Cổng Dịch vụ công Quốc gia tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Thụy Hậu|08/07/2020 15:55

(VLR) Cổng Dịch vụ công Quốc gia giúp người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục tại tất cả các Bộ, ngành, địa phương và thực hiện thanh toán trực tuyến nhiều nghĩa vụ tài chính liên quan, giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí. Đồng thời, tạo thêm kênh giám sát việc thực hiện, bảo đảm tính minh bạch trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Cổng Dịch vụ công Quốc gia tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Cổng Dịch vụ công Quốc gia tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Điện tử hóa thủ tục hành chính

Để kịp thời ứng phó với đại dịch COVID-19 cũng như chia sẻ khó khăn, bảo đảm cuộc sống cho nhân dân, người lao động, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp mạnh để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, an ninh lương thực, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, chuyển đổi mạnh phương thức làm việc của các cơ quan hành chính Nhà nước trong công tác chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công. Tiếp tục thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, sản phẩm hàng hóa, kiểm tra chuyên ngành và chuyển đổi phương thức làm việc của các cơ quan hành chính Nhà nước theo hướng điện tử hóa và phi giấy tờ.

Điện tử hóa thủ tục hành chính

Điện tử hóa thủ tục hành chính

Phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến “Giới thiệu Cổng Dịch vụ công Quốc gia và những lợi ích dành cho doanh nghiệp” tổ chức ngày 12/6 tại TP. HCM, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đã thực hiện chuyển đổi mạnh phương thức làm việc của các cơ quan hành chính Nhà nước trong công tác chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công như: Tăng cường làm việc gửi - nhận văn bản điện tử qua Trục liên thông văn bản quốc gia; thay dần từ báo cáo giấy truyền thống sang báo cáo điện tử thông qua Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương; Hệ thống thông tin một cửa điện tử, cổng dịch vụ công cấp Bộ cấp tỉnh phát huy hiệu quả.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, lần đầu tiên ghi nhận giá trị pháp lý của thủ tục trực tuyến, kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử, công nhận hồ sơ ký số của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm bớt các loại hồ sơ giấy cũng như các quy trình giao dịch trực tiếp với cơ quan Nhà nước, thúc đẩy giao dịch điện tử, góp phần xây dựng nền kinh tế số và xã hội số.

Có thể thấy, việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đem lại lợi ích rất lớn cho người dân, doanh nghiệp và Cổng Dịch vụ công Quốc gia là giải pháp hữu hiệu nhất để điện tử hóa thủ tục hành chính. Việc thực hiện các thủ tục hành chính thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia tạo thêm kênh giám sát giúp người dân, doanh nghiệp có thể theo dõi quá trình giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan Nhà nước, bảo đảm tính minh bạch của các Bộ, ngành, địa phương.

Những con số biết nói

Cổng Dịch vụ công Quốc gia giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí khi thực hiện thủ tục hành chính ở tất cả các Bộ, ngành, địa phương. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khithực hiện dịch vụ công trực tuyến là khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng Dịch vụ công Quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm.

Cổng Dịch vụ công Quốc gia giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí khi thực hiện thủ tục hành chính ở tất cả các Bộ, ngành, địa phương

Cổng Dịch vụ công Quốc gia giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí khi thực hiện thủ tục hành chính ở tất cả các Bộ, ngành, địa phương

Sau hơn 6 tháng triển khai (từ 09/12/2019 - 11/6/2020), Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã có trên 42,5 triệu lượt người truy cập, trên 164.000 tài khoản đăng ký, trong đó 1.729 tài khoản của doanh nghiệp, hỗ trợ trên 13,4 nghìn cuộc gọi điện thoại cho doanh nghiệp và tích hợp cung cấp 512 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 288 dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp.

Một số nhóm thủ tục hành chính có tần suất thực hiện lớn đã được tích hợp lên Cổng và phục vụ hiệu quả cho doanh nghiệp như: Nhóm thủ tục về đăng ký/thông báo khuyến mãi của doanh nghiệp; Nhóm thủ tục xin cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O); Nộp phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông; Thủ tục liên quan đến bảo hiểm, thuế… và nhiều thủ tục cụ thể khác.

Ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết: “Theo thống kê gần đây nhất của Ngân hàng Thế giới, chi phí logistics Việt Nam thuộc hàng cao trong khu vực, vậy nên để Việt Nam có thể nâng cao năng lực cạnh tranh hơn nữa thì chi phí logistics cũng là một vấn đề lớn cần được giải quyết. Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã góp phần giảm gánh nặng về mặt thời gian, cũng như chi phí thông quan giấy tờ. Việc áp dụng số hóa dịch vụ hành chính công dưới một góc độ nào đó cũng đã giúp giảm chi phí logistics”.

Ngoài ra, nhằm giảm gánh nặng về mặt thủ tục giấy tờ, thời gian giao dịch, thời gian qua Hiệp hội VLA khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp Hội viên đẩy mạnh triển khai số hóa chứng từ vận tải, cụ thể là lệnh giao hàng điện tử (eDO). Theo Hiệp hội VLA, lợi ích khi chuyển sang giao dịch eDO là rất lớn, giúp tiết kiệm về thời gian, lao động và đặc biệt tránh được nhiều rủi ro trong việc giao nhận và kiểm soát giao dịch.

Ông Lê Duy Hiệp cũng tán thành phương án tiếp tục thực hiện thủ tục hải quan điện tử phù hợp với chuẩn mực quốc tế và cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan hải quan là cơ quan đầu mối duy nhất kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, các Bộ, quản lý ngành sẽ thực hiện kiểm tra hậu kiểm.

Cộng đồng doanh nghiệp cần đẩy mạnh quá trình số hóa. Từ góc độ kinh tế vĩ mô, việc số hóa doanh nghiệp cũng có thể giúp tăng cường hoạt động kinh tế của một quốc gia. Theo ước tính, việc số hóa các doanh nghiệp nhỏ và vừa của ASEAN có thể tạo ra thêm 1,1 nghìn tỷ USD giá trị GDP trên toàn khu vực vào năm 2025.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Cổng Dịch vụ công Quốc gia tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO