Xuân 2020: Vững bước hội nhập

TS. Nguyễn Văn Khanh|24/01/2020 23:26

(VLR) Năm 2019 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020). Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của năm 2019 là cơ sở và động lực cho việc hoàn thành mục tiêu năm 2020.

Tín hiệu lạc quan

Kinh tế - xã hội năm 2019 diễn ra trong bối cảnh thị trường toàn cầu có những bất ổn, kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều rủi ro lớn với các nhân tố khó lường. Triển vọng kinh tế khu vực Eurozone chưa thật lạc quan. Thương mại toàn cầu sụt giảm do tổng cầu yếu. Kinh tế thế giới chưa lấy lại được đà tăng trưởng và phục hồi chậm. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và chính sách bảo hộ của các quốc gia cùng với việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa đã ảnh hưởng đến các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam. Sự bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu với việc giảm giá đồng Nhân dân tệ và tăng trưởng sụt giảm của kinh tế Trung Quốc đã tác động mạnh tới kinh tế thế giới.

Bên cạnh đó, FDI vào các cơ sở kinh doanh mới tại Việt Nam cũng tăng trưởng chậm lại 30% so với 2 năm trước, kể cả đã tính đến tăng trưởng trong đầu tư qua kênh mua bán và sáp nhập.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương sẽ giảm từ 6,3% năm 2018 xuống còn 5,8% năm 2019; 5,7% và 5,6% cho năm 2020 và 2021, do tăng trưởng xuất khẩu và các hoạt động chế tạo, chế biến giảm đồng loạt.

Tuy nhiên, trong khó khăn, cũng có những tín hiệu tốt, tạo nên niềm tin cho việc cải cách, đổi mới để thúc đẩy phát triển kinh tế. Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu bị chững lại do xung đột thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc kéo theo sự sụt giảm của thương mại toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh nhờ cầu nội địa tiếp tục gia tăng và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được duy trì. Triển vọng về tiêu dùng trong nước tiếp tục sáng sủa, được hỗ trợ bởi sự gia tăng thu nhập, mở rộng việc làm và lạm phát duy trì ở mức thấp.

Tăng trưởng GDP theo giá so sánh dự báo sẽ giảm đà từ 7,1% năm 2018 xuống mức 6,8% năm 2019, do tăng trưởng xuất khẩu chậm lại và tăng trưởng sản xuất nông nghiệp yếu hơn. Tốc độ tăng trưởng dự kiến tiếp tục đà giảm trong các năm 2020 và 2021 xuống tốc độ bền vững hơn là 6,5%, phù hợp hơn với mức sản lượng tiềm năng.

Tuy vậy, trong năm 2019, Việt Nam cũng đã có những bứt phá ngoạn mục trên lĩnh vực kinh tế. Cụ thể là lần đầu tiên kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mức 500 tỷ USD. Trước đó, 11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 472 tỷ USD. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất; tiếp đến là thị trường EU và Trung Quốc. Hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới từ việc tận dụng các FTA đã có hiệu lực và đang tiếp tục đàm phán, ký kết. Đặc biệt, cùng với việc không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động đã và đang là động lực rất lớn trong việc phát triển các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cũng như thu hút mở rộng đầu tư và xuất khẩu sản phẩm của các doanh nghiệp.

Năm 2019, nền kinh tế đạt được nhiều chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Chính phủ đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao. Kinh tế vĩ mô ổn định, vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Chính sách tiền tệ được điều hành hiệu quả, giữ ổn định thị trường ngoại tệ, tỷ giá; dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng mạnh. Hệ số tín nhiệm quốc gia được cải thiện.

Năm 2019 cũng đã huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2019 ước khoảng 33,8% GDP, phát huy vai trò động lực của khu vực kinh tế tư nhân với mức tỷ trọng đầu tư tăng lên 45,3% GDP. Đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục được cải thiện.

Vững bước hội nhập

Cuối năm 2019, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 85/2019/QH14 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 với nhiều chỉ tiêu tăng trưởng khá cao.

Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế; hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn.

Tuy nhiên, nếu Chính phủ khắc phục được một số điểm nghẽn, thì nhiều khả năng có thể đạt được kết quả cao hơn. Cụ thể là với việc phát huy vai trò của kinh tế tư nhân, nguồn lực từ các nguồn vốn đầu tư nước ngoài và những hạn chế trong giải ngân vốn đầu tư công thì khả năng tăng trưởng GDP 6,8% trong năm tới hoàn toàn khả thi.

Xuân 2020 với con số cặp tròn trịa, ấn tượng đến với dân tộc Việt. Khắp nơi, người dân nô nức vui tươi chào mừng mùa xuân mới! Chúng ta đã đi qua chặng đường của năm 2019 đầy gian nan, nhưng cũng quá đỗi tự hào về những kết quả đã đạt được.

Để giữ vững mục tiêu tăng trưởng 6,8% năm 2020 và nhiều chỉ tiêu quan trọng khác, cần có sự đột phá về cơ chế, chính sách, nhằm xóa bỏ rào cản phát triển doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời, thúc đẩy hoàn thiện cơ chế thị trường đầy đủ, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước, giúp kinh tế tư nhân nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.

Theo đánh giá của WB, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài với dòng vốn FDI cam kết bình quân đạt gần 3 tỷ USD mỗi tháng vào năm 2020.

Bên cạnh đó, tiêu dùng cá nhân của các hộ gia đình là yếu tố đóng góp ngày càng quan trọng cho tăng trưởng GDP, khi tầng lớp trung lưu ngày một lớn mạnh và mức lương tăng lên. Đầu tư của doanh nghiệp ở khu vực tư nhân tăng ở mức 17% so với năm 2019.

Tuy nhiên, chuyên gia của WB nhận định Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn miễn nhiễm với các cú sốc từ bên ngoài. Tăng trưởng xuất khẩu giảm từ 21% xuống 8% từ năm 2017 đến năm 2019, giảm rõ tại các thị trường xuất khẩu ngoài Mỹ. Trong khi, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng gần 30% thì các thị trường khác chỉ tăng trưởng 3,6%. Việt Nam đang tập trung quá mạnh và nhiều vào thị trường Mỹ, cho thấy sự chuyển hướng thương mại rõ ràng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đây có thể là một rủi ro cho triển vọng xuất khẩu của Việt Nam.

Việc ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU) gần đây và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hứa hẹn sẽ mở ra khả năng tiếp cận thị trường cho các hoạt động thương mại và đầu tư lớn hơn. Sửa đổi gần đây trong Luật Đầu tư công sẽ giúp cải thiện hoạt động đầu tư công bằng cách đẩy nhanh các quy trình, đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện để giải ngân vốn đầu tư công nhanh hơn.

Như vậy, có thể tin rằng, xuân 2020 là mùa xuân của hội nhập. Trong bối cảnh này, các nền kinh tế cần phải hội nhập sâu sắc hơn, tập trung vào các hiệp định như Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) - tập hợp các quốc gia ASEAN và sát vùng nước Ấn Độ - Thái Bình Dương và CPTPP, bao gồm cả các biện pháp thuế quan và phi thuế quan, nhằm giúp tăng cường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo dự báo, việc ký kết và thực hiện các FTA thế hệ mới trong thời điểm cuối chặng đường 2016 - 2020 là một trong những nhân tố tác động sâu, rộng tới kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới. Nhờ đó, hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng năm 2020, Việt Nam sẽ có thể vững vàng tăng trưởng GDP đạt 7%/năm giai đoạn (2021 - 2025), có thể gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2025.

Xuân 2020 là mùa xuân của niềm tin. Bởi lẽ, sự kiến tạo của Chính phủ đã tác động mạnh và thể chế, chính sách, làm cho doanh nghiệp Việt nhanh nhạy hơn để thích nghi với sự thay đổi của dòng chảy thương mại. Việc tận dụng các FTA, các thỏa thuận thương mại sẽ tạo điều kiện cho sự tăng trưởng bền vững.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Xuân 2020: Vững bước hội nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO