Một ngày trong thời đại IoT

Phan Văn Minh|14/05/2021 08:00

(VLR) Cốt lõi của cuộc cách mạng 4.0 bắt đầu từ công nghệ vạn vật kết nối (Internet of Things - IoT). Có thể hiểu đại khái rằng trong thời đại này, với hai chữ số “0” và “1” của hệ nhị phân, các vật thể trong thế giới thực sẽ dần dần được số hóa để kết nối với nhau và với người sử dụng.

Cốt lõi của cuộc cách mạng 4.0 bắt đầu từ công nghệ vạn vật kết nối (Internet of Things - IoT)

Cốt lõi của cuộc cách mạng 4.0 bắt đầu từ công nghệ vạn vật kết nối (Internet of Things - IoT)

Thời gian gần đây, chúng ta thường nghe nói nhiều tới cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hay còn gọi là cách mạng số. Có rất nhiều lĩnh vực đã được nghiên cứu và thử nghiệm bấy lâu, nay sẽ được ứng dụng rộng rãi trong mọi mặt của đời sống trên phạm vi toàn cầu như: trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, điện toán đám mây, công nghệ nano, công nghệ sinh học, ô tô tự lái, máy in 3D… Tuy nhiên, cốt lõi của cuộc cách mạng này bắt đầu từ công nghệ IoT (Internet of Things - Vạn vật kết nối). Có thể hiểu đại khái rằng trong thời đại này, với hai chữ số “0” và “1” của hệ nhị phân, các vật thể trong thế giới thực sẽ dần dần được số hóa để kết nối với nhau và với người sử dụng.

Trong một tương lai không quá viễn vong, không chỉ các công đoạn trong dây chuyền sản xuất ở các nhà máy sẽ được robot hóa hoàn toàn mà hầu hết các phương tiện cá nhân, các thực thể từng được biết đến trên toàn cầu cũng đều được mã hóa thành những “phiên bản số”. Thậm chí, cả mỗi con người cũng có thể được nhận dạng theo một cơ sở dữ liệu đã được tổng hợp từ những môi trường hoạt động khác nhau như gia đình, trường học, bệnh viện, nơi làm việc… Khi đó, qua các tín hiệu từ những “phương tiện số” mang theo bên mình như ô tô, laptop, smartphone, đồng hồ thông minh… cùng các hình ảnh, âm thanh có được từ bên ngoài như camera giao thông, hệ thống định vị toàn cầu GPS,… mỗi hành vi của chúng ta cũng có thể được người khác nhận biết nếu muốn, giống như những… chú cá heo hay một con tê giác đã được các nhà khoa học gắn chip điện tử vào cơ thể rồi theo dõi hoạt động của chúng dưới đáy đại dương hoặc trong rừng già nhiệt đới.

Hãy tưởng tượng thêm bước nữa! Sẽ đến lúc nào đó con người không còn đứng trong các nhà máy hoặc ngồi trong văn phòng suốt 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày như lâu nay. Tuy nhiên, chúng ta không phải đã hết chuyện làm mà sẽ làm việc theo cách khác. Khi ấy, hầu hết các thao tác trong đời sống chỉ là… liếc nhìn vào cái phương tiện cá nhân thông minh và ra một vài “lệnh” nào đó bằng giọng nói, thậm chí chỉ bằng ý nghĩ.

Sáng dậy muốn điểm tâm bằng một tô mì Quảng ư? Thêm một tách cà phê nữa chứ? Hãy nghĩ đến điều đó và chọn các dòng lệnh trên chiếc smartwatch Toshiba thế hệ mới nhất. Mười lăm phút sau sẽ nghe tiếng “sè sè” của một thiết bị bay tự động (drone) vừa đỗ trước ban công. Một chú robot chuyên dụng từ đó bước ra, khệ nệ bê chiếc khay có tô mì, tách cà phê bốc khói cùng các thứ gia vị vào đặt lên bàn ăn trong nhà bếp của bạn. Đây không phải là chuyện “chém gió” đâu nhé! Hãng UPS của Mỹ vừa mới thử nghiệm thành công một thiết bị như thế cất cánh từ nóc một chiếc xe chở bưu kiện. Điểm đặc biệt là chiếc drone này là tự động đi giao hàng rồi quay trở lại khi chiếc xe đã tiếp tục hành trình tới một địa điểm mới. Các hãng bán lẻ nổi tiếng khác như: Amazon, Wal-Mart, 7-Eleven… cũng đang đua nhau thực hiện các dịch vụ giao hàng tận nơi bằng các thiết bị tương tự. Còn chiếc Robot Panther của Công ty Advanced Tactics có thể bay hoặc chạy như ô tô tùy theo điều kiện địa hình…

Trong tương lai, không chỉ các nhà máy được robot hóa mà các phương tiện cá nhân cũng được mã hóa

Trong tương lai, không chỉ các nhà máy được robot hóa mà các phương tiện cá nhân cũng được mã hóa

Trở lại cái buổi sáng giả định của bạn. Trong khi ăn mì, bạn ra lệnh cho chiếc smart tivi Samsung bật chương trình thời sự. Xem bản tin thời sự, bạn đặc biệt quan tâm đến đoạn clip một thị trấn nhỏ bên bờ sông vừa bị sạt lở cuốn trôi sau trận lũ. Bạn nảy ra ý định viết một phóng sự điều tra về nguyên nhân sâu xa của tai nạn này để cảnh báo cho công chúng. Lại nhìn vào đồng hồ và “thả ra” một vài ý nghĩ… Chiếc “xe bay” tự động hiệu PAL-V phiên bản 9.5 của Hà Lan từ trong ga-ra phát tín hiệu bíp bíp rồi lăn bánh đến chờ sẵn trước thềm nhà. Bạn chỉ việc ngồi vào đó sau khi ra lệnh tắt tivi, máy điều hòa và khóa cửa. Chiếc “xe bay” từ từ chạy ra ngõ. Rẽ lên đường cao tốc theo lộ trình đã được lập trước, nó vẫn tiếp tục là một chiếc ô tô nhưng lúc này sẽ tự lao đi với vận tốc của xe đua công thức 1. Trên đường, nếu gặp phải những chướng ngại nho nhỏ như có một chú nai con đang nhởn nhơ đi qua hoặc một gã say xỉn nào đó đang lạng lách ngược chiều, chiếc xe sẽ tự biết phải làm gì nhờ các bộ phận cảm ứng. Đột nhiên nó dừng lại, mở bung hai cánh quạt ra và bốc thẳng lên cao như một chiếc trực thăng. Rồi nó lại xòe cặp cánh khí động học, xếp cánh quạt lại và bay vút về phương Nam với tốc độ của một chiếc Blackbird khi đã “cảm thấy” các tấm pin mặt trời trên lưng đã sạc đủ năng lượng cho phi vụ. Và cuộc hành trình dài hơn 1.000km từ thềm nhà của bạn cho đến bờ sông - nơi bị sạt lở, chiếc PAL-V chỉ mất khoảng 30 phút cả vừa chạy vừa bay. Trong thời gian đó bạn tha hồ ngắm những chiếc xe bay khác cũng đang lao vun vút dọc ngang khắp bầu trời như chim én mùa xuân.

Giả định, thị trấn nhỏ bên bờ sông đã biến mất hoàn toàn. Bạn lang thang dọc theo đoạn bờ sông nham nhở và thực hiện cuộc kết nối với hệ thống “cơ sở dữ liệu lớn” (Big data) để tìm hiểu sự việc. Không có kết nối nào… Ngoài cửa sông mênh mông vẫn sừng sững các con tàu lớn đang thản nhiên hút cát. Bạn nghi họ là “cát tặc” và truy cập vào “phiên bản số” của những con tàu này. Đột nhiên, chiếc đồng hồ thông minh của bạn reo lên. Bạn “hất hàm” và một giọng nói bí ẩn phát ra: “Mày vào đây làm gì? Lại muốn can thiệp vào công việc làm ăn của bọn tao nữa hả?”. Bạn giật mình, vội tắt nguồn đồng hồ. Nó đang trở thành một “tay chỉ điểm” cho sự hiện diện của bạn. Bạn gọi chiếc PAL-V rồi hối hả bước vào khoang lái.

Bạn lại tiếp tục ngắt mạch tất cả các camera và hệ thống truyền báo dữ liệu của nó trong buồng máy. Và bạn trở về bằng cách lái xe bình thường với nhiều nỗi lo âu…


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Một ngày trong thời đại IoT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO