Thi công tại dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo
Cam Lâm - Vĩnh Hảo, tìm hướng đi mới tiếp cận nguồn vốn
Đa dạng hóa nguồn vốn chính là lời giải từ phía liên danh nhà đầu tư Đèo Cả - 194. Để thực hiện dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, các nhà đầu tư đã xác định không thể chỉ trông chờ vào nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng. Tại dự án này, nhà đầu tư đã đưa ra mô hình 3P trong việc huy động vốn. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 8.925 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án khoảng 5.139 tỷ đồng; Vốn chủ sở hữu 1030 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cam kết cấp khoản tín dụng với hạn mức là 1.700 tỷ đồng; còn lại 1.056 tỷ đồng được huy động thông qua hình thức Hợp đồng hợp tác đầu tư (BCC).
Được biết, ngoài vốn ngân sách, vốn chủ sở hữu và vốn tín dụng, nhà đầu tư đã huy động thành công khoản đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng từ các hợp đồng BCC, nghĩa là vượt cả mức nhu cầu của dự án.
Ngày 07/12/2021, liên danh nhà đầu tư Đèo Cả - 194 cùng doanh nghiệp dự án đã tổ chức ký kết hợp đồng tín dụng và hợp đồng BCC dự án xây dựng cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, trước thời hạn ký hợp đồng tín dụng gần 2 tháng. Như vậy, mặc dù là dự án “đi sau” vì ký hợp đồng BOT cuối cùng nhưng nhờ những đột phá trong huy động vốn của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước có liên quan, Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã “về trước”, thành công thu xếp vốn thực hiện dự án. Có thể xem cách huy động vốn của nhà đầu tư tại dự án này như một lời giải mẫu cho bài toán tín dụng tại các dự án PPP tại Việt Nam.
“Trong 3 dự án, chúng tôi rất bất ngờ và vui mừng khi Cam Lâm - Vĩnh Hảo của liên danh do Đèo Cả đứng đầu ngoài giảm giá gần 800 tỷ khi tự tin vào năng lực tổ chức thi công, đây cũng là dự án duy nhất và đầu tiên ký được hợp đồng tín dụng và hợp đồng góp vốn BCC, đánh dấu bước biến chuyển từ cam kết tín dụng thành hợp đồng tín dụng, đầy đủ các điều kiện để thực hiện công trình. Bộ Giao thông vận tải tin tưởng vào sự thành công của dự án” - ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ PPP (Bộ GTVT) phát biểu tại lễ ký kết hợp đồng tín dụng và hợp đồng BCC dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Không được khả quan như dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, 2 dự án Nha Trang - Cam Lâm và Diễn Châu - Bãi Vọt lại đang đứng trước nguy cơ hủy hợp đồng BOT do không vay được vốn ngân hàng.
Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm: hết giờ
Nha Trang - Cam Lâm là dự án đầu tiên trong số 3 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam phía đông tìm được nhà đầu tư và đã chính thức ký kết Hợp đồng (BOT) ngày 06/5/2021. Dự án có chiều dài khoảng 50km, tổng vốn đầu tư khoảng 5.524 tỷ đồng trong đó vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án khoảng 2.967 tỷ đồng và vốn nhà đầu tư huy động khoảng 2.556 tỷ đồng, do Tập đoàn Sơn Hải làm nhà đầu tư.
Mang theo nhiều kỳ vọng nhưng đây lại là dự án đầu tiên bị Bộ Giao thông Vận tải “gọi tên” khi đã quá thời hạn 6 tháng nhưng nhà đầu tư vẫn chưa ký được hợp đồng tín dụng, thu xếp nguồn vốn để triển khai dự án. Ngày 06/12/2021, Bộ GTVT đã có văn bản số 12942/BGTVT-ĐTCT gửi nhà đầu tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền và doanh nghiệp dự án về việc huy động vốn đầu tư cho dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Theo đó, yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh rà soát các thủ tục để đơn phương chấm dứt hợp đồng, kịp thời đề xuất, báo cáo Bộ GTVT theo quy định.
Dự án Diễn Châu - Bãi Vọt cũng chung số phận khi liên tục bị Bộ GTVT “tuýt còi” do quá thời hạn ký hợp đồng tín dụng mà không huy động được vốn thực hiện dự án. Lý do các nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án đưa ra là do tác động của đại dịch COVID-19, giãn cách xã hội làm ảnh hưởng tới tiến độ đàm phán hợp đồng tín dụng. Nhà đầu tư 2 dự án này đều đang xin gia hạn thêm thời gian ký hợp đồng tín dụng, có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ kết nối chung của toàn dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông cũng như đặt ra câu hỏi về năng lực của nhà đầu tư.
Ngày 14/12, theo thông báo kết luận của Thứ trưởng Lê Anh Tuấn kiểm tra hiện trường và họp kiểm điểm tiến độ thực hiện các Dự án đầu tư xây dựng đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt, Bộ GTVT đã thẳng thắn phê bình Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án Diễn Châu - Bãi Vọt, dù đây là dự án rất lớn và có nhiều hạng mục phức tạp nhưng bộ máy chỉ đạo chưa đủ, thiếu và yếu. Đồng thời, phê bình Ban QLDA 6 thiếu kiểm tra và có giải pháp hiệu quả kiên quyết với Nhà đầu tư, yêu cầu rà soát kỹ Hợp đồng BOT đã ký kết, xác định rõ các nguyên nhân chậm nếu do Nhà đầu tư thì thực hiện chấm dứt Hợp đồng.
Ngoài ra, nếu nhà đầu tư không thực hiện được sẽ bị cấm tham gia một số dự án khác do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, đồng thời phải nhận nhiều trách nhiệm khác.