Giải pháp hình thành trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM

Trung Thành (tổng hợp)|10/02/2023 15:15

Đề án xây dựng Trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế tại TP.HCM đã được phê duyệt từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đến nay trung tâm này chưa thể hình thành. Báo SGGP vừa tổ chức tọa đàm “Giải pháp hình thành trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM” có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp…

TTTC được phê duyệt từ năm 2000, nhưng vẫn chưa có sự chuyển động

Tại tọa đàm, ông Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, dẫn chứng: Năm 2000, thị trường tài chính còn sơ khai nhưng đã có mô hình Quỹ đầu tư TP thành lập là định chế tài chính mới. Mô hình quỹ đầu tư lúc đó còn sơ khai của thị trường tài chính Việt Nam nhưng có các chức năng mạnh hơn Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) hiện nay.

chuyen-gia-kinh-te-dinh-the-hien-vlr-10022023.png
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển 

“Tôi không nói về quy mô mà là vai trò, bởi lẽ Quỹ đầu tư thời điểm đó phân định rõ ràng việc quản lý vốn nhà nước, thu chi ngân sách thành phố, có phòng quản lý ủy thác, có bộ phận thẩm định cho vay các dự án mang tính cốt lõi của TPHCM… Thế nhưng, trong suốt 20 năm nay vẫn chưa có sự chuyển động”, ông Hiển cho biết thêm.
Còn về những bất cập đang tồn tại, ông Đinh Thế Hiển chia sẻ, vừa qua Sở Giao thông TPHCM đề xuất vốn cho các dự án cửa ngõ với hình thức BOT, trong khi đáng lẽ vấn đề huy động vốn cho các dự án này phải có vai trò của HFIC trong việc đưa ra các giải pháp. Năm 2000, TPHCM đã phát hành trái phiếu đô thị, lúc đó TPHCM mới có đủ năng lực, đủ điều kiện để phát hành trái phiếu đô thị, trái phiếu công trình nhưng hiện nay số lượng phát hành trái phiếu lớn nhất thuộc về các công ty tư nhân phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trên 1 triệu tỷ trong khi trái phiếu đô thị và công trình của TPHCM dậm chân tại chỗ.
“Tôi là Chủ tịch của 1 quỹ đầu tư, cũng đang tìm trái phiếu tốt để đầu tư nhưng lại không có trái phiếu tốt nào để đầu tư, trong khi trái phiếu Chính phủ thì lãi suất thấp. Điều này cho thấy, TTTC TPHCM chuyển động chậm chạp. Đề án TTTC của Viện Kinh tế TP năm 2000 đã được phê duyệt, TPHCM là đầu tàu của 7 tỉnh. Tuy nhiên, nếu TPHCM không được Trung ương cấp cho các cơ chế đặc thù thì khó mà hình thành TTTC”. Ông Hiển cho hay.
Hiện nay nguồn vốn cho nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc chủ yếu là ngân hàng thương mại, trong khi nguồn vốn tín dụng dành cho vốn vay lưu động và người dân đã quá tải. Thị trường vốn ở Việt Nam hiện đang gặp nhiều sự cố và đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần có TTTC để thu hút nguồn vốn từ thị trường quốc tế. Việc thu hút vốn này không phải TPHCM, không phải HFIC mà là những định chế tài chính, quỹ đầu tư, quỹ tương hỗ, quỹ mua bán nợ, quỹ đầu tư hạ tầng… đứng ra huy động vốn.

Giải pháp hình thành trung tâm tài chính quốc tế TPHCM

Ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM cho rằng, chúng ta cần hoàn thiện 3 trụ cột cốt lõi:
Thứ nhất, với trụ cột thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, hiện chỉ mới có hệ thống ngân hàng thương mại mà thiếu ngân hàng đầu tư.
Thứ hai, với trụ cột thị trường vốn thì còn manh nha, sơ khai và mới hình thành dạng trái phiếu ở một số lĩnh vực nhất định, trong đó chủ yếu là ngành bất động sản. Cần hoàn thiện hệ thống pháp lý để thị trường này hoạt động đầy đủ cho tất cả ngành nghề.
Thứ ba, là trụ cột về thị trường hàng hoá phái sinh. Trụ cột này hoàn toàn chưa có, thậm chí sàn giao dịch điện tử hàng hoá sơ cấp nhất cũng chưa hình thành. Trong khi đó, Việt Nam được xếp top 10 nước xuất khẩu lớn nhất trên thế giới nhưng cách thức giao dịch thương mại vẫn mang tính chất thủ công truyền thống.

ha-ong-nguyen-ngoc-hoa-moi-vlr-10022023.png
Ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM

Về nhóm giải pháp, ông Hòa cho biết, có 5 nội dung cần tập trung giải quyết để hoàn thiện ba trụ cột trên, nhưng phải nhấn mạnh rằng rất cần sự tham gia một cách chủ động và đầy trách nhiệm từ cơ quan Trung ương, bởi vượt thẩm quyền của TPHCM. Cụ thể: xây dựng hệ thống pháp luật và thể chế hoàn chỉnh, đồng bộ, bao quát được các lĩnh vực mà dòng chảy tài chính sẽ hướng đến. Trong đó, đặc biệt chú trọng chính sách thu hút đầu tư từ nhà đầu tư tiên phong, có tính chất khai phá, dẫn dắt hình thành thị trường, tạo tiền đề hình thành chuỗi nhà đầu tư thứ cấp tham gia. Về vấn đề này, có thể lựa chọn hình thức là Chính phủ giao cho một cơ quan chức năng tập trung xây dựng hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với mục tiêu hình thành TTTC. Hoặc có thể chọn giải pháp rút ngắn thời gian hơn bằng cách kế thừa, áp dụng mô hình TTTC đã có sẵn trên thế giới.
Hai là, cần cơ chế cho phép áp dụng khung pháp lý thí điểm thử nghiệm trên một số lĩnh vực. Từ đó làm cơ sở đánh giá mức độ tương thích giữa hệ thống pháp lý với hiệu quả thực hiện, tiến tới điều chỉnh cho phù hợp với xu hướng phát triển trong tương lai.
Ba là, cần có sự vào cuộc cơ quan Trung ương trong việc xây dựng hành lang pháp lý minh bạch, tạo nền tảng vững chắc, an toàn để thu hút cũng như hình thành những con sếu đầu đàn đủ sức tham gia vào cuộc chơi chung trên thị trường tài chính. Các tập đoàn này phải đảm bảo năng lực để tích hợp kinh doanh đa ngành từ ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán… Đây được xem là những con sếu đầu đàn, là tiền đề cần thiết để TTTC hoạt động ổn định.
Bốn là, cần xác định giá trị cốt lõi cho năng lực cạnh tranh của TTTC làm điểm nhấn thu hút các định chế tài chính trên thế giới tham gia. Điều này đòi hỏi chúng ta phải xác định chọn thị trường ngách, là một lĩnh vực nào đó hoặc chọn tổng thể các ngành trên thị trường toàn cầu. Đây là cơ sở để xây dựng chính sách ưu đãi thu hút đầu tư cho các định chế tài chính tương ứng.
Năm là, chủ động xây dựng nguồn nhân lực có đủ trình độ lĩnh vực tài chính. Nguồn nhân lực này có thể thu hút từ nước ngoài hoặc đào tạo trong nước. Cùng với đó, cần có chính sách đầu tư đồng bộ nhằm tạo môi trường làm việc, sinh sống, giải trí thuận lợi cho các nhà đầu tư, chuyên gia tài chính cũng như gia đình họ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp hình thành trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO