Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương phát biểu tại hội thảo
Ngày 16/12/2021 tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo chuyên ngành với chủ đề: "Chuyển đổi số - Kết nối chuỗi cung ứng bền vững". Đây là sự kiện bên lề Triển lãm Quốc tế lần thứ 2 về Công nghiệp hỗ trợ và Chế biến chế tạo Việt Nam - VIMEXPO 2021 do Bộ Công Thương chủ trì, tổ chức.
Chuyển đổi số để thích nghi
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Tuấn Anh- Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, năm 2021 chứng kiến những tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid 19 đến nền kinh tế và các chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự đứt gãy các chuỗi cung ứng đặt ra yêu cầu tái cấu trúc đối với các tập đoàn đa quốc gia theo hướng tăng tỉ lệ nội địa hoá và phân tán rủi ro. Những thay đổi này đặt ra cơ hội và thách thức mới, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải tự chủ và năng động hơn trong việc tìm kiếm cơ hội tham gia vào các chuỗi cung ứng mới hình thành. Tuy nhiên, cơ hội không dành cho những người chưa sẵn sàng, do vậy, để biến nguy thành cơ, các doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo đủ năng lực cạnh tranh với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực và trên toàn cầu.
Ông Phạm Tuấn Anh chỉ ra, trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp, cuộc cách mạng 4.0, trong đó chuyển đổi số nổi lên như một giải pháp tất yếu quan trọng, đã mang tới nhiều cơ hội bứt phá cho doanh nghiệp, từng bước thay đổi cách làm việc truyền thống của hoạt động chuỗi cung ứng. “Hay nói cách khác, đại dịch COVID-19 thúc đẩy các doanh nghiệp phải chuyển đổi số nhanh hơn. Chuyển đổi số hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp đạt được sự gia tăng doanh thu để chiếm lĩnh thị trường, giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh, đồng thời đây cũng sẽ là thế mạnh của doanh nghiệp giai đoạn hậu COVID-19”- lãnh đạo Cục Công nghiệp khẳng định.
Trong thời gian qua, Cục Công nghiệp đóng vai trò làm cầu nối thông qua các chương trình hợp tác đào tạo chuyên gia tư vấn, tổ chức hội thảo, triển lãm, đồng thời cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng đúng nhu cầu cũng như các vấn đề vướng mắc đang gặp phải. Mặc dù tầm nhìn và hướng đi "chuyển đổi số" đã được vạch ra với sự hỗ trợ của Cục Công nghiệp cũng như những doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối (Buyer), nhưng với quy mô thị trường chung còn nhỏ, doanh nghiệp cung ứng gặp khó khăn về nhân sự cũng như vốn đầu tư, việc chuyển đổi sẽ gặp nhiều khó khăn nếu thiếu sự hướng dẫn từ các chuyên gia.
Là một doanh nghiệp nhiều sản phẩm từ nhựa, các chi tiết với độ khó cao, Công ty TNHH Công nghiệp Haast Việt Nam cho biết họ đã phải đầu tư đồng bộ nhà máy và dây chuyền công nghệ cao, với kỳ vọng sẽ kết nối được nhiều đối tác trong và ngoài nước. "Chúng tôi phát triển từ giai đoạn ý tưởng, thiết kế sản phẩm, hợp tác với các hãng nước ngoài trong 3 lĩnh vực. Một là các thiết bị vận chuyển hàng không, tàu thủy, tàu hỏa, ô tô, xe điện và các thiết bị bay hiện đại. Hai là là các đồ gia dụng chất lượng cao. Thứ ba là các mô hình khoa học", ông Dương Nguyên Thành, Phó Chủ tịch phụ trách điều hành Công ty TNHH Công nghiệp Haast Việt Nam cho biết.
Hơn 30 năm phân phối các loại động cơ máy nhập khẩu từ nước ngoài, Weichai Việt Nam cho biết cũng đang tìm kiếm cơ hội để có thể phát triển sâu hơn trong lĩnh vực chế biến chế tạo tại Việt Nam. Vì hiện chưa có nhiều doanh nghiệp trong nước chế tạo được động cơ.
Ông Nguyễn Đức Giang, Giám đốc Marketing - Weichai Việt Nam bày tỏ, là tập đoàn đa quốc gia về chế tạo động cơ, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ tạo điều kiện để xây dựng nhà máy và đặt nền tảng cho nhà máy sản xuất, chế tạo máy tại Việt Nam trong tương lai.
Để gia tăng hiệu quả hoạt động, nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng áp dụng các giải pháp số hóa nhà máy. Thông qua công nghệ, doanh nghiệp có thể theo dõi được toàn bộ quá trình sản xuất, vận hành, nâng cao tính liên kết trong từng dây chuyền. "Có thể nhìn được sản lượng một cách tự động, ghi chép được các vấn đề trong quá trình sản xuất, như máy dừng, máy lỗi, máy hỏng và các điều kiện gia công một cách tự động, thay vì làm bằng tay”- đại diện lãnh đạo Công ty CP Công nghệ ITG Việt Nam cho hay.
Kết nối chuỗi cung ứng bền vững
Về phía đại diện doanh nghiệp sản xuất đầu cuối, ông Nguyễn Trung Hiếu- Phó Trưởng ban đối ngoại Công ty Toyota Việt Nam nhận định, Việt Nam có vị trí thuận lợi cho chung chuyển hàng hóa nhưng dung lượng thị trường chưa cao, khó có thể thuyết phục những nhà cung ứng lớn đầu tư vào.
Các doanh nghiệp cung ứng, doanh nghiệp đầu cuối, chuyên gia đầu ngành thảo luận tại hội thảo
Dịch COVID-19 vừa đem lại khó khăn cho tiêu dùng, sản xuất, nhưng lại là cơ hội để nhà sản xuất đầu cuối và doanh nghiệp cung ứng ngồi lại với nhau, bàn hợp tác chuyên sâu. "Bản thân công ty Toyota khi lựa chọn doanh nghiệp cung ứng cũng sẽ đồng hành luôn cùng họ, từ việc nắm tay chỉ việc cho đến hướng dẫn họ tối ưu hóa nhà xưởng, vận hành con người khoa học", ông Hiếu chia sẻ.
Tương tự Toyota, hãng lớn như Samsung khi đầu tư vào sản xuất ở Việt Nam đã song hành với việc thúc đẩy nhà cung ứng bản địa. Ông Jang Young Ho- Giám đốc hỗ trợ Tổ hợp đối tác của Samsung cho biết kể từ năm 2015 khi bắt đầu hợp tác với Bộ Công Thương để tìm nhà cung ứng cho tổ hợp sản xuất tại Việt Nam, ban đầu mới có vài chục doanh nghiệp thì đến nay con số đã lên tới 322. Trong đó, Samsung đã đào tạo được 327 chuyên gia tư vấn, những chuyên gia này sẽ là nguồn nhân lực đào tạo hiệu quả, giúp đỡ ngược lại cộng đồng doanh nghiệp cung ứng.
Theo Cục Công nghiệp, Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều chính sách mới. Cụ thể, mục tiêu bao trùm trong Nghị quyết số 115/NQ-CP là đến năm 2030, Việt Nam có 2.000 doanh nghiệp nội địa đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp kỳ vọng đây là cú hích lớn để phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam.