TS. Lê Văn Hỷ - Tổng Biên tập
Tính tới ngày 28/4, đã có hơn 3 triệu người trên toàn cầu nhiễm COVID-19, trong đó, có gần 1 triệu người khỏi bệnh, hơn 200 ngàn người tử vong. Những con số cho thấy dịch bệnh vẫn đang tiếp diễn, và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều chuyên gia dự báo, tăng trưởng GDP toàn cầu có thể giảm 1,5 % - 1,9 % và chỉ đạt mức thấp nhất trong 30 năm gần đây.
Tại Việt Nam, dịch bệnh đang được kiểm soát tốt. Sau 12 ngày liên tiếp (tính từ ngày 16/4 - 28/4) không có ca nhiễm mới, chỉ còn 48 ca đang điều trị. Nhịp sống xã hội đang dần bắt nhịp trở lại; sinh viên, học sinh đang chuẩn bị trở lại trường học; doanh nghiệp đang tập trung các phương án khôi phục và phát triển.
Dịch COVID-19 được ví như phép thử cho cách ứng xử của Chính phủ của từng quốc gia, cho trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng. Và qua phép thử này, dư luận thế giới đã ngợi khen Việt Nam như hình mẫu trong việc phòng chống dịch bệnh. Tính đoàn kết, tình nhân ái, ý thức tuân thủ được nhân rộng trong toàn dân.
Nhìn trực diện, dịch bệnh đã tác động lớn đến hoạt động của doanh nghiệp, sự tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, nhìn theo hướng tích cực, đây lại là cơ hội để thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế bằng các chính sách phát triển bền vững và lâu dài hơn, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một vài nền kinh tế hàng đầu trong chuỗi cung ứng. Gián tiếp thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử phát triển, là chất xúc tác cho các doanh nghiệp chuyển đổi số. Chuyển đổi số trở thành yêu cầu khách quan và cấp bách trong giai đoạn hiện nay và lâu dài.
Việt Nam đang được cộng đồng thế giới đánh giá cao cả về năng lực ứng phó với đại dịch và nỗ lực duy trì động lực tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Đây cũng là dịp người dân thêm tin tưởng vào năng lực lãnh đạo của Đảng, Chính phủ trong công cuộc với cả hai mục tiêu “Chống dịch tốt để bảo vệ người dân, đồng thời duy trì ổn định kinh tế để sẵn sàng bứt phá khi dịch đi qua”.
Trong tinh thần vượt khó, sự năng động sáng tạo của doanh nghiệp; những chính sách, định hướng phát triển đúng đắn của Chính phủ; cùng các cơ hội đến từ các Hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP… là những yếu tố thuận lợi, sẵn sàng cho các bước hồi phục kinh tế của Việt Nam.