Cơ sở nền tảng
Cảng Sài Gòn, trước đây là Nha thương cảng Sài Gòn, đã có hành trình hơn 150 năm hình thành và phát triển gắn với lịch sử vùng đất Sài Gòn - Gia Định xưa, nay là TP. HCM năng động và xinh đẹp. Trải qua những chặng đường phát triển, đến nay Cảng Sài Gòn tự hào là đơn vị “Anh hùng thời kỳ đổi mới”, là thương hiệu quốc tế của ngành Hàng hải Việt Nam, là cảng cửa ngõ phục vụ cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Với tổng chiều dài cảng trên 3,2km (21 cầu), 27 bến phao trải dài dọc tuyến sông Sài Gòn, Nhà Bè, Soài Rạp, Thiềng Liềng, Cảng Sài Gòn đảm nhiệm sứ mệnh quan trọng phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường biển đến các cảng trên thế giới và luân chuyển hàng hóa nội địa khắp cả nước với tổng sản lượng hàng hóa bốc xếp hàng năm hơn 10 triệu tấn, chiếm 50% thị phần hàng tổng hợp trong khu vực. Trong đó, sắt thép chiếm 65% thị phần và phân bón chiếm 93% thị phần khu vực TP. HCM. Trong hệ thống cảng biển của ngành hàng hải Việt Nam, Cảng Sài Gòn là một trong số các cảng có sản lượng và năng suất xếp dỡ hàng đầu của quốc gia.
Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, gần các trung tâm logistics, khu công nghiệp và khu công nghệ cao cùng với sự ủng hộ, tin tưởng của khách hàng, Cảng Sài Gòn với các bến cảng trên sông Sài Gòn, sông Soài Rạp và cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, hiện phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực rộng lớn bao gồm TP. HCM, các vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Cảng Sài Gòn đủ năng lực cung cấp các dịch vụ khai thác cảng và logistics cho khách hàng tại cầu cảng, bến phao, phục vụ xuất nhập khẩu các loại hàng sắt thép, thiết bị, hàng rời, container,...; các dịch vụ lai dắt cứu hộ, sửa chữa cơ khí, giao nhận kho vận và cho thuê kho ngoại quan. Theo báo cáo tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông ngày 26/4/2019, ông Võ Hoàng Giang, Tổng Giám đốc Cảng Sài Gòn cho biết năm 2018 vừa qua, sản lượng thông qua Cảng Sài Gòn đạt trên 9 triệu tấn, doanh thu đạt trên 1.000 tỷ đồng.
Định hướng tương lai
Thực hiện quy hoạch của Chính phủ về phát triển cảng biển khu vực Đông Nam Bộ (nhóm cảng biển số 5), cùng với định hướng chiến lược của TP. HCM phát triển lâu dài hướng ra biển, đặc biệt là việc di dời các cảng trên sông Sài Gòn trong thời gian qua. Bên cạnh việc đầu tư hợp lý hóa sản xuất và khai thác hiệu quả bến cảng Tân Thuận tại quận 7 với mặt hàng chủ lực là sắt thép, thiết bị và container. Cảng Sài Gòn đã đầu tư xây dựng Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước tại huyện Nhà Bè (TP. HCM) với 1.800m cầu cảng, tổng diện tích hơn 100ha với hệ thống kho bãi đồng bộ, có thể tiếp nhận được các tàu có tải trọng lên tới 50.000DWT đầy tải và 70.000DWT giảm tải. Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước là dự án cảng hàng hóa tổng hợp có quy mô lớn nhất khu vực TP. HCM, có công suất thông qua hơn 20 triệu tấn hàng hóa/năm với tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng. Đây chính là dự án tâm huyết của Cảng Sài Gòn nhằm cụ thể hóa tầm nhìn phát triển dài hạn với các mặt hàng như sắt thép, thiết bị, container, xe cơ giới và có khả năng đáp ứng phần lớn nhu cầu khách hàng là các khu công nghiệp, trung tâm logistics khu vực TP. HCM, miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với hệ thống giao thông kết nối như đường trục Bắc - Nam, hệ thống đường vành đai 2-3-4, cao tốc Bến Lức - Long Thành, Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước sẽ là cửa ngõ cho phép hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua Cảng Sài Gòn tại khu vực phía Nam TP. HCM kết nối thuận tiện với các cảng khu vực TP. HCM, các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ, chuyển tiếp hàng hóa xuất khẩu ra khu vực cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải để xuất đi quốc tế.
Bên cạnh đó, Cảng Sài Gòn cũng đã liên doanh với các tập đoàn hàng hải quốc tế hàng đầu như PSA (Singapore), SSA Marine Seattle (Mỹ), APM Terminals (Đan Mạch) từ năm 2006 triển khai đầu tư xây dựng và vận hành 3 khu cảng container nước sâu hiện đại tại khu vực Cái Mép - Thị Vải gồm: SP-PSA, SSIT và CMIT với tổng chiều dài bến 1.800m, có khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp tới 165.000DWT và tàu container đến 18.000TEUs, tổng công suất thông qua hơn 3,7 triệu TEUs/năm. Với công nghệ xử lý hàng hóa hiện đại của các đối tác hàng đầu trong lĩnh vực khai thác cảng trên thế giới, mớn nước sâu, vị trí thuận lợi, nhóm cảng này được đánh giá là trung tâm trung chuyển quốc tế tiềm năng của Việt Nam, cảng cửa ngõ trọng điểm quốc gia phục vụ sự phát triển kinh tế của khu vực miền Nam cũng như cả nước và nước bạn Campuchia.
Hướng ra biển lớn
Trên cơ sở quy hoạch phát triển nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (nhóm cảng biển số 5) và thực hiện theo đề án nâng cao quản lý nhóm cảng biển số 5 và các bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải của Bộ Giao thông vận tải. Định hướng chiến lược trong giai đoạn từ năm 2020 - 2030, Cảng Sài Gòn sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn thiện các dự án đang triển khai tập trung vào 3 khu vực :
• Khu vực quận 4 – TP. HCM: Với dự án chuyển đổi công năng xây dựng khu phức hợp, kết hợp với khai thác bến hành khách quốc tế và nội địa phục vụ du lịch của TP. HCM.
•Khu vực quận 7 – Nhà Bè – TP. HCM: Đầu tư phát triển và khai thác cảng tổng hợp – container phục vụ tuyến nội địa, phối hợp cùng các đối tác chiến lược đầu tư lắp đặt trang thiết bị mới chuyên dụng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, khai thác quản lý cầu cảng, kho, bãi container theo hướng hiện đại, từng bước thay đổi công nghệ, nâng cao trình độ quản lý, đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường, cải thiện năng suất và nâng cao chất lượng dịch vụ với tiêu chí lấy khách hàng làm trung tâm.
• Khu vực Cái Mép - Thị Vải: Tiếp tục hoàn thiện các dự án, tái cơ cấu các Cảng liên doanh để nâng cao hiệu quả khai thác và tập trung đầu tư hệ thống quản lý khai thác cảng tiên tiến hướng đến trở thành cảng trung chuyển quốc tế của khu vực.
Để đồng hành với thành phố trong việc giảm áp lực giao thông tại các khu cảng và ICD hiện hữu phía Bắc và Đông Bắc TP. HCM, trong khi vẫn bảo đảm giữ vững và gia tăng nguồn hàng phục vụ, Cảng Sài Gòn sẽ cung cấp thêm các lựa chọn cho các tuyến vận tải nội Á, kết nối các cảng tại TP. HCM, các cảng nước sâu tại Cái Mép - Thị Vải cho các tuyến tàu, xà lan container thông qua các chi nhánh của Cảng Sài Gòn như cảng Tân Thuận và Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, phục vụ khách hàng có nhu cầu xuất nhập khẩu, các khu công nghiệp ở phía Nam thành phố và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ nhằm góp phần cắt giảm đáng kể các chi phí logistics và thời gian vận chuyển nội địa cho khách hàng.
Thực hiện đô thị cảng Hiệp Phước trong tương lai, Cảng Sài Gòn đang từng bước chuyển đổi cơ cấu mặt hàng từ các loại hàng truyền thống trước đây như: Phân bón, hóa chất, nông sản sang cung cấp các dịch vụ cho các loại hàng như: container, xe cơ giới, thiết bị tại khu vực Hiệp Phước, từng bước hình thành trung tâm phân phối xe tại miền Nam ở khu vực này.
Với tư duy chiến lược luôn đi trước một bước của đội ngũ lãnh đạo giàu kinh nghiệm và sự quyết tâm cao của toàn thể cán bộ, công nhân viên, Cảng Sài Gòn đã và đang tiến tới mục tiêu trở thành cảng cung cấp dịch vụ khai thác hàng hóa, ICD, container, Ro-Ro và logistics chuyên nghiệp, hiện đại, có vị thế dẫn đầu khu vực miền Nam. Điều này là cơ sở vững chắc cho những quyết sách đầu tư phát triển theo chiều rộng và chiều sâu, tìm kiếm cơ hội, mở rộng kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ sau cảng, nhằm tận dụng tối đa nguồn lực, lợi thế của cảng tối đa hóa lợi nhuận, tạo ra những bước tăng trưởng tiếp theo.
Sự hài lòng của các quý khách hàng và đối tác luôn là thước đo cao nhất cho những giá trị mà Cảng Sài Gòn cũng như các công ty thành viên đã và đang nỗ lực đạt được trong hoạt động kinh doanh, đồng thời là động lực để chúng tôi phát triển trong tương lai. Chúng tôi mong muốn tiếp tục có được sự hợp tác, tin tưởng của các quý khách hàng để từ đó Cảng sẽ lớn mạnh và củng cố niềm tin đó qua những dịch vụ cảng và logistics với chất lượng cao nhất cho quý khách hàng.