Giao thông vận tải vùng Đồng bằng sông Hồng: Mục tiêu 2030, tầm nhìn 2045

Từ Tâm (tổng hợp)|12/02/2023 20:34

Về kết nối, ĐBSH sẽ đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng trong quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT, tạo không gian kinh tế thống nhất, tăng năng lực cạnh tranh vùng, phát triển kinh tế biển... thích ứng với biến đổi khí hậu.

ha_long_van_don.jpg
Tuyến đường cao tốc Hạ Long-Vân Đồn (Quảng Ninh).

"Bộ mặt" GTVT vùng ĐBSH hiện như thế nào?

Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 và Kết luận số 13-KL/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), kết cấu hạ tầng (KCHT) giao thông vận tải (GTVT) đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của Vùng.

Theo thống kê giai đoạn 2005-2020, ngân sách Trung ương (Bộ GTVT quản lý) đã huy động để đầu tư phát triển KCHT giao thông quốc gia trong Vùng lên đến khoảng 137 nghìn tỷ đồng. Nhờ đó, diện mạo hệ thống KCHT giao thông của Vùng đã có sự thay đổi rõ rệt, nhiều công trình quan trọng đã được đầu tư đưa vào khai thác.

 Về đường bộ, đã đưa vào khai thác 9 tuyến cao tốc, chiều dài 576 km; 25 tuyến quốc lộ, chiều dài 2.133 km. Về đường sắt, đã và đang cải tạo, nâng cấp duy trì khai thác 6 tuyến đường sắt quốc gia; Về hàng hải, đã đầu tư để hình thành 4 cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Ninh Bình, trong đó cảng Hải Phòng là cảng cửa ngõ quốc tế; Về đường thủy nội địa, đang khai thác 37 tuyến đường thủy nội địa, đưa vào khai thác có hiệu quả tuyến vận tải thủy ven biển, vận tải từ bờ ra đảo; về hàng không, đang khai thác 3 cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn. Hệ thống giao thông địa phương được quan tâm đầu tư, kết nối có hiệu quả với hệ thống giao thông quốc gia.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống KCHT giao thông vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh mới như: Đầu tư kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, các công trình hạ tầng khung giao thông lớn kết nối các địa phương, các đô thị lớn trong Vùng chưa đưa vào khai thác (đường vành đai 4, 5); đầu tư đường sắt kết nối cảng hàng không, cảng biển chậm; đường thủy nội địa còn khai thác hạn chế; hệ thống vận tải hành khách công cộng đô thị chưa hiệu quả, chưa đồng bộ, thị phần vận chuyển hành khách thấp; tốc độ tăng trưởng phương tiện cá nhân (ô tô con, xe máy) nhanh, chiếm tỉ trọng lớn trong giao thông đô thị, khó kiểm soát.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, nguyên nhân chủ yếu do quy hoạch thiếu tính liên kết, chưa đồng bộ; kế hoạch đầu tư phát triển KCHT giữa các địa phương trong Vùng chưa chú trọng đến kết nối vùng, liên vùng. Bên cạnh đó nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu; chưa có các cơ chế, chính sách đủ mạnh để huy động nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách; hệ thống thể chế chính sách còn bất cập, chậm đổi mới.

Mục tiêu 2030 và tầm nhìn 2045

Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 lần này với mục tiêu đến năm 2030, Vùng Đồng bằng sông Hồng "có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao". 

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, sẽ quyết tâm đầu tư hoàn thành các tuyến vành đai vùng (vành đai 4, vành đai 5), cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, Nội Bài – Hạ Long, Cổ Tiết – Chợ Bến, các tuyến liên kết vùng để phát triển các hành lang, cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế - đô thị, tạo đột phá phát triển vùng; mở rộng một số đoạn tuyến quốc lộ trong Vùng theo quy hoạch và các đoạn tuyến đường bộ ven biển để đáp ứng nhu cầu vận tải, phát triển kinh tế biển.

Đồng thời, tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp để khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, nâng cao kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế qua cửa khẩu Lào Cai, Đồng Đăng; đầu tư tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng kết nối đến cảng biển Đình Vũ, Lạch Huyện; đầu tư đường sắt khu đầu mối Hà Nội; hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị trong khu vực đô thị trung tâm Hà Nội; triển khai các tuyến đường sắt đô thị kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội; nghiên cứu đầu tư các tuyến đường sắt đô thị kết nối Hà Nội với các tỉnh xung quanh (Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam...).

Cải tạo, đưa vào cấp kỹ thuật các tuyến đường thủy nội địa, kết nối thuận lợi từ Hải Phòng, Quảng Ninh về Hà Nội, Việt Trì, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình; nâng cấp tĩnh không cầu Đuống; xây dựng mới cảng container, các cảng khách đầu mối tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.

Khai thác hiệu quả cảng quốc tế Lạch Huyện; tiếp tục đầu tư các bến cảng tại cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh đáp ứng lượng hàng hóa thông qua trong từng thời kỳ; phát triển cảng tại các huyện đảo với quy mô phù hợp đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh; chú trọng đầu tư đồng bộ giữa luồng và bến, kết nối liên hoàn giữa cảng biển trong Vùng với phương thức vận tải khác, đầu mối vận tải khu vực; đầu tư các cảng cạn để hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics.

Nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cát Bi đáp ứng nhu cầu trong từng thời kỳ; khai thác hiệu quả cảng hàng không Vân Đồn.

Mục tiêu đến năm 2045, mạng lưới GTVT của Vùng ĐBSH sẽ đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

img6319-1676168359735231951523.jpg
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Bộ GTVT sẽ tập trung mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Vùng ĐBSH

* Trong 5 giải pháp được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nêu ra tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị, vừa diễn ra tại Hạ Long (Quảng Ninh) có giải pháp đa dạng nguồn lực để phát triển KCHT giao thông, xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để huy động vốn tư nhân, vốn hợp pháp khác tham gia đầu tư xây dựng KCHT giao thông, trong đó ưu tiên các nguồn lực để đầu tư các công trình KCHT giao thông trọng điểm, có vai trò động lực, lan toả, liên kết vùng, kết nối các cảng biển, phát triển KCHT giao thông đô thị. Kết hợp hiệu quả nguồn vốn Trung ương và địa phương với nguồn vốn huy động ngoài ngân sách.

Bài liên quan
  • Thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông vận tải chiến lược là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu năm 2022
    Năm 2022, chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ, vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả. VLR xin giới thiệu 10 dấu ấn và sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2022 do Báo Điện tử Chính phủ bình chọn.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Giao thông vận tải vùng Đồng bằng sông Hồng: Mục tiêu 2030, tầm nhìn 2045
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO