Đẩy mạnh xuất khẩu xoài sang các quốc gia phát triển
Nhiều thuận lợi
Sau hơn 10 năm đàm phán, trái xoài tươi của nông dân An Giang đã chính thức xuất sang thị trường Hoa Kỳ, phục vụ người tiêu dùng nơi đây. Ngoài thị trường Hoa Kỳ, xoài trong tỉnh còn được xuất khẩu sang 39 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó thị trường chính vẫn là Trung Quốc, Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand…
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Thực vật sau nhập khẩu II (Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giống xoài được xuất khẩu nhiều nhất là xoài cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu, xoài Tượng da xanh, xoài Keo nhưng tỷ trọng xuất khẩu vẫn còn nhỏ so với tổng sản lượng xoài hiện có của cả nước. Cụ thể, sản lượng xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 5%, số còn lại chủ yếu tiêu thụ trong nước. Nhìn lại bức tranh xuất khẩu sản phẩm này trong những năm qua, đến nay Việt Nam là quốc gia đứng thứ 13 về sản xuất xoài trên thế giới nhưng số lượng xuất khẩu còn khiêm tốn và nằm ngoài “Top 10” nước xuất khẩu xoài nhiều nhất trên thế giới, từ đó cần nỗ lực nhiều hơn để đưa kim ngạch xuất khẩu xoài của An Giang ngày càng tăng lên.
“Chất lượng xoài của nông dân ĐBSCL không thua kém xoài ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Tại vùng ĐBSCL, nông dân trồng rất nhiều xoài Cát Chu, xoài cát Hòa Lộc. Đây là 2 giống xoài có phẩm chất ngon, vị thơm, thịt mịn chắc, trái to (400-500gr/trái), chín vàng tươi và rất ngọt. Xoài cát Hòa Lộc khi chín, độ Brix trung bình từ 18-20%. Riêng xoài Cát Chu thịt trái chặt nhưng ít xơ và vỏ trái dầy hơn xoài cát Hòa Lộc. Giống xoài này có thể cho năng suất 1.000 trái/cây/năm khi cây ở tuổi trưởng thành. Đây là những lợi thế, thuận lợi để tăng năng lực xuất khẩu xoài vào các quốc gia phát triển” - PGS.TS Trần Văn Hâu (Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng Trường Đại học Cần Thơ) phân tích.
Nhiều khó khăn
Về lợi thế so sánh, nhìn chung việc xuất khẩu xoài vào các quốc gia phát triển, Việt Nam nói chung, An Giang nói riêng có rất nhiều lợi thế. Ngoài các huyện cù lao, đất đai màu mỡ, An Giang còn có 2 huyện miền núi (Tri Tôn, Tịnh Biên) rất phù hợp phát triển cây xoài. “Cây xoài đã có trên vùng đất này hơn 100 năm nay, bằng chứng là ngay tại vườn nhà tôi, có nhiều gốc xoài to 5 người ôm không giáp. Những lúc trời nắng nóng, cây cối khô, héo lá nhưng cây xoài vẫn phát triển bình thường. Chính điều này, nông dân nơi đây tập trung phát huy lợi thế so sánh, trồng rất nhiều xoài Cát Chu, xoài cát Hòa Lộc để bán cho các công ty xuất khẩu, đưa xoài tươi sang các quốc gia phát triển…” - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn An Sơn Bảy Núi (xã An Hảo, Tịnh Biên) Nguyễn Hữu Thắng phân tích.
Xuất khẩu xoài sang các quốc gia phát triển đang gặp rất nhiều thuận lợi, song cũng không ít khó khăn. “Để xuất khẩu được trái xoài, đòi hỏi phải được cấp mã số vùng trồng, đồng thời người trồng phải áp dụng tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP. Trái xoài xuất khẩu có trọng lượng từ 400gr trở lên, dưới trọng lượng đó các doanh nghiệp dạt ra để lại bán cho thị trường nội địa. Song, để trồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu không phải dễ. Cái khó hiện nay là chi phí để được cấp chứng nhận VietGAP hay GlobalGAP là rất cao nhưng giấy chứng nhận chỉ có giá trị trong 3 năm, sau 3 năm nhà vườn phải mời đơn vị chứng nhận độc lập để xem xét cấp lại, việc này rất tốn kém” - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bến Bà Chi (xã Lê Trì, Tri Tôn) Bùi Văn Quý thông tin.
Nâng cao diện tích trồng xoài chuyên canh từ 5% lên con số cao hơn là một khó khăn để tiếp tục nâng cao chất lượng trái xoài xuất khẩu. Ngoài những vùng chuyên canh xoài như: xã Khánh An, Khánh Bình (An Phú), xã An Hảo (Tịnh Biên), Lê Trì (Tri Tôn) hay Bình Phước Xuân, Tấn Mỹ (Chợ Mới), đa phần xoài của nông dân trong tỉnh còn trồng xen lẫn trong vườn tạp, chính điều này làm cho năng suất xoài trên mỗi vụ thấp, chất lượng và trọng lượng chưa đạt yêu cầu xuất khẩu. Khắc phục những nhược điểm trên, trái xoài của nông dân An Giang sẽ đi xa hơn, thâm nhập vào nhiều thị trường trên thế giới nhằm mang về cho tỉnh nhà kim ngạch xuất khẩu cao hơn.