Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc: Quyết tâm của tỉnh Lâm Đồng

Ngọc Trang|28/04/2021 09:58

(VLR) Cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng ) dài 67km, là một trong ba dự án thành phần của tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương đang được UBND tỉnh Lâm Đồng ưu tiên dành nguồn lực thực hiện. Nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 4 này, địa phương sẽ sớm triển khai các bước như: lập báo cáo nghiên cứu khả thi, giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà đầu tư, tiến tới hoàn thành dự án vào cuối năm 2024.

Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc là một trong ba dự án thành phần của tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương đang được UBND tỉnh Lâm Đồng ưu tiên dành nguồn lực thực hiện (Ảnh minh họa)

Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc là một trong ba dự án thành phần của tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương đang được UBND tỉnh Lâm Đồng ưu tiên dành nguồn lực thực hiện (Ảnh minh họa)

Đột phá ngay từ giai đoạn “khởi động”

UBND tỉnh Lâm Đồng được Thủ tướng giao là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với Dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dù tuyến nằm trên cả địa phận 2 tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai.

Mang trách nhiệm thực hiện tuyến đường cao tốc mà Đảng bộ, chính quyền và người dân đã chờ đợi trong gần 20 năm qua, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã gửi tờ trình số 1154/TTr-UBND xin Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án ngay trong tháng 02/2021.

Tại tờ trình số 1154/TTr-UBND, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị trong cơ cấu tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn I vào khoảng 16.408 tỷ đồng, ngân sách địa phương sẽ góp 4.500 tỷ đồng, ngân sách Trung ương hỗ trợ 2.000 tỷ đồng, phần còn lại sẽ do nhà đầu tư được lựa chọn huy động bằng vốn chủ sở hữu và vốn vay thương mại. Đây được coi là điểm nhấn đặc biệt bởi phần vốn ngân sách của tỉnh Lâm Đồng chiếm tới 69% trong tổng nguồn ngân sách Nhà nước tham gia giai đoạn I của Dự án. Đây là tỷ lệ góp vốn cao nhất mà một địa phương từng tham gia vào một dự án hạ tầng giao thông triển khai theo phương thức PPP.

Theo ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, phương án này nhận được sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị địa phương. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, việc trung bình mỗi năm tỉnh Lâm Đồng dành khoản ngân sách 900 tỷ đồng trong vòng 5 năm để hỗ trợ Dự án này cho thấy tinh thần quyết tâm cao độ của Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng để đưa Dự án đi vào thực tiễn.

Không chỉ vậy, điểm đặc biệt tại Dự án còn nằm ở cơ chế giải ngân dòng vốn được UBND tỉnh cam kết với Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó, vốn của nhà đầu tư sẽ bỏ ra trước, sau đó mới đến vốn ngân sách địa phương và phần ngân sách Trung ương được sử dụng cuối cùng.

Cách thức sử dụng vốn phân kỳ theo thứ tự như vậy, một lần nữa thể hiện quyết tâm và tinh thần sẻ chia của địa phương đối với khó khăn chung của đất nước và các tỉnh bạn. Mặt khác, “đây là cơ chế mới, chưa có tiền lệ, nhưng chúng tôi đánh giá là cần thiết để các nhà đầu tư phải có trách nhiệm trong việc thể hiện năng lực bản thân”, ông Trần Văn Hiệp nhấn mạnh.

Cũng theo lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, tính đến thời điểm này công tác chuẩn bị đầu tư Dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc diễn ra khá suôn sẻ. Vào đầu tháng 3/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Thủ tướng cho phép thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.

Hiện UBND tỉnh Lâm Đồng đang kỳ vọng Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án muộn nhất trong nửa đầu tháng 4/2021, tạo tiền đề cho địa phương triển khai các bước kế tiếp như lập báo cáo nghiên cứu khả thi, giải phóng mặt bằng và lựa chọn nhà đầu tư. Mục tiêu là dự án được hoàn thành vào cuối năm 2024.

Thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội và định hình tương lai

Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc hoàn thành sẽ kết nối toàn bộ Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Khi đó, phương tiện di chuyển từ TP. HCM đi Lâm Đồng được rút ngắn từ 6 giờ xuống còn 3 giờ đồng hồ, tiết kiệm thời gian và nguyên liệu. Kinh tế - xã hội của địa phương qua đó cũng được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển từ du lịch Đà Lạt, nông nghiệp, logistics,…

Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc hoàn thành sẽ kết nối toàn bộ Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (Ảnh minh họa)

Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc hoàn thành sẽ kết nối toàn bộ Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (Ảnh minh họa)

Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam và tất cả lãnh đạo qua các thời kỳ đều xác định nếu con đường này được hình thành, sẽ góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội và định hình tương lai của tỉnh Lâm Đồng không những trong 5 năm, 10 năm trung hạn mà phải nói là cho cả một tầm nhìn.
Ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: “Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam và tất cả lãnh đạo qua các thời kỳ đều xác định nếu con đường này được hình thành, sẽ góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội và định hình tương lai của tỉnh Lâm Đồng không những trong 5 năm, 10 năm trung hạn mà phải nói là cho cả một tầm nhìn”.

Tính cấp thiết của Dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc được khẳng định tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc ngày 22/01/2021 về việc triển khai Dự án: “Chính phủ nhận định, đây là công trình có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của tỉnh Đồng Nai và tỉnh Lâm Đồng cũng như khu vực Tây Nguyên. Việc sớm triển khai dự án sẽ giải quyết được nút thắt lớn nhất của Quốc lộ 20 đoạn qua đèo Bảo Lộc, có độ dốc lớn, hẹp, quanh co nhiều khúc cua nguy hiểm và thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thời tiết trong mùa mưa gây sạt lở đất, nhiều năm qua chưa giải quyết được”.

UBND tỉnh Lâm Đồng đã chủ động phối hợp với các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm và tài chính đảm bảo trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ như Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Miền Trung để tham vấn và đề xuất Dự án. Đồng thời, đẩy nhanh công tác làm việc với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương để xúc tiến kịp thời thủ tục đầu tư.

Với sự đồng lòng nỗ lực của các bên, có cơ sở để tin rằng ước mơ và khát khao bao lâu nay của người dân, của các dân tộc tỉnh Lâm Đồng về con đường cao tốc sẽ được hiện thực hóa trong một tương lai không xa.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc: Quyết tâm của tỉnh Lâm Đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO