Thành phố thông minh
Các khái niệm về thành phố thông minh đã được nhắc đến khá nhiều trên các phương tiện truyền thông. Người ta thường gắn khái niệm “thông minh” theo hướng các thành phố phải thay đổi để thích ứng các loại công nghệ mới, do sự chín muồi của ứng dụng công nghệ, từ ăn ở, đi lại, giao tiếp, mua sắm cho đến học hỏi. Thực ra, điều đó đúng nhưng chưa đủ. Nói chung, thành phố thông minh là nơi giải quyết các vấn đề đô thị một cách thông minh hơn, chứ không nhất thiết là do họ dùng công nghệ gì. Chẳng hạn, Amsterdam (Hà Lan) được cho là một trong những thành phố thông minh nhất ở châu Âu do tổ chức thành công việc đi lại bằng xe đạp của dân chúng, vừa giải quyết tắc nghẽn và giảm phát thải carbon, vừa tiết kiệm năng lượng, làm cho thành phố an toàn và thân thiện hơn.
Có nhiều lĩnh vực trong một thành phố thông minh, chia ra nền kinh tế thông minh, đi lại thông minh, cư dân thông minh, môi trường thông minh, quản lý đô thị thông minh và cuộc sống thông minh. Trong đó, điều kiện tiên quyết là phải quản lý được đô thị thông minh, nếu không thì không thể phát triển các lĩnh vực khác. Phương thức quản lý hiệu quả sẽ giúp phối hợp hành động, phát huy tốt hơn nguồn vốn con người, nguồn vốn xã hội cùng với sức mạnh công nghệ để tạo dựng cuộc sống tốt đẹp và bền vững hơn.
Để được gọi là thành phố thông minh, chính quyền phải bảo đảm sự kết nối chặt chẽ, tạo thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Nói chung, quản lý đô thị thông minh bao gồm từ công tác quy hoạch và thiết kế đô thị, tạo sự kết nối và giải quyết vấn đề phát triển đô thị theo không gian ảnh hưởng, cho đến tổ chức quản lý phát triển đô thị trên nền tảng tích hợp, đồng thời sử dụng các công cụ để làm rõ những tác động đa chiều. Ông Ousmane Dione - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã khuyến nghị chúng ta có thể tìm giải pháp từ mô hình TIP (Technology, Institution, People), gồm “Công nghệ - Thể chế - Con người”.
Mô hình TIP
Về nền tảng và sử dụng các công cụ tích hợp, các nhà quản lý đô thị cần ứng dụng và quản lý tốt công nghệ phục vụ nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội như quản lý thông tin đất đai, quản lý thông tin quy hoạch, quản lý nhân lực, quản lý điều hành hệ thống công ích, quản lý hộ khẩu, y tế, văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao... Ở TP. HCM, 5 nhóm giải pháp có tính đột phá đã được xác định trong đề án xây dựng thành phố này trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025, bao gồm xây dựng một kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở, một trung tâm điều hành đô thị thông minh, một trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội, thành lập trung tâm an toàn thông tin và xây dựng chính quyền điện tử.
Tuy nhiên, có thể thấy rằng, những trung tâm nói trên chỉ phát huy tốt chức năng trong quản lý phát triển một đô thị đã ổn định về các mặt phục vụ dân sinh và khâu hoạt động trước đó là quy hoạch đô thị được triển khai đúng hướng và hiệu quả. Trong thực tế, việc ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý quy hoạch đã được các nước phát triển thực hiện từ lâu. Từ những năm 1990, các đô thị lớn như London, Paris, Chicago, Tokyo, Singapore, Seoul... đã triển khai đồng bộ công nghệ số trong công tác quy hoạch và vẫn phát triển hiệu quả cho đến ngày nay.
Ở Việt Nam những năm qua, các thành phố lớn thường có tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng tồn tại nhiều vấn đề về quy hoạch tràn lan, mật độ xây dựng cao, chiều cao nhà cao tầng trong nội đô và hệ số sử dụng đất vượt quá quy chuẩn cho phép, thiếu không gian công cộng, cây xanh và không gian mở... Tình trạng đó dẫn đến những vấn đề nổi cộm về phát triển đô thị tại các thành phố lớn như tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm, ngập lụt, thiếu nhà ở và thiếu hạ tầng kết nối, trường học và bệnh viện quá tải. Các nhà quản lý đô thị chưa giải quyết tốt các vấn nạn đó thì khó mà nói đến đô thị thông minh.
Thực ra, các công cụ tích hợp chỉ được lựa chọn đầu tư và ứng dụng hiệu quả trong một môi trường thể chế thích ứng, trên nền tảng cơ chế thu thập, nuôi dưỡng và sử dụng dữ liệu phù hợp. Vấn đề đặt ra là phải xây dựng và quản lý được khung pháp lý vừa linh hoạt để tiếp nhận những công nghệ, mô hình kinh doanh mới, vừa chắc chắn để bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan. Việc xây dựng chính quyền tự chủ, được trao quyền và trách nhiệm, phát huy được sức sáng tạo của địa phương, cũng là yếu tố quan trọng. Ngoài ra, cần xây dựng các cơ chế điều phối liên cấp, liên vùng, giữa đô thị và nông thôn để giải quyết vấn đề theo phạm vi ảnh hưởng.
Cuối cùng là nhân tố con người. Một thách thức lớn của các cơ quan quản lý đô thị là tuyển dụng những người có năng lực, chính trực và trang bị cho họ những kỹ năng cần thiết ngoài nghiệp vụ chuyên môn như kỹ năng nghiên cứu, đổi mới và sáng tạo không ngừng. Hiệu quả cuối cùng của công tác quản lý đô thị thông minh phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ quản lý có chuyên môn, tầm nhìn, chịu khó lắng nghe và học hỏi.