Hàng hóa tại cảng Cát Lái - Ảnh: NHƯ BÌNH
Theo Sở Giao thông vận tải, tại TP. HCM cảng biển được phân loại thành 4 khu bến chính gồm: khu bến cảng Cát Lái (7 bến cảng); khu bến cảng trên sông Sài Gòn (12 bến cảng), khu bến cảng Hiệp Phước (12 bến cảng), khu bến cảng Nhà Bè (11 bến cảng).
Hệ thống đường bộ kết nối cảng biển của TP đóng vai trò quan trọng trong hoạt động vận chuyển hàng hóa.
Với tốc độ tăng trưởng hàng hóa bình quân 5%/năm, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển chủ yếu bằng đường bộ nên xe chở hàng ra vào cụm cảng rất lớn. Trung bình mỗi ngày có khoảng 26.000 lượt xe sử dụng tuyến đường của TP ra vào cảng biển.
Xe đông, hàng hóa tăng nhưng hệ thống đường bộ kết nối cảng phát triển chậm dẫn đến ùn tắc kéo dài. Đây là điểm nghẽn phát triển kinh tế mặc dù những năm qua TP đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng để làm đường trục, nhánh kết nối vào cảng như: đường Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Hữu Thọ, Mai Chí Thọ
Để có nguồn vốn hoàn thiện hạ tầng kết nối cảng biển, giảm bớt ùn tắc tai nạn trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp, Sở Giao thông vận tải TP đánh giá việc thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển phù hợp về mặt địa lý và cơ sở pháp lý.
Về nguyên tắc xây dựng mức phí, Sở Giao thông vận tải TP cho biết sẽ sử dụng phương pháp so sánh mức phí các địa phương có điều kiện tương tự TP như Hải Phòng, Quảng Ninh... để lựa chọn mức phí phù hợp.
Trong đó, ưu tiên xây dựng mức thu phí cho hàng xuất nhập khẩu do hiện nay tỉ trọng hàng tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh, hàng gửi kho ngoại quan trong tổng số hàng hóa thông qua cụm cảng biển chiếm tỉ lệ rất nhỏ.
Sau khi thu phí, dự kiến sẽ trích lại tối đa không quá 10% số thu để phục vụ công tác thu phí như Hải Phòng đang làm. Về tiến độ xây dựng đề án này, Sở Giao thông vận tải TP sẽ nghiên cứu và làm việc với các đơn vị liên quan để hoàn thiện trình đề án cho UBND TP vào tháng 8/2020.