Hướng mới cho vận tải container đường sắt?

Cao Phong|01/01/1970 08:00

(VLR) Ở VN hiện nay, theo một số doanh nghiệp, vận chuyển container bằng đường sắt có ưu điểm là vận chuyển được khối lượng lớn, an toàn, giá thành hạ hơn so với đường bộ. Tuy nhiên, tỷ lệ đảm nhận vận chuyển của đường sắt còn rất nhỏ so với đường bộ, tốc độ tăng trưởng cũng rất thấp cả về vận tải hàng hóa và hành khách. Tính chung, ngành vận chuyển đường sắt chỉ vận chuyển được 20% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu và 30% kim ngạch hàng hóa nhập khẩu. Khối lượng vận chuyển container hiện mới chiếm khoảng 9% khối lượng vận chuyển hàng hóa, nhưng tập trung chủ yếu trên tuyến Bắc - Nam và tuyến Hải Phòng - Lào Cai.

ĐƯỜNG SẮT YẾU THẾ

Theo Sở Giao thông vận tải Hải Phòng, cảng Hải Phòng là nơi có lượng hàng thông qua lớn, có đường sắt vào tận nơi, nhưng gần 79% vẫn phải vận chuyển bằng đường bộ, đường thủy chỉ "gánh" gần 20%, còn đường sắt chỉ đảm đương được khoảng 3%. Dù hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã đăng ký vận chuyển container bằng đường sắt thay vì vận chuyển bằng đường bộ đang bị quá tải, nhưng vận chuyển container bằng đường sắt chủ yếu trên tuyến Hải Phòng - Lào Cai (giá cước trọn gói tuyến này chỉ bằng 60% giá cước vận chuyển đường bộ), và đang vươn tới tuyến Kép - Cái Lân. Vì hầu hết đường sắt chưa tới được cảng, giá cước đường sắt cao hơn đường bộ, có đoạn gấp 2 lần, do phải cộng cả chi phí bốc xếp và xe chở ở hai đầu. Giá cước đường sắt cao hơn đường bộ chủ yếu do phát sinh về số lần bốc dỡ, thuê cẩu hàng.

Trong khi đó, tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa có đường sắt nối vào các cảng biển; hiện chỉ có một tuyến đường sắt quốc gia Bắc - Nam đi qua các tỉnh Đồng Nai - Bình Dương và kết thúc tại ga Sài Gòn. Còn lại, chỉ là theo quy hoạch đến năm 2020, nhưng tính khả thi vẫn là một câu hỏi lớn cho ngành đường sắt, như xây dựng đoạn đường sắt cao tốc thuộc tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam, đường sắt Vũng Áng – Cha Lo (Mụ Giạ) và đường sắt nối các tỉnh Tây Nguyên; xây dựng tuyến đường sắt phục vụ khai thác và sản xuất alumin - nhôm tại các tỉnh Tây Nguyên và nối Tây Nguyên với cảng biển;… Cũng theo Chiến lược 35: Xây dựng đường sắt cao tốc TP.HCM - Nha Trang, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu theo thiết kế dài trên 120km sẽ đi dọc quốc lộ 51, có 17 ga, tốc độ trung bình 200 km/giờ. Sẽ có 2 nhánh đường sắt nối từ tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu vào khu bến Thị Vải và khu bến Cái Mép. Hiện nay dự án đang ở bước lập dự án đầu tư. Xây dựng đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh để nối với đường sắt xuyên Á; xây dựng đường sắt TP.HCM - Mỹ Tho - Cần Thơ, nhưng tất cả vẫn nằm trong dự án và đang được đề xuất và nghiên cứu.

Rõ ràng là vận chuyển đường sắt đang tỏ ra manh mún và tụt hậu chỉ đáp ứng một phần nhỏ năng lực vận chuyển container nhưng chủ yếu là ở một số khu vực miền Bắc. Việc bao giờ vận chuyển contaier đường sắt thay thế cho đường bộ là cả một câu chuyện dài và cần có chiến lược và định hướng cụ thể từ Chính phủ, và cá bộ, ngành liên quan.

HƯỚNG MỚI CHO VẬN TẢI CONTAINER ĐƯỜNG SẮT?

Hiện nay, hầu như hoạt động vận chuyển, lưu thông chỉ dồn vào tuyến quốc lộ. Để giảm tải cho đường bộ, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, đề án "Vận tải container bằng đường sắt nhằm giảm tải cho hệ thống giao thông đường bộ" đã ra đời và đặt thời hạn trước năm 2014, toàn bộ container 40 feet trên tuyến quốc lộ 5 và 70 sẽ phải đi bằng đường sắt cùng với việc ban hành nhiều cơ chế kiểm soát xe trọng tải lớn đi trên đường bộ. Đề án thực hiện theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2012-2013: Xây dựng phương án tổ chức vận chuyển container quá tải và container 40 feet. Giai đoạn 2 từ năm 2014- 2015: Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực vận chuyển container, tổ chức vận chuyển container bằng đường sắt có hiệu quả.

Từ năm 2014, khi tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai cải tạo xong, năng lực của tuyến được cải thiện đáng kể, khi đó năng lực thông qua sẽ là 24 đôi tàu/ngày đêm. Tuyến Yên Viên - Hạ Long - Cái Lân sau khi cải tạo nâng cấp sẽ có năng lực thông qua 19 đôi tàu/ngày đêm. Theo tính toán của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nếu ngành đường sắt vận chuyển được khoảng 10% lượng container tại Hải Phòng (khoảng 330 TEU/ngày đêm) thì sẽ giảm khoảng 200 lượt ô tô chạy trên quốc lộ 5 một ngày.

Đề án đã tạo một luồng gió mới cho ngành vận tải hàng hóa VN cũng như việc kỳ vọng vào việc giảm giá cước vận tải cho các doanh nghiệp. Nhưng qua một thời gian thực hiện, vẫn chưa có hiệu quả. Cuối cùng thì giá cước đường sắt vẫn cao hơn đường bộ, và vận chuyển đường bộ vẫn trong tình trạng quá tải. Nếu như nếu không có đất xây cảng cạn, vốn ưu đãi đóng mới toa xe chở container, đầu tư phương tiện bốc xếp, nâng cấp cầu đường,… hay tạo điều kiện cho đường sắt vay vốn vay ưu đãi để đóng mới toa xe vận chuyển container... thì tính khả thi của Đề án sẽ gần như bằng không.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Hướng mới cho vận tải container đường sắt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO