Thị trường hồi phục, nhiều ngành hàng xuất khẩu hàng chục tỷ USD “xuôi gió”

Báo Hải quan|05/08/2021 08:31

(VLR) Từ nay đến cuối năm, đơn hàng của nhiều ngành hàng xuất khẩu (XK) quan trọng như dệt may, gỗ, thuỷ sản… khá khả quan. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp (DN) lại đang thấp thỏm âu lo tình trạng đứt gãy sản xuất, cung không đáp ứng nổi cầu vì diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại hàng loạt địa phương trên cả nước.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nửa đầu năm đạt 8,2 tỷ USD

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nửa đầu năm đạt 8,2 tỷ USD

Thị trường rộng mở

Thông tin từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho thấy, nửa đầu năm, trị giá XK thuỷ sản thu về 4,05 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2020. Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đánh giá, trong thời gian tới tình hình tiêu thụ các sản phẩm thuỷ sản của Việt Nam sẽ khả quan trong bối cảnh các nước NK kiểm soát được dịch bệnh và sự cộng hưởng của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực theo thời gian.

Ở góc độ mặt hàng cụ thể, hiện, nhu cầu NK tôm của thế giới tăng trở lại, đặc biệt ở những thị trường lớn. Trong khi nguồn cung tôm từ một số quốc gia như Ấn Độ và một số nhà cung cấp khác sẽ giảm do chịu tác động xấu từ dịch COVID-19. Dự báo, XK tôm của Việt Nam trong những tháng tiếp theo vẫn đạt kết quả tăng trưởng tốt do có nhiều lợi thế từ FTA. Trong khi đó, dự báo XK cá tra của Việt Nam quý III/2021 sẽ tăng trưởng tốt do nhu cầu thế giới tăng và nguồn cung cá tra của Việt Nam ổn định.

Tương tự với thuỷ sản, XK gỗ và sản phẩm gỗ nửa đầu năm nay cũng ghi nhận nhiều kết quả tích cực khi tăng trưởng hơn 62% so với cùng kỳ năm trước, đạt 8,2 tỷ USD. Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, ngành gỗ tiếp tục là ngành hàng đạt tốc độ tăng trưởng vượt bậc từ đầu năm đến nay khi trị giá XK gỗ và sản phẩm gỗ tới các thị trường đều đạt ở mức cao, điển hình là tại thị trường Mỹ. “Từ nay đến cuối năm, DN ngành gỗ khá bận rộn do đơn hàng XK đã được ký kết. Các FTA có hiệu lực cũng góp phần thúc đẩy ngành gỗ tăng trưởng tốt”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu nói.

Với ngành hàng mỗi năm thu về hàng chục tỷ USD khác là dệt may, nhìn vào con số XK 19 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2020, vượt qua cả con số của cùng kỳ năm 2019, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhấn mạnh, tổng cầu trên thị trường thế giới đã phục hồi tích cực. Cầu tăng làm cho lưu lượng giao dịch hàng hoá dệt may tăng cao, đem lại nguồn đơn hàng dài, số lượng lớn cho phần lớn DN sau 1 năm thiếu hụt nặng nề.

Nhận định thị trường XK dệt may tiếp tục “thuận buồm xuôi gió” với các đơn hàng khá dồi dào từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương đưa ra con số dự báo XK cả năm đạt khoảng 39 tỷ USD, tương đương tăng khoảng 10% so với năm 2020.

Thấp thỏm vì COVID-19

Có thể thấy, nhiều thị trường XK trọng điểm phục hồi cộng với việc thực thi các FTA đã và đang mở ra không ít cơ hội tăng tốc cho hàng Việt từ nay đến cuối năm cũng như các năm tiếp theo. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 từ cuối tháng 4/2021 đến nay lại đang khiến không ít DN XK phải “đau đầu”.

Với ngành gỗ, Cục Xuất nhập khẩu nhận định, đà tăng trưởng XK sẽ bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và lan rộng ngay cả thị trường trong nước và tại các thị trường XK chính. Điều này khiến các DN ngành gỗ đối mặt với tình trạng ngưng trệ sản xuất, ảnh hưởng tới tiến độ giao hàng.

Câu chuyện của ngành thuỷ sản cũng không mấy khả quan, trường hợp tỉnh Kiên Giang là một ví dụ điển hình. Theo ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, trên địa bàn tỉnh có 30 DN chế biến, XK thủy sản với công suất 100.000 tấn thủy sản/năm, giải quyết 55% lượng thủy sản của tỉnh. Khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội, chỉ có 12/30 DN thuỷ sản của tỉnh đáp ứng yêu cầu sản xuất "3 tại chỗ"; 18 DN buộc phải tạm dừng hoạt động. 12 DN còn hoạt động cũng phải cắt giảm 50% công nhân.

Từ góc độ DN cụ thể, ông Đỗ Lập Nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt (An Giang) chia sẻ, Công ty hiện đang áp dụng sản xuất "3 tại chỗ" nhưng cũng gặp nhiều khó khăn do chi phi tăng, tâm lý công nhân hoang mang. “Kiến nghị sớm cho các công nhân trong các nhà máy chế biến tiếp cận vắc xin để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng”, ông Nghiệp nói.

Với ngành dệt may, Tổng Công ty Cổ phần May 10 là cái tên khá quen thuộc. Những ngày gần đây, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần May 10 cũng “đứng ngồi không yên”. “Tình trạng thiếu hụt container cho cả hai chiều NK và XK cũng như các DN vận tải đang đòi tăng giá cước lên 20%, trong khi May 10 vẫn phải chi trả những chi phí khác như xét nghiệm cho lái xe… là khó khăn không nhỏ. Nhiều khó khăn gây ảnh hưởng đến XK. Nếu DN giao hàng chậm sẽ bị phạt tiến độ. Đó là chưa kể đến những chuyến hàng DN không kịp giao bằng đường thủy, phải đi bằng máy bay, với chi phí cao gấp nhiều lần…”, ông Thân Đức Việt nhấn mạnh.

Ở thời điểm hiện tại, khó khăn về lưu thông hàng hoá đã dần “hạ nhiệt” khi ngày 29/7/2021 vừa qua, Văn phòng Chính phủ có công văn số 5187/VPCP-CN về tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hoá trong tình hình dịch Covid-19 thì điều mà hầu hết ngành hàng XK lớn quan tâm hơn cả là câu chuyện vắc xin. Mới đây, bốn hiệp hội gồm: Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da-giày-Túi xách Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam và Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM đã cùng nhau gửi công văn tới Thủ Tướng Chính phủ kiến nghị đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin hoặc hỗ trợ DN mua vắc xin để tiêm cho người lao động của các ngành hàng XK.

Về ưu tiên tiêm vắc xin, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, Bộ Y tế cần xem xét sửa đổi các quy định, hướng dẫn về các đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin phòng chống Covid-19. Trong đó, sửa đổi mức ưu tiên đối với đối tượng là người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các DN (bao gồm cả DN trong khu công nghiệp, khu chế xuất…) trở thành đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin của Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2021 – 2022 nhằm bảo đảm an toàn cho người lao động và để DN có thể sớm quay trở lại ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Thị trường hồi phục, nhiều ngành hàng xuất khẩu hàng chục tỷ USD “xuôi gió”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO