Chuỗi cung ứng toàn cầu và áp lực "Xanh hóa" sản xuất, sản phẩm

Võ Thị Phương Thủy (tổng hợp) |23/09/2023 19:12

Trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt thì chất lượng và giá cả sản phẩm cũng chưa đủ. Nhiều nhà nhập khẩu yêu cầu về môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên, thân thiện môi trường, an toàn lao động.

anh-bai-tren-ben-trai.jpg
“Xanh” và “số” là 2 vấn đề quan trọng buộc doanh nghiệp phải thực hiện nhằm thích ứng yêu cầu của thị trường quốc tế (ảnh minh họa)

Tiêu chuẩn xanh EU là những điều kiện mà doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sang thị trường này phải đáp ứng nếu muốn hàng hoá xuất khẩu thành công vào EU. Đáng chú ý, những quy định này của EU không đánh thẳng trực tiếp vào nhà xuất khẩu, nhưng từ phía người tiêu dùng hay nền kinh tế của EU đã đặt ra những quy định mới về môi trường và có những thỏa thuận xanh khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu. Doanh nghiệp Việt Nam đạt được tiêu chuẩn xanh mới có hy vọng tiếp tục tận dụng Hiệp định EVFTA để tăng xuất khẩu sang EU.

EU vốn là thị trường có tiêu chuẩn liên quan đến môi trường rất cao và các quy định của EU đối với các sản phẩm trong nước liên quan đến môi trường đã được quy định từ rất sớm, từ những năm 1987. Tuy nhiên, gần đây các quy định này được áp dụng chặt chẽ hơn, tăng tốc hơn, bắt đầu từ việc EU phê duyệt Thỏa thuận xanh với mục tiêu giảm 55% phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với năm 1990 và hướng tới mục tiêu rất tham vọng đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Cùng với quy định này, phía EU đưa ra các đề xuất khác nhau, toàn diện trong tất cả các lĩnh vực để đảm bảo đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh bao trùm tất cả các lĩnh vực từ nông, lâm nghiệp, thủy sản, giao thông vận tải, hàng không. Những quy định này khi áp dụng đối với hàng hóa châu Âu thì nó cũng sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng với với các sản phẩm xuất khẩu sang châu Âu, trong đó có hàng hoá của Việt Nam.

Đặc biệt, quy định gần đây được phê duyệt vào tháng 5/2003 và chính thức có hiệu lực từ ngày mùng 1/10 năm nay là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU đã đưa ra định giá carbon của EU để áp với các sản phẩm xuất khẩu. Tuy nhiên, họ cũng đưa ra một lộ trình là chúng ta có thời gian chuyển tiếp từ nay đến năm 2026 và tỉ lệ mà doanh nghiệp phải chi trả chứng chỉ CBAM cũng sẽ tăng dần từ năm 2026 đến năm 2034, tức là doanh nghiệp có một lộ trình để chuẩn bị. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng các tiêu chuẩn xanh của châu Âu đang được áp dụng rộng rãi hơn và sâu rộng hơn. 

Trước đây các quy định liên quan đến khí hậu sẽ thông qua các thỏa thuận đa phương và sau đó sẽ được nội luật hóa và áp dụng trong từng quốc gia. Nhưng bây giờ, phía châu Âu đưa ra một quyết định mang tính chất đơn phương và họ mở ra việc đối thoại song phương với các quốc gia. Nhưng đối thoại này chỉ mang tính chất chi tiết hóa việc thực thi như thế nào.

Đối với các doanh nghiệp, trước đây, các tiêu chuẩn xanh có thể được áp dụng rất nhỏ lẻ và mang tính chất tự nguyện. Song bây giờ, các doanh nghiệp của Việt Nam khi xuất khẩu sang châu Âu đáp ứng các tiêu chuẩn sẽ phải mang tính chất bắt buộc hơn.

Như vậy, thách thức đang đặt ra ngày càng nhiều hơn, đòi hỏi doanh nghiệp phải phải thay đổi từ nhận thức đến hành động. Đây là một câu chuyện rất dài, bởi vì để có thể chuyển đổi được sản xuất xanh hơn hay đáp ứng được những tiêu chuẩn xanh thì doanh nghiệp cần phải đầu tư rất nhiều, cả về con người, nguồn lực, vốn và cũng cần một thời gian để các doanh nghiệp có thể thích ứng được với điều đó.

Các lộ trình bây giờ đang ngắn lại. Đặc biệt, với CBAM, giai đoạn từ lúc phê duyệt đến chính thức có hiệu lực chỉ trong 5 tháng và bản thân các doanh nghiệp trong nước hiện nay chưa chưa quen thuộc và chưa có nhiều doanh nghiệp đủ năng lực để đáp ứng. Đặc biệt, với những doanh nghiệp không có sự chuẩn bị trước, không có lộ trình thì sẽ khó đáp ứng được yêu cầu của Châu Âu.

Điều này bắt buộc các doanh nghiệp phải chủ động xây dựng các tiêu chuẩn liên quan đến môi trường, quản trị và xã hội của mình. Để làm được việc này, bài toán đầu tiên để áp dụng tiêu chuẩn xanh không phải là chi phí mà liên quan đến nhận thức.

Khi doanh nghiệp nhận thức được rằng đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để có thể bắt kịp với những xu thế của tương lai và tăng sức cạnh tranh, là cơ hội để phát triển bền vững thì sẽ chuyển đổi từ nhận thức đến xây dựng năng lực, rồi đến thực hành và chuyển đổi công nghệ thì bước chuyển đổi công nghệ là bước cuối cùng và cần nhiều chi phí. Nhưng quá trình này cũng có lộ trình chứ không cần phải chuyển đổi nhanh và ngay lập tức.

Hiện nay, Việt Nam cũng có mục tiêu liên quan đến phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính khi đặt ra mục tiêu Net Zero (phát thải ròng khí nhà kính bằng 0) vào năm 2050.

xanh-hoa-nganh-logistic_0.jpg
Logistics xanh, logistics số: Điều kiện tiên quyết để phát triển ngành logistics Việt Nam

Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương từng nhận định rằng, hiện nay các chuỗi cung ứng toàn cầu đang điều chỉnh, sắp xếp lại, nhiều quốc gia tăng cường chính sách bảo hộ với nhiều quy định khắt khe về chất lượng. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt thì chất lượng và giá cả sản phẩm cũng chưa đủ. Nhiều nhà nhập khẩu yêu cầu về môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên, thân thiện môi trường, an toàn lao động. Đây chính là lý do tại sao doanh nghiệp phải chuyển đổi công nghệ theo hướng phát triển xanh, phát triển bền vững.

Hiện WB và các tổ chức quốc tế cũng đã sẵn sàng vào cuộc cùng với Chính phủ Việt Nam để hỗ trợ các doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp cam kết chuyển đổi bằng hoặc sớm hơn so với cam kết của Chính phủ sẽ được nhận những ưu đãi về lãi suất và những hỗ trợ không hoàn lại liên quan đến tăng cường năng lực. Đây là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp mong muốn đạt mục tiêu tăng trưởng xanh.

* Ngày 13/12/2022, các quốc gia thành viên EU đã thông báo sẽ thực hiện Cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới (CBAM), là một phần thuộc Thỏa thuận Xanh châu Âu (European Green Deal - EGD) được EU khởi động từ năm 2019 nhằm giải quyết các thách thức liên quan đến khí hậu và môi trường. Theo đó, EU dự kiến sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.

* Thỏa thuận Xanh châu Âu là chiến lược tăng trưởng mới của EU nhằm xây dựng một xã hội công bằng và thịnh vượng. Thỏa thuận Xanh cũng nhằm mục đích bảo vệ, bảo tồn và nâng cao nguồn vốn tự nhiên của EU, đồng thời bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc của công dân khỏi những rủi ro và tác động liên quan đến môi trường.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Chuỗi cung ứng toàn cầu và áp lực "Xanh hóa" sản xuất, sản phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO