Định hướng đến năm 2025, cả nước sẽ có 1.700 CCN - Ảnh TTXVN
Hết năm 2020, cả nước có 968 CCN với tổng diện tích 30.912 ha, trong đó 450 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu từ xây dựng hạ tầng, các cụm còn lại do trung tâm phát triển CCN, Ban Quản ly CCN cấp huyện, Ban Quản ly dự án đầu tư xây dựng cấp huyện, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Công Thương và các đơn vị khác làm chủ đầu tư.
Về đầu tư xây dựng hạ tầng, đến nay, cả nước đã có 955 CCN, tổng diện tích 29.782 ha đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, trong đó 644 CCN với tổng diện tích 20.222 ha đã được phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, tổng mức đầu tư trên 115.200 tỷ đồng.
Sau khi được phê duyệt, các dự án đầu tư, các CCN này đã, đang được tiến hành đầu tư hạ tầng. Đến nay, tổng vốn đầu tư hạ tầng khoảng 35.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 35% so với tổng mức đầu tư theo kế hoạch).
Về hoạt động sản xuất kinh doanh, cả nước có 730 CCN, tổng diện tích 22.336ha đã có dự án hoạt động, chiếm 74,5% so với các CCN đã thành lập; thu hút 13.468 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, tổng vốn đăng ký 316.428 tỷ đồng; tạo việc làm cho trên 580.500 lao động.
Theo quy hoạch phát triển CCN đến năm 2025, định hướng cả nước có 1.704 CCN, với tổng diện tích 58.123ha. Phân bố CCN ở các vùng như sau: Trung du miền núi Bắc Bộ 250 cụm, 8.274,6ha; Đồng bằng sông Hồng 515 cụm, 16.120,6ha; Duyên hải miền Trung 457 cụm, 12.663,8ha; Tây Nguyên 77 cụm, 3.200,3ha; Đông Nam Bộ 146 cụm, 6.478ha; Tây Nam Bộ 259 cụm, 11.385,7ha.
Tại hội nghị, đại biểu một số tỉnh, thành phố đã trình bày ý kiến, kiến nghị xoay quanh các nội dung như: chính sách hỗ trợ đầu tư về hạ tầng nhất là hạ tầng về xử lý chất thải tại các CCN; mô hình quản lý CCN; xem xét thẩm quyền chuyển đổi đất lúa và đất rừng khi thành lập các CCN; đơn giản hóa thủ tục trong quyết định thành lập và hoạt động các CCN; quy định rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của ngành công thương địa phương trong phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn…
Bộ Trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định: Các địa phương đã thực hiện nghiêm công tác quản lý đầu tư phát triển CCN theo trình tự, quy định của pháp luật. Nhiều địa phương đã rà soát, xây dựng, ban hành Quy chế quản lý CCN. Việc phát triển CCN đã góp phần thu hút đầu tư phát triển công nghiệp ở các địa phương…Tuy nhiên việc chấp hành một số nội dung, quy định ở một số địa phương chưa nghiêm túc, đầy đủ như: phê duyệt bổ sung quy hoạch, thành lập CCN không đúng thủ tục, thẩm quyền quy định. Tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng tại các CCN nhìn chung còn chậm. Các cơ quan Trung ương và nhiều địa phương chưa xây dựng được cơ chế, chính sách đủ mạnh để hoàn thiện đầu tư hạ tầng các CCN, thu hút các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN và các doanh nghiệp thứ cấp vào CCN.
Để quản lý, phát triển cụm công nghiệp, thời gian tới Bộ Công Thương tăng cường chỉ đạo UBND cấp tỉnh quản lý chặt chẽ , đúng quy định đối với phát triển CCN từ khâu lập phương án phát triển CCN tích hợp vào quy hoạch tỉnh; định kỳ kiểm tra, đánh giá việc chấp hành các quy định, chính sách quản lý, phát triển CCN tại các địa phương… Các địa phương khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Phương án phát triển CCN giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn; xử lý, tích hợp vào Quy hoạch tỉnh, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; thường xuyên rà soát tiến độ đầu tư, hiệu quả hoạt động của các CCN; tiếp tục chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Quy chế quản lý CCN và cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển CCN theo hướng khuyến khích doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng CCN để giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước…