Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội khó vận hành năm 2021 vì đâu?

Báo Giao thông|16/05/2020 08:49

(VLR) Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất về vấn đề mặt bằng, nguy cơ tiếp tục lùi tiến độ là hiện hữu.

Phần tiếp giáp với hè phố một bên nhà ga S7 thuộc phạm vi thi công cầu thang ga nhưng chưa được GPMB

Phần tiếp giáp với hè phố một bên nhà ga S7 thuộc phạm vi thi công cầu thang ga nhưng chưa được GPMB

Đoạn trên cao của tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội được “chốt” tiến độ khai thác vận hành vào tháng 4/2021, tuy nhiên, hiện dự án đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất về vấn đề mặt bằng, nguy cơ tiếp tục lùi tiến độ là hiện hữu.

Thiếu nhân lực, chậm thiết bị

Những ngày gần đây, ghi nhận của PV Báo Giao thông tại công trường dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, đoạn trên cao 8,5km (từ Nhổn - Cầu Giấy) đã lắp đặt xong đường ray chạy tàu, lan can. Nhà thầu đang tập trung thi công hoàn thiện nhà ga, lắp đặt thiết bị thông gió, phòng cháy, mái che. Một số ga trên cao bắt đầu làm cầu thang dẫn từ hè đường lên ga trung chuyển.

Còn đoạn đi ngầm (4km, từ Kim Mã - ga Hà Nội) đang thi công đào ngầm các ga, đổ bản kết cấu bê tông bản đỉnh, bản trung chuyển giữa hai tầng ga. Dự đến quý IV/2020 mới đưa máy đào đường hầm từ Đức về để thi công.

Đề cập tiến độ dự án, lãnh đạo Ban QLDA đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, hết quý I/2020, tiến độ tổng thể dự án đạt 60,8%, riêng tiến độ đoạn trên cao đạt 71,3%. Trong đó, hiện đã hoàn thành gói thầu xây dựng đoạn tuyến trên cao và gói thầu công trình hạ tầng kỹ thuật Depot.

Theo quyết định của UBND TP. Hà Nội vào tháng 7/2019, dự án được tách thành 2 mốc tiến độ hoàn thành. Trong đó, vận hành trước đoạn trên cao vào tháng 4/2021, còn đoạn đi ngầm hoàn thành và khai thác vào cuối năm 2022.

Lãnh đạo Ban QLDA cho biết, từ giữa quý I/2020 đến nay, việc huy động nhân sự, thiết bị dự án bị chậm trễ. “Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, gần 20 chuyên gia tư vấn, quản lý dự án ở châu Âu, Hàn Quốc chưa thể trở lại dự án, khiến thiếu hụt nhân sự chuyên gia. Việc sản xuất, nhập khẩu thiết bị, vật tư cũng bị chậm do hầu hết thiết bị được sản xuất, nhập khẩu từ châu Âu. Việc này ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các gói thầu và dự án”, đại diện lãnh đạo Ban QLDA đường sắt đô thị thông tin và cho biết, ở trong nước, công tác huy động công nhân và cung ứng vật tư thiết bị cũng bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19.

Khó khăn khác là việc chuẩn bị đào tạo nhân lực để khai thác, vận hành dự án cũng đang bị chậm so với kế hoạch. Đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, dự kiến đến giữa tháng 4/2020 kết thúc thời hạn nhận hồ sơ tuyển 40 người để đào tạo lái tàu. Tuy nhiên, hết thời hạn trên, hiện vẫn chưa tuyển đủ nên phải gia hạn tuyển dụng đến 17/5/2020.

5/8 ga vẫn vướng giải phóng mặt bằng

Theo tìm hiểu của PV, tháng 7/2019, UBND TP. Hà Nội giao chủ đầu tư xây dựng kế hoạch chi tiết tháo gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng (GPMB). Tuy vậy, đến nay đã gần 1 năm vẫn còn tới 5/8 ga trên cao thuộc địa bàn quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và Cầu Giấy vẫn chưa GPMB xong các vị trí làm cầu thang dẫn từ hè đường lên tầng trung chuyển nhà ga. Vướng mắc này khiến nhà thầu chưa thể thi công hoặc đang thi công phải dừng lại.

Ga S4 có hơn chục nhà cao tầng nằm trong chỉ giới xây dựng cầu thang nhưng chưa được GPMB

Ga S4 có hơn chục nhà cao tầng nằm trong chỉ giới xây dựng cầu thang nhưng chưa được GPMB

Cụ thể, theo Ban QLDA, tại ga số 4 có 19 nhà dân nằm trong chỉ giới đường đỏ và có cột điện, cáp điện hạ thế chưa được di chuyển, đường ống nước; Ga số 5 trùng với cổng vào của Nhà hát Quân đội, vướng đường dây điện 24kv. Ga số 6 vướng cổng nhà sách, hàng quán; Ga số 7 vướng phần đất một tòa nhà chung cư, 16 nhà dân; Ga số 8 vướng cột điện, đường điện, cây xanh.

Đến thời điểm này, phần mặt bằng nhà dân cần giải phóng chưa được kiểm đếm. Ngày 9/5 vừa qua, các bên mới cắm xong mốc thực địa để triển khai GPMB, trong khi khối lượng công việc còn lại khá lớn.

“Năm 2006, khi TP Hà Nội thực hiện dự án mở rộng QL32, đường Xuân Thủy đã tổ chức GPMB. Mặt bằng được giải phóng cho dự án trên cũng là mặt bằng của dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội để tránh phải GPMB hai lần. Tuy vậy, từ đó đến nay, công trình nhà dân liên tục lấn chiếm. Khi đơn vị đề nghị GPMB, quận, phường nói không lưu hồ sơ về mặt bằng”, lãnh đạo Ban QLDA cho biết.

Trong khi đó, ông Trần Việt Hà, Phó chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết: “Trước đây, khi thực hiện dự án đường QL32 đã cắm mốc chỉ giới GPMB, nhưng chưa giải phóng hết theo chỉ giới nên vẫn có trường hợp đất có sổ đỏ của nhà dân nằm trong chỉ giới. Khi cấp phép xây dựng, đất nằm trong chỉ giới mà có sổ đỏ vẫn phải cấp”.

Cũng theo ông Hà, để GPMB làm ga phải cắm mốc, sau đó xác định trường hợp công trình nào lấn vào đất công thì tháo dỡ, còn có sổ đỏ phải đền bù, thực hiện GPMB theo quy định.

Ông Lee Hwang Se, Giám đốc dự án của nhà thầu Posco E&C cho biết, hiện các nhà ga trên cao đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đã đạt khoảng 80% tiến độ và khó khăn nhất hiện nay là không có mặt bằng thi công. Nếu không được sớm bàn giao mặt bằng thi công, nhà thầu sẽ khó kịp hoàn thành tất cả hệ thống thang nối vào nhà ga vào cuối năm 2020, để đưa đoạn trên cao vào khai thác vào tháng 4/2021.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Ân, chuyên gia công nghệ đường sắt cho rằng, việc vận hành hệ thống đường sắt đô thị đòi hỏi đủ điều kiện đồng bộ tất cả các khâu, từ cơ sở hạ tầng, phương tiện đến nhân lực điều hành, trực tiếp phục vụ chạy tàu và vận hành thử một thời gian. “Dù chỉ một khâu dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội bị chậm sẽ ảnh hưởng đến tiến độ khai thác, vận hành chính thức của dự án”, ông Ân nói.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội khó vận hành năm 2021 vì đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO