Ngày 29/4, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn cao tốc Mai Sơn - QL45 có chiều dài hơn 63km nối từ tỉnh Ninh Bình đến huyện Đông Sơn, Thanh Hóa với tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng đã khánh thành. Dự án đi qua địa phận các huyện Yên Mô, Hoa Lư, TP Tam Điệp (Ninh Bình) và các huyện Hà Trung, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, Đông Sơn, Triệu Sơn, Nông Cống, TP Thanh Hóa (Thanh Hóa). Ảnh: Hoàng Hà.
Nối tiếp với dự án trên là cao tốc QL45 - Nghi Sơn. Công trình thông xe vào đầu tháng 9 có chiều dài 43,28km, tổng mức đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án 2 làm chủ đầu tư, khởi công từ tháng 7/2021. Đầu phía bắc của dự án nối liền với đoạn cao tốc Mai Sơn - QL45 ở nút giao Đông Xuân (huyện Đông Sơn), đầu phía nam nối với đoạn cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu ở xã Tân Trường (TX Nghi Sơn). Ảnh: Hoàng Hà.
Cũng thông xe dịp 2/9 vừa qua là dự án Nghi Sơn - Diễn Châu. Cao tốc này dài 50km, trong đó đoạn qua Thanh Hóa 6,5 km và Nghệ An 43,5 km. Điểm đầu tại Nghi Sơn, kết nối với cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và điểm cuối tại xã Diễn Tháp (Diễn Châu, Nghệ An), thuộc nút giao nối với cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 7.290 tỷ đồng, trong đó tổng giá trị xây lắp khoảng 4.400 tỷ đồng. Ảnh: Hoàng Hà.
Sẽ thông xe vào ngày mai (24/12) là cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ trị giá 3.753 tỷ đồng. Dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Tuyên Quang làm chủ đầu tư. Theo quy hoạch ban đầu, công trình triển khai giai đoạn 1 với quy mô 2 làn xe, tốc độ 80km/h, sau đó sẽ tiếp tục làm tiếp giai đoạn 2 với 4 làn xe. Ảnh: Minh Hiền.
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm được đầu tư theo hình thức PPP (hình thức đối tác công tư), có chiều dài tuyến 49,1km, quy mô 4 làn xe, tốc độ 80km/h, nền đường rộng 17m và không có làn dừng khẩn cấp. Công trình được khởi công từ tháng 9/2021 với tổng mức đầu tư 5.524 tỷ đồng. Ảnh: Chí Hùng.
Công trình cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo do liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty Cổ phần Tổng Công ty Đầu tư xây dựng 194 làm chủ đầu tư. Đây là một trong ba công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 được thực hiện theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Cao tốc có chiều dài 78,5km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa (gần 5km), Ninh Thuận (63km) và Bình Thuận (gần 12km). Công trình khởi công xây dựng ngày 30/9/2021, dự kiến thông xe kỹ thuật vào ngày 30/12/2023. Ảnh: Chí Hùng.
Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết có chiều dài 100,8 km, điểm đầu tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, Bình Thuận nối tiếp với đường cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo và điểm cuối giao với đường đi Mỹ Thạnh thuộc xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, kết nối với đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây. Giai đoạn 1 công trình được thiết kế chỉ có 4 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp liên tục. Chiều rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/h. Ở giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đầu tư thành 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m, vận tốc thiết kế 120km/h. Ảnh: Chí Hùng.
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23km đi qua 2 tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng, khởi công tháng 1/2021. Ở giai đoạn 1, dự án có quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h. Khi xây dựng hoàn chỉnh, tuyến đường được thiết kế 6 làn xe, vận tốc 100km/h. Điểm đầu của cao tốc nối với cầu Mỹ Thuận 2, điểm cuối là nút giao Chà Và (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long), cách cầu Cần Thơ khoảng 5km. Vào ngày 24/12, cao tốc này sẽ được thông xe. Ảnh: Nguyễn Huế.
Sau hơn 3 năm thi công, dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 nối hai tỉnh Tiền Giang - Vĩnh Long và đường dẫn hai đầu cầu dự kiến được khánh thành vào ngày 24/12.
Phần cầu chính dài 1,906km, đầu tư hoàn chỉnh với 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h, có bề rộng mặt cầu phần xe chạy 25m; nhịp chính kết cấu dây văng dài 650m; nhịp dẫn kết cầu dầm Super T và dầm hộp đúc hẫng cân bằng dài 1.276m. Đây là một dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã được Bộ GTVT phê duyệt. Tổng mức đầu tư dự án là 5.003 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị hơn 3.389 tỷ đồng. Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Ảnh: Nguyễn Huế.
Sau khi đóng cửa để phục vụ dự án nâng cấp mở rộng từ 1/4/2023, nhà ga Cảng Hàng không Điện Biên (tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) đã mở cửa trở lại ngày 1/12/2023. Toàn dự án có tổng vốn 1.467,7 tỷ đồng do Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư. Ảnh: Hoàng Hà.