Hầm đường bộ Đèo Cả, doanh thu năm 2018 đạt hơn 450 tỷ đồng, giảm 95% so với phương án tài chính
26/57 dự án có doanh thu giảm
Theo Tổng cục Đường bộViệt Nam, trong số 57 dự án BOT đang khai thác do Bộ GTVT quản lý, có 27 dự án doanh thu năm 2018 tăng so với phương án tài chính dự kiến trong hợp đồng. Tuy nhiên, có 26 dự án doanh thu năm giảm, 4 dự án còn lại do mới vận hành, khai thác nên chưa đánh giá.
Các dự án doanh thu giảm có nguyên nhân chính là do lưu lượng thực tế thấp hơn so với dự kiến, phải phân chia lưu lượng phương tiện sang tuyến đường song hành, hoặc giảm giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ và miễn hoặc giảm giá cho các phương tiên giao thông khu vực lân cận trạm thu phí.
Trong số những dự án giảm doanh thu lớn có dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang, doanh thu năm 2018 đạt trên 460 tỷ đồng, giảm 87%; dự án hầm đường bộ Phú Gia - Phước Tượng đạt doanh thu trên 260 tỷ đồng, giảm trên 90%; dự án hầm Đèo Cả doanh thu hơn 450 tỷ đồng, giảm 95%.
Bộ GTVT cũng cho biết, theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, hiện có 32% dự án BOT đang khai thác có doanh thu thu phí không đạt dự kiến, tổng dư nợ cho vay vào khoảng 43.000 tỷ đồng. “Tình trạng này có thể sẽ dẫn đến rủi ro phải cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ, phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng”, báo cáo nêu.
Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã chủ động ứng phó như thế nào?
Nói về vấn đề này, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả cho rằng, đây không phải việc mới, mà là tình trạng đã xảy từ rất lâu, làm ảnh hưởng đến phương án tài chính của chủ đầu tư. Phương án tài chính đúng ra đã bị vỡ từ lâu nếu các chủ đầu tư không chủ động có các giải pháp xử lý, ứng phó kịp thời. Thực tế, các phương án chủ động ứng phó của Công ty Đèo Cả đã chứng tỏ có hiệu quả, dù phương án tài chính gặp khó (dự án hầm Đèo Cả doanh thu hơn 450 tỷ đồng, giảm 95%) nhưng doanh nghiệp vẫn trụ vững, vận hành các công trình hầm đường bộ thông suốt, không để gián đoạn, bảo đảm an toàn giao thông cho người dân, doanh nghiệp. Việc nêu dự báo “các nhà đầu tư có nguy cơ bị vỡ phương án tài chính” là cảnh báo, còn nếu “vỡ” thật, thì chính các ngân hàng sẽ lên tiếng ngay, vì điều đó đồng nghĩa với nợ xấu xuất hiện.
Tới nay, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả vẫn thực hiện các giải pháp để đảm bảo việc trả nợ cho phía ngân hàng. Nhưng thời gian tới, nếu các bên tiếp tục tạo ra nhiều sức ép dẫn đến việc tài chính dự án gặp khó khăn thì các nhà đầu tư và cả xã hội phải đối diện với những cảnh báo xấu nêu trên.
Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp để tiết giảm chi phí đầu tư như: điều chỉnh vị trí cửa hầm làm giảm chiều dài tuyến hầm và tận dụng các tuyến đường kiểm lâm hiện hữu để làm đường công vụ phục vụ thi công, làm giảm tổng mức đầu tư hạng mục hầm Đèo Cả từ 15.600 tỷ đồng còn 11.378 tỷ đồng; tối ưu giảm quy mô các trạm thu phí hầm Cù Mông, Hải Vân; rà soát điều chỉnh thời gian đầu tư tạm thời chưa đầu tư các hạng mục không phải là nhu cầu thiết yếu như trung tâm điều hành Miền Trung mặc dù đã được phê duyệt thực hiện;… Các phương án tiết giảm được thực hiện trên cơ sơ nghiên cứu, đề xuất của nhà đầu tư và ý kiến chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Bộ GTVT). Đồng thời, qua các đợt kiểm tra, Kiểm toán Nhà nước đã khẳng định việc tiết giảm chi phí đầu tư là cần thiết và mang lại hiệu cho dự án.
Trong bối cảnh doanh thu sụt giảm, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã tiếp tục bù đắp một phần vốn chủ sở hữu để duy trì hoạt động cơ bản của dự án (như vận hành hầm Hải Vân, Đèo Cả, không để dừng vận hành hầm làm mất an toàn cho người dân); Điều chỉnh giá vé phù hợp để tạo ra doanh thu khi cho người dân đi qua hầm Cù Mông không thu phí gần 2 tháng đểcó bài toán so sánh kích cầu, qua đó đưa ra giá vé điều chỉnh phù hợp; Đồng thời với đó là việc soát xét lại các thông số đầu vào để điều chỉnh phương án tài chính, yêu cầu ngân hàng cùng tham gia giải quyết.
Cần giải pháp căn cơ, bền vững
Thực tế các dự án vẫn còn khó khăn khi các hỗ trợ khác gần như không có hoặc vẫn đang chờ giải quyết nhưng các yêu cầu giảm giá vé, tăng lãi suất liên tục đến; các chính sách bất cập về trạm thu phí chưa xử lý, đặc biệt nguồn vốn được hỗ trợ bị từ nguồn vốn PPP thường chậm hoặc cơ chế xử lý không đảm bảo (ví dụ: như phần vốn trái phiếu Chính phủ tại dự án hầm đường bộ Đèo Cả trên 1.800 tỷ đã bị thu hồi khi dự án gặp nhiều khó khăn đến nay vẫn chưa được giải quyết) sẽ tiếp tục gây áp lực khó khăn cho các dự án – nhất là những dự án bị giảm doanh thu.
Phương án tài chính cho các dự án BOT hiện tại sẽ còn khó khăn hơn khi tới đây Nhà nước cho triển khai cao tốc Bắc - Nam, lúc này sẽ xuất hiện đường song hành, lượng xe cộ sẽ bị phân lưu. Có vỡ phương án tài chính hay không chính là lúc này và để ngăn ngừa hệ lụy xấu có thể xảy trong thời gian tới, cần có ngay các giải pháp chủ động, căn cơ, kịp thời. Nếu không, hệ lụy khó khăn cho phương án tài chính nếu xảy ra không chỉ nhà đầu tư mà cả ngân hàng và cả xã hội cùng gánh chịu.