(Vietnam Logistics Review) Mặc dù cơ quan cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông đã nỗ lực hết sức mình vẫn chưa thể giải quyết căn cơ trình trạng kẹt xe thường xuyên, kéo dài như hiện nay trên các đường ra vào các cảng tại khu vực TP.HCM.
NGUYÊN NHÂN CỦA ÙN TẮC
Khu vực Cảng Cát Lái (Quận 2) chiếm tỷ trọng hàng hóa khoảng 54% (xấp xỉ 50 triệu tấn/năm) của TP.HCM và chiếm 13% sản lượng hàng hóa của cả nước. Do đó, khu vực này tập trung lượng xe container lưu thông ra vào cảng rất lớn. Ngoài ra, trên đường Nguyễn Thị Định (ra vào Cảng Cát Lái) vốn đã hẹp, nay tập trung nhiều các depot, bãi hàng nên phát sinh thêm lượng xe container vận chuyển hàng hóa từ các cảng thuộc Quận 7 về, làm tăng thêm áp lực lên tuyến đường.
Mặt khác, sau khi dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đưa vào khai thác, mật độ phương tiện lưu thông trên tuyến Vành đai 2 gia tăng rất lớn, làm tăng tình trạng quá tải tại cung đường ra vào Cảng Cát Lái. Theo thống kê của Sở GTVT TP.HCM, hiện có hơn 20.000 lượt xe ra vào cảng mỗi ngày, khiến tình trạng ùn tắc ngày càng nghiêm trọng. Đơn cử, mới đây tại đường vành đai phía Đông (nối đường ra vào cảng), hàng trăm xe tải bị giam hàng giờ đồng hồ liền do tắc đường. Nghiêm trọng hơn, tại khu vực Cảng Trường Thọ (còn gọi là cụm cảng ICD, Quận Thủ Đức) với bề rộng mặt đường trung bình 7m, không đủ lưu thông 2 chiều, khiến cho tuyến đường luôn rơi vào tình trạng kẹt cứng.
Tương tự tại khu vực Cảng Phú Hữu (Quận 9), tuyến đường Nguyễn Duy Trinh (nối Quận 2) được xem là độc đạo để đưa hàng hóa ra vào cảng. Thế nhưng, hiện tuyến đường này hoàn toàn không phù hợp cho tính chất khai thác phục vụ cảng biển, khi bề rộng chỉ từ 6,5m đến 7m. Còn khu vực Cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), dù Cảng Hiệp Phước đưa vào khai thác giai đoạn 1 nhưng tại giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ vào các giờ cao điểm vẫn thường xuyên xuất hiện tình trạng ùn ứ xe do mật độ phương tiện lưu thông rất lớn từ các tỉnh miền Tây qua đây để ra vào thành phố. Dự báo lượng xe lưu thông ra vào cảng thông qua giao lộ Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh sẽ gia tăng nếu Cảng Hiệp Phước xây dựng hoàn thiện. Tương tự, tại khu vực Cảng Khánh Hội - Tân Thuận (Quận 4 và 7), do tuyến đường trục chính Nguyễn Tất Thành đã quá hẹp, trong khi hằng ngày có hàng chục nghìn lượt phương tiện lưu thông qua đây, gây nên ùn ứ kéo dài cả tuyến đường.
CHƯA TÌM ĐƯỢC GIẢI PHÁP
Hàng năm lượng hàng hóa thông quan qua các cảng khu vực TP.HCM ngày càng tăng, trong khi các tuyến đường kết nối trực tiếp hiện quá tải nghiêm trọng. Trong khi đó, thành phố vẫn chưa có kế hoạch lâu dài, mọi giải pháp cho vấn đề này chỉ mang tính tạm thời. Trong đó, quyết định di dời hệ thống cảng biển trên sông Sài Gòn ra khỏi nội thành là một quyết định mang tầm nhìn chiến lược, đồng thời giải quyết được hai vấn đề nan giải hiện nay: hệ thống cảng biển trên sông Sài Gòn dời ra vùng đất mới sẽ có điều kiện phát triển, mở rộng hơn nữa và tích cực góp phần làm giảm tình trạng ùn tắc giao thông, không đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Mặt khác, khi di dời các cảng biển ra khỏi nội thành, phần đất vàng tại các cảng sẽ là những khu đô thị, thương mại hiện đại cho tương
lai gần.
Tuy nhiên giải pháp trên vẫn còn lúng túng do cơ sở hạ tầng vẫn không đáp ứng được lượng xe lưu thông. Ngoài ra, Cảng ICD Trường Thọ cũng được UBND TP.HCM cân nhắc di dời. Vấn đề đặt ra là có nên xóa sổ cụm cảng đang giúp chia lửa, giảm ùn tắc hàng hóa tại cảng Tân Cảng Cát Lái và đóng góp khá lớn cho ngân sách TP?
Gỡ được những nút thắt này, tình hình giao thông của thành phố sẽ giảm áp lực và hạn chế ùn tắc, đặc biệt là khi các cảng biển di dời ra xa trung tâm, các cảng biển hàng hóa trong hệ thống kết nối chặt chẽ với nhau, sẽ giải tỏa được lưu lượng các loại xe tải vận chuyển hàng hóa ra vào cảng. Việc tìm ra giải pháp giảm ùn tắc giao thông tại khu vực cảng ở TP.HCM hiện nay còn là dấu hỏi lớn.