở thành nền tảng nâng cao năng lực sản xuất và giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp, đóng góp bền vững vào tăng trưởng nền kinh tế.
Bên cạnh đó, để thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn lớn trong và ngoài nước triển khai SXKD, Hà Tĩnh đã mạnh dạn thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Nhờ đó, địa phương duy trì chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI, nằm trong tốp cao của bảng xếp hạng cấp tỉnh về phát triển Chính phủ điện tử…
Tàu vận tải cỡ lớn hàng trăm nghìn tấn cập cảng Sơn Dương, tỉnh Hà Tĩnh
Phấn đấu trở thành tỉnh phát triển của vùng Bắc Trung Bộ
Phân tích bối cảnh tình hình mới, Đại hội đề ra mục tiêu: Xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, văn hóa phát triển, xã hội tiến bộ, quốc phòng - an ninh đảm bảo, trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ; cải thiện toàn diện đời sống Nhân dân; đến năm 2025 tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân các tỉnh Bắc Trung Bộ, phấn đấu năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.
Hà Tĩnh xác định nền kinh tế với 4 trụ cột: Công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng; Nông nghiệp; Dịch vụ, du lịch; Dịch vụ cảng biển và logistics trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh đó, Hà Tĩnh sẽ xây dựng, phát triển Khu kinh tế Vũng Áng toàn diện cả về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị và kinh tế biển, đóng góp lớn cho xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm và thu ngân sách.
Hà Tĩnh phấn đấu thu nhập bình quân đầu người trên 70 triệu đồng; GRDP bình quân đầu người trên 110 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm trên 1,5%...