Một góc cảng Tiên Sa - Đà Nẵng (Ảnh minh họa)
Quá tải
Cảng Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi) theo Quy hoạch điều chỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 có 14 bến cảng chính được đưa vào quy hoạch để đầu tư xây dựng, nhằm trở thành cảng biển có quy mô và hiện đại, đáp ứng cả sà lan loại lớn và tàu container. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, Dung Quất hiện chỉ có 8 bến cảng đi vào hoạt động, gồm 3 bến cảng tổng hợp (Hào Hưng, Công ty cổ phần Dịch vụ dầu khí Quảng Ngãi và Gemadept), cùng 5 bến cảng chuyên dùng (một cảng của Doosan, 2 cảng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, bến cảng của Nhà máy đóng tàu và cảng Hòa Phát Dung Quất) hoạt động.
Trong đó, chỉ có cảng Hòa Phát Dung Quất tiếp nhận được tàu có công suất 150.000 - 200.000 tấn; còn lại chỉ có khả năng tiếp nhận tàu công suất 50.000 - 70.000 tấn. Quảng Ngãi hiện có hơn 20 doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu hàng hóa bằng container, với khoảng 6.500 container/năm. Tuy nhiên, hiện tại, Dung Quất chưa có bến cảng container, các hãng tàu chưa thể mở tuyến trung chuyển container nội địa, trung chuyển container quốc tế tại đây. Trong khi đó, các cảng tổng hợp hiện hữu chủ yếu làm hàng dăm gỗ xuất khẩu (chiếm 90 - 95% lượng hàng qua cảng). Do vậy, các mặt hàng xuất container ở Quảng Ngãi phải vận chuyển ra Đà Nẵng hoặc một số cảng biển lân cận của miền Trung.
Tại cảng Quy Nhơn, nếu năm 2010, hàng qua cảng Quy Nhơn chỉ đạt 4,5 triệu tấn. Đến năm 2019, sau khi được Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tiếp nhận lại, sản lượng hàng hóa qua cảng đã tăng vọt lên 9,1 triệu tấn và tiếp tục đạt hơn 12 triệu tấn vào năm 2020. Đến nay, hiệu suất khai thác lên tới 2.500 tấn/mét cầu cảng, gấp 5 lần công suất thiết kế. Vì vậy, việc nâng cấp, mở rộng cảng Quy Nhơn là vô cùng cần thiết.
Trong văn bản gửi Bộ GTVT mới đây, cử tri tỉnh Phú Yên đã kiến nghị đầu tư cảng nước sâu Bãi Gốc và khu hậu cần cảng biển nhằm phát huy được các lợi thế, gắn trung tâm logistics với hệ thống cảng biển, cảng hàng không, đường thủy nội địa nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh liên kết vùng, tạo động lực thu hút những dự áncông nghiệp, dịch vụ lớn đầu tư vào Khu kinh tế Nam Phú Yên.
Trong khi đó, Khánh Hòa cũng đang lên kế hoạch nâng cấp cảng Ba Ngòi. Theo Sở Giao thông - Vận tải Khánh Hòa, Công ty cổ phần Cảng Cam Ranh đề xuất xây mới một cầu dẫn nối từ bờ ra cầu cảng số 2 để tiếp nhận tàu tải trọng đến 70.000 DWT.
Khẩn trương đầu tư nâng cấp, mở rộng
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ông Đặng Văn Minh cho biết, các bến cảng Dung Quất đều đang khai thác 100% năng lực thiết kế, nên về lâu dài sẽ không đáp ứng được nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp. Do đó, việc đầu tư các bến cảng là rất cần thiết. Tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo những đơn vị đã được cấp chủ trương đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thiện để đưa vào khai thác. Đối với những bến cảng chưa có nguồn đầu tư, cần thông tin rộng rãi để các doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký đầu tư.
Trong khi đó, với việc quá tải tại cảng Quy Nhơn, Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn (Bình Định) đã hoàn thành các bước chuẩn bị đầu tư Dự án Xây dựng nâng cấp bến số 1 cảng Quy Nhơn và có thể khởi công xây dựng vào tháng 8/2021.
Theo văn bản thỏa thuận với Cục Hàng hải Việt Nam, Dự án có quy mô 1 cầu cảng liền bờ dài 480 m, tiếp nhận tàu tổng hợp, container trọng tải đến 30.000 DWT, được đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp cảng.
Đối với cảng Ba Ngòi, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, đã thống nhất chủ trương nâng cấp theo đề xuất của Công ty cổ phần Cảng Cam Ranh, tỉnh đang xin ý kiến Bộ Quốc phòng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Tỉnh đã giao UBND TP. Cam Ranh rà soát lại quy hoạch cảng Cam Ranh để điều chỉnh, cập nhật vào quy hoạch chung của tỉnh theo đúng quy định của pháp luật.
Cảng Bãi Gốc của Phú Yên cũng đã có hướng mở khi mới đây, Bộ Giao thông - Vận tải bày tỏ quan điểm ủng hộ về chủ trương việc phát triển và đầu tư bến cảng này.