
Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá cao, được coi là điểm sáng về phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, diễn ra ngày 28/12/2020 đã nêu rõ, năm 2020 là năm có nhiều khó khăn, thách thức lớn, bất ngờ xuất hiện, tác động xấu, nhiều mặt và ảnh hưởng rất nặng nề không chỉ đối với nước ta mà còn đối với toàn thế giới. Ngay từ đầu năm, đại dịch COVID-19 đã bùng phát và lan rộng ra hầu hết các nước trên thế giới, diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó lường, hiện vẫn đang tiếp tục lây lan ở nhiều nơi và chưa rõ hồi kết,… Kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái nặng nề, tăng trưởng âm tới gần 4%; thương mại thế giới sụt giảm nghiêm trọng; thị trường tài chính biến động bất thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thêm vào đó, dịch tả lợn châu Phi, thiên tai, hạn hán, bão lũ, sạt lở đất,... liên tiếp xảy ra, nhất là trong những tháng cuối năm ở miền Trung làm cho khó khăn chồng chất khó khăn.
Trong bối cảnh đó, chúng ta vẫn hoàn thành khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra với nhiều điểm mới vượt trội và dấu ấn nổi bật. Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá cao, được coi là điểm sáng về phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân; giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế bằng nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp với bối cảnh đại dịch COVID-19. Trong đó, nổi bật là đã ứng phó rất nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt, có hiệu quả trước thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19. Chúng ta cũng bắt đầu tiến hành những thử nghiệm lâm sàng về vaccine COVID-19 trên người, qua đó cho thấy nền y học của nước nhà không thua kém nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước phát triển.
Cũng theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, năm 2020, trong khi nhiều nước trong khu vực và trên thế giới rơi vào suy thoái, dưới tác động của dịch COVID-19, kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng dương, đạt 2,91%, góp phần làm cho GDP trong 5 năm (2016 - 2020) vẫn tăng trung bình 5,9%/năm, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới; quy mô nền kinh tế tăng 1,4 lần so với đầu nhiệm kỳ, trở thành nền kinh tế có quy mô đứng thứ 4 trong ASEAN. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện; năng suất lao động tăng bình quân 5,8%/ năm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục, trên 540 tỷ USD; cán cân thương mại có thặng dư cao, xuất siêu khoảng 20 tỷ USD, dự trữ ngoại hối tăng cao. Nợ công giảm từ 63,7% GDP đầu nhiệm kỳ xuống còn 55% năm 2019; tuy có tăng trong năm 2020 do nhu cầu chi tăng để ứng phó với thiên tai, dịch bệnh nhưng vẫn ở mức 56,8%, dưới ngưỡng an toàn do Quốc hội quy định. Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công tăng mạnh so với năm 2019, đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2020.
Đến thời điểm này có thể khẳng định, chúng ta đã đạt được “mục tiêu kép” trong phòng chống dịch COVID-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế. Việt Nam được đánh giá là một trong số 10 nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất; một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong năm 2020. Nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn đã được ban hành kịp thời và tổ chức thực hiện tốt để duy trì ở mức cao các hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội.
Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nay đã không còn phụ thuộc riêng một thành phần kinh tế nào, dù là doanh nghiệp Nhà nước hay FDI, mà vai trò của kinh tế tư nhân đang từng bước được khẳng định là một động lực quan trọng của đất nước.

Vai trò của kinh tế tư nhân đang từng bước được khẳng định là một động lực quan trọng của đất nước
Chúng ta cũng không tập trung vào một vài ngành kinh tế nào mà nay công nghiệp, dịch vụ và đặc biệt là nông nghiệp đều cùng giữ vai trò và đóng góp quan trọng. Trong ngoại thương, nhờ nhiều hiệp định FTA, Việt Nam đã không quá tập trung vào một vài thị trường truyền thống; đồng thời chú trọng hơn nữa thị trường trong nước. Ngoài ra, năm 2020, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế nước ta tiếp tục được duy trì, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Nhiều hoạt động đối ngoại, nhất là các hội nghị và cuộc làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp vẫn tiếp tục được triển khai có chất lượng, hiệu quả cao, góp phần hoàn thành tốt vai trò của Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Trong năm 2020, đã hoàn thành việc đàm phán, ký kết 2 hiệp định rất quan trọng là: Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP). Trong bối cảnh bất ổn địa chính trị, Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò kết nối, tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác và làm sâu sắc thêm lòng tin giữa các quốc gia trong và ngoài khu vực.
Một sự kiện cụ thể nhưng mang nhiều ý nghĩa là ngày 27/12/2020, lần đầu tiên thế giới tổ chức “Ngày thế giới sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh” theo Nghị quyết được Liên Hợp Quốc nhanh chóng thông qua theo đề xuất của Việt Nam, được rất nhiều nước hưởng ứng tham gia đồng sáng kiến.
Ông Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định, Việt Nam đã đạt được thành tích gần như độc nhất vô nhị trong khủng hoảng COVID-19. Ông cũng cho biết, trong thời gian tới, triển vọng của Việt Nam được cho là tích cực khi nền kinh tế được WB dự báo tăng trưởng ở mức khoảng 6,8% trong năm 2021 và sẽ ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo. Dự báo này dựa trên giả định rằng, khủng hoảng COVID-19 sẽ dần được kiểm soát, khi vaccine COVID-19 chứng minh được tính hiệu quả, kết quả quản lý một số rủi ro có thể phát sinh ở các mặt tài khóa, tài chính và xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Nền kinh tế chúng ta, đất nước chúng ta đang tiến nhanh về phía trước với tốc độ mà cách đây ít năm một số đánh giá cho rằng, điều này khó có thể xảy ra và chắc chắn rằng dân tộc chúng ta sẽ tiếp tục tiến nhanh hơn nữa về phía trước”.