
Hầm đường bộ Hải Vân 2 sắp về đích

Hầm đường bộ Hải Vân 2 sắp về đích
Nhà đầu tư đã đưa dự án về đích trước hẹn
Trong quá trình triển khai xây dựng hầm Hải Vân 2, chủ đầu tư đã đối mặt với nhiều khó khăn về yêu cầu kỹ thuật khi vừa thi công ống hầm 2, vừa phải duy trì vận hành và đảm bảo an toàn cho hầm Hải Vân 1 đang vận hành khai thác. Đồng thời, phải đảm bảo các yêu cầu khắt khe về bảo vệ môi trường khi công trình nằm trên địa phận 2 địa phương có ngành kinh tế mũi nhọn là phát triển du lịch và nuôi trồng thủy sản.
Mặt khác, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Tuy vậy, công tác xây dựng đã hoàn thành ngày 30/9/2020, không những đảm bảo tiến độ mà còn vượt 3 tháng so với tiến độ được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.
Dấu mốc hoàn thành được đánh dấu khi ngày 20/11/2020, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đã kiểm tra hầm Hải Vân, chấp thuận kết quả nghiệm thu của Bộ Giao thông vận tải, đánh dấu mốc hoàn thành hầm Hải Vân 2.
Buổi họp đánh giá nghiệm thu do Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng Lê Quang Hùng chủ trì. Trong phát biểu kết luận, ông Lê Quang Hùng đã biểu dương những nỗ lực của chủ đầu tư, đơn vị thi công, giám sát, cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền, đã hoàn thành dự án vượt tiến độ. Qua công tác kiểm tra, báo cáo đánh giá, Hội đồng cơ bản nhất trí báo cáo, công trình hầm Hải Vân 2 đảm bảo điều kiện để thông xe khai thác, và tiếp tục các bước để nghiệm thu hoàn thành.
Phát biểu tại buổi họp, ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, trên phương diện cơ quan ngành chủ quản đã đánh giá cao năng lực của Tập đoàn Đèo Cả với vai trò là chủ đầu tư dự án: “Đèo Cả là một trong những đơn vị dẫn đầu thi công trong lĩnh vực giao thông vận tải. Qua những sản phẩm công trình cho thấy, Tập đoàn Đèo Cả có bề dày kinh nghiệm, đặc biệt là khâu tổ chức thi công, quản lý chất lượng, kiểm soát tiến độ, bảo vệ môi trường và các vấn đề an toàn, an ninh trật tự”.
Nói đến ý nghĩa tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội mà hầm Hải Vân 2 mang lại, ông Nguyễn Văn Phương, Phó chủ tịch UBND Thừa Thiên - Huế bày tỏ niềm mong mỏi sớm đưa công trình đi vào vận hành, tăng cường kết nối giữa 2 đô thị lớn của miền Trung là Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng, rộng mở giao thương hai miền Nam Bắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khắp cả nước.
Thiếu kinh phí vận hành
Đến thời điểm này, nhà đầu tư vẫn chưa xác định được thời gian đưa công trình vào vận hành bởi những lý do khách quan mang lại. Ông Phan Văn Thắng, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, đại diện nhà đầu tư cho biết chi phí vận hành hầm Hải Vân 2 ước khoảng 150 tỷ đồng mỗi năm, trong khi đó dự án đang bị vỡ phương án tài chính do thiếu hụt nguồn vốn mà Nhà nước cam kết hỗ trợ là 1.180 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh cơ chế thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho Dự án so với Hợp đồng đã ký kết vẫn chưa được cấp có thẩm quyền quyết định.
“Nhà đầu tư đã huy động hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư, hoàn thành công trình theo hợp đồng, song đến nay ngân hàng đang tái cơ cấu nợ nên doanh nghiệp phải tập trung trả nợ, không có vốn cho vận hành hầm”, ông Thắng nói và cho hay nếu cơ quan chức năng cam kết giải ngân vốn, đơn vị sẽ tiếp tục làm việc với ngân hàng để có thể đưa hầm Hải Vân 2 vào khai thác.
Được biết, Bộ Giao thông vận tải, Bộ đã báo cáo Chính phủ các vướng mắc về phương án tài chính của dự án hầm Hải Vân 2; trong đó kiến nghị Chính phủ sớm bố trí 1.180 tỷ đồng vốn ngân sách trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2021 - 2025 để hỗ trợ dự án theo đúng chủ trương và cam kết trong hợp đồng.