
Từ "Một trong những động lực" trở thành "Một động lực quan trọng"
Từ ngày 02 - 03/5/2019, Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì và chỉ đạo tổ chức Diễn đàn Kinh tế tư nhân năm 2019 với chủ đề Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII và Nghị quyết 98-NQ/CP của Chính phủ nhằm đánh giá kết quả sau 2 năm thực hiện Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân.
Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và triển khai nhiều chính sách, giải pháp, môi trường kinh doanh khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam trong 2 năm qua (2017 – 2018) đã có những chuyển biến tích cực.
Theo đó, xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2019 đứng thứ 69/190 quốc gia, tăng 21 bậc so với năm 2016. Tâm lý của nhân dân và tinh thần của doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đã được nâng lên, củng cố lòng tin vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân.
Việt Nam hiện có khoảng 600.000 DN, trong đó có gần 500.000 DN tư nhân. Thống kê từ năm 2016 đến nay, mỗi năm có thêm hơn 100.000 DN mới thành lập mới. Trong 2 năm 2017 - 2018 có 258.134 DN được thành lập mới và 60.458 DN hoạt động quay trở lại nhờ môi trường kinh doanh được cải thiện và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Số DN thành lập mới đã tạo gần 2,3 triệu việc làm cho người lao động. Tinh thần khởi nghiệp cũng đã lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng xã hội, hiện có hơn 3.000 công ty khởi nghiệp sáng tạo (start-up) đang hoạt động, trong đó có nhiều DN thành công.
Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp trên 40% GDP cả nước, chiếm tỷ trọng 25,3% - 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và chiếm tỷ trọng 34,7% - 34,8% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, lớn gấp hơn 10 lần về xuất khẩu và gần 7 lần về nhập khẩu của khu vực DN Nhà nước (không kể dầu thô). Tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh và đã vượt mức 40%. Số DN thành lập mới (2017 - 2018) có tổng số vốn đăng ký là 2,77 triệu tỷ đồng (chưa bao gồm gần 4,28 triệu tỷ đồng vốn tăng thêm của các DN đang hoạt động).
Thu ngân sách Nhà nước từ sản xuất kinh doanh khu vực kinh tế tư nhân tăng nhanh, trên 15%/năm, cao khoảng gấp 2 lần khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2018 là năm đầu tiên thu ngân sách Nhà nước từ sản xuất kinh doanh của
khu vực kinh tế tư nhân vượt khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực DN Nhà nước. Những tín hiệu này phản ánh sự lớn mạnh về quy mô, số lượng chủ thể và sự cải thiện về hiệu quả của kinh tế tư nhân.
Sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư nhân trong các lĩnh vực như xây dựng, chế biến, chế tạo, công nghiệp ô tô, vận tải hàng không, tài chính, ngân hàng,... đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Để kinh tế tư nhân "cất cánh"
Kết quả đạt được bước đầu trong phát triển kinh tế tư nhân khẳng định, Nghị quyết 10 đang dần đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Đồng thời, khẳng định quan điểm, chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế là hoàn toàn đúng đắn.
Tuy nhiên, những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu. Nhiều hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế tư nhân chưa được khắc phục. Nhiều nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết 10 chưa được triển khai quyết liệt, đồng bộ và chưa mang lại sự chuyển biến, hiệu quả rõ rệt trên thực tế.
Để đưa khu vực kinh tế tư nhân cất cánh trong thời gian tới, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh doanh minh bạch, công bằng, lành mạnh, rõ ràng; một hệ thống thủ tục hành chính đơn giản, thuận tiện cho DN. Ban hành hệ thống chính sách đồng bộ, ổn định lâu dài đối với hoạt động của kinh tế tư nhân để tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam bền vững.
Đẩy mạnh hơn nữa việc tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân. Quyết liệt trong công tác xóa bỏ tệ nạn tham nhũng, nhũng nhiễu DN.
Đẩy mạnh cải cách hành chính để cơ quan Chính phủ các cấp phục vụ có hiệu quả. Cần tiếp tục thực hiện các cơ chế chính sách của Chính phủ trong việc cải cách các mức thuế quan, cắt giảm các thủ tục đăng ký DN cùng với các “chi phí không chính thức”. Áp dụng công nghệ vào các hoạt động quản lý, xóa bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp, các giấy phép “con”, giấy phép “cháu” bất hợp lý. Có cơ chế cắt giảm thuế thu nhập DN để hỗ trợ DN giải quyết bài toán việc làm cho xã hội, với quy định cụ thể về việc sử dụng phần ưu đãi thuế thu nhập DN đó để tái đầu tư, tạo công ăn việc làm mới.
Nhà nước cần có chính sách công bằng đối với các DN kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và sòng phẳng giữa các DN Việt Nam và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Kiên quyết và công minh loại bỏ tệ nạn “tư bản thân hữu”, “lợi ích nhóm”, “tham nhũng”,… trong bộ máy công quyền. Không để kinh tế tư nhân phối hợp với nước ngoài thao túng chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước.
Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tư nhân được tiếp cận các nguồn lực (như đất đai, tài chính, lao động, khoa học công nghệ,…). Có cơ chế, chính sách để xây dựng và phát triển hạ tầng thông tin dữ liệu về DN hoạt động cùng ngành hàng, về thị vốn, về thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ,…
Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu có ít nhất 1 triệu DN năm 2020, hơn 1,5 triệu DN năm 2025 và có ít nhất 2 triệu DN năm 2030. Phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt khoảng 50% GDP năm 2020, khoảng 55% GDP năm 2025 và 60% - 65% GDP năm 2030. Nếu không triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp mang tính đột phá, nhất là về cải thiện môi trường kinh doanh và thiếu sự quan tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự tham gia, đồng hành của nhân dân và khu vực kinh tế tư nhân thì những mục tiêu phát triển trên sẽ rất khó đạt được.