Cần đổi mới công nghệ và cơ chế quản lý tại các trạm cân

01/01/1970 08:00

(VLR) Năm 2009 Bộ GTVT đã quyết định thành lập hai trạm thí điểm là Trạm kiểm tra tải trọng xe Dầu Giây và Quảng Ninh. Qua 3 năm hoạt động thí điểm, các Trạm kiểm tra tải trọng xe (Trạm cân) đã bộc lộ quá nhiều điểm bất cập, nếu không đổi mới cong nghệ và cơ chế quản lý, những bất cập ấy sẽ trở thành những hệ lụy nghiêm trọng về kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực vận tải.

Năm 2009 Bộ GTVT đã quyết định thành lập hai trạm thí điểm là Trạm kiểm tra tải trọng xe Dầu Giây và Quảng Ninh. Qua 3 năm hoạt động thí điểm, các Trạm kiểm tra tải trọng xe (Trạm cân) đã bộc lộ quá nhiều điểm bất cập, nếu không đổi mới cong nghệ và cơ chế quản lý, những bất cập ấy sẽ trở thành những hệ lụy nghiêm trọng về kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực vận tải.

CẦN ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ

Từ khi Trạm cân Dầu Giây tái hoạt động, nhiều vấn đề tiêu cực đã phát sinh: tỷ lệ xe quá tải qua trạm vẫn diễn ra khá phổ biến. Nguyên nhân thì có nhiều: phần thì do lỗi thuộc về yếu tố kỹ thuật của thiết bị máy móc, phần thì do một số cán bộ Trạm cân lợi dụng sự hạn chế của thiết bị kiểm tra để can thiệp trực tiếp vào thiết bị để làm sai lệch kết quả kiểm tra để cho xe quá tải đi qua (như vụ phát hiện chíp điện tử lạ trong tủ điện điều khiển trạm cân ) hoặc lái xe móc nối với “cò dẫn đường” để hướng dẫn cho xe tải đi vào làn đường xe gắn máy, hoặc hướng dẫn xe tải đi sát nhau để che biển số nên camera không ghi hình được... Với công nghệ lạc hậu, thiết bị lỗi thời còn phụ thuộc quá nhiều vào con người, cộng với cách làm không đồng bộ, không thống nhất như hiện nay thì không thể mang lại hiệu quả cao được. Vì vậy “Mục đích kiểm tra tải trọng xe, hạn chế xe chở quá tải gây hư hại cầu đường không đạt được”.

VỀ CHỌN LỰA VỊ TRÍ ĐẶT TRẠM CÂN

Trạm cân Dầu Dây được xây dựng trên Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, nhưng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai lại có quá nhiều tuyến đường có thể tránh sự kiểm tra tải trọng của Trạm cân Dầu Giây, nên một số lượng lớn xe tải tìm cách né trạm bằng cách đi vòng vào các đường tỉnh lộ 762, ĐT 769, ĐT 769, các huyện lộ, hàng chục đường nông thôn và nhanh chóng phá nát những con đường này. Để ngăn chặn và xử lý tình trạng này, các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Đồng Nai đã quyết định thành lập thêm “một lực lượng liên ngành địa phương gồm 109 người” được bố trí để chốt chặn 24/24 tại các vị trí đầu những con đường này với mục đích không để xe quá tải đi vào phá đường nữa.

Đồng thời tỉnh nhanh chóng duy tu sữa chữa sự xuống cấp hư hỏng những con đường này bằng ngân sách địa phương. Qua hơn 4 tháng hoạt động, kinh phí thu được từ việc sử phạt xe quá tải là 3,7 tỷ đồng, nhưng con số này không đủ bù đắp kinh phí dự kiến tỉnh Đồng Nai bỏ ra để sữa chữa những con đường này, ước tính kinh phí sửa chữa lên đến 70 tỷ đồng (báo cáo của Ban ATGT Đồng Nai năm 2009). Như vậy, Trạm cân Dầu Giây lập ra mà tỉnh Đồng Nai lại tốn thêm kinh phí sữa chữa đường và phải lập thêm “lực lượng liên ngành” của riêng mình để tổ chức canh gác, chốt chặn, kiểm tra xử lý vi phạm xe chở quá tải chạy qua những con đường này. Liệu rằng “lực lượng liên ngành” có đảm bảo canh giữa được 24/24 giờ trong ngày và đi cùng năm tháng với hoạt động liên tục của các DN vận tải hay không? Vì chỉ cần sơ hở hoặc lực lượng này rút lui thì ngay lập tức xe quá tải chạy vào ngay (do có sự thông tin khá chặt chẽ của một lực lượng “cò” đông đảo tại đây sẵn sàng báo ngay cho lái xe biết tình hình hoạt của lực lượng này). Rõ ràng các phương tiện xe không thể tự nhiên có hàng quá tải trọng qua Trạm cân hoặc vô hiệu Trạm kiểm tra tải trọng được.

CẦN CÓ SỰ ĐỒNG BỘ ĐỂ TẠO SỰ CÔNG BẰNG

Cách kiểm tra tải trọng xe thiếu sự đồng bộ như hiện nay đã không giải quyết được triệt để “vấn nạn chở quả tải”, đồng thời tạo ra sự bất bình đẳng về giá cước giữa các DN vận tải và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nhân dân và DN của một số địa phương.

Ví dụ: xe lưu thông từ Cảng Sài Gòn về các khu công nghiệp Biên Hòa I, Biên Hòa II chưa tới Trạm cân Dầu Giây thì không bị kiểm tra và nếu chở quá tải thì khó bị xử lý). Cứ cho rằng Trạm Dầu Giây không có tiêu cực thì giá cước vận tải của xe đi qua trạm sẽ khác với giá cước vận tải của xe không đi qua trạm kiểm tra. Ai cũng hiểu rằng giá cước vận tải là chi phí đầu vào của DN sản xuất ngành nghề khác. Như thế, do cách Kiểm tra tải trọng không đồng bộ sẽ dẫn đến sự bất bình đẳng và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các DN nói chung và DN vận tải nói riêng.

Theo kế hoạch của Cục đường bộ Việt Nam, ở khoảng giữa các trạm cân cố định (vùng trống), sẽ cho khảo sát để lên được bản đồ phân vùng quá tải (vùng đen) và tổ chức lực lượng liên ngành đưa cân tay di động đến kiểm tra để xóa sổ những “vùng đen” này. Theo chúng tôi cần cân nhắc tính khả thi và hiệu quả của giải pháp này vì hiện nay hầu hết các trục đường đường giao thông chính nơi nào cũng diễn ra tình trạng xe chở quá tải cả, khó có thể bố trí đủ lực lượng và trang bị để kiểm tra theo kế hoạch này.

Từ thực tế đó, có thể khẳng định rằng nếu không có sự đổi mới về công nghệ, trang thiết bị máy móc và cách thức tổ chức, quản lý con người của các Trạm cân hiện nay thì khó đạt được mục đích phòng ngừa chung và góp phần xử lý vấn nạn xe chở quá tải, cho dù có triển khai thêm một số trạm kiểm tra theo kế hoạch của Bộ GTVT.

Từ những phân tích trên, chúng tôi đề nghị Bộ GTVT lựa chọn và áp dụng công nghệ tiên tiến tự động trên thế giới để kiểm ra tải trọng xe (không cần sự can thiệp trực tiếp của con người hoặc một trạm chỉ cần một vài người trực phụ trách về kỹ thuật mà thôi). Việc này sẽ bảo đảm tính chính xác, minh bạch, công bằng và hiệu quả trong việc kiểm tra, phát hiện và xử lý xe chở quá tải.

LS. THÁI VĂN CHUNG


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Cần đổi mới công nghệ và cơ chế quản lý tại các trạm cân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO