Dự án sân bay Long Thành: Tháo gỡ điểm ngẽn đẩy nhanh tiến độ

02/08/2017 14:03

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Ngày 19.6.2017, với 82,08% số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thành Dự án thành phần. Đây là cơ sở nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, đặc biệt trong bối cảnh sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải.

(Vietnam Logistics Review) Ngày 19.6.2017, với 82,08% số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thành Dự án thành phần. Đây là cơ sở nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, đặc biệt trong bối cảnh sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải.

Sẽ lãng phí nếu chậm trễ

Báo cáo tại Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa cho biết, dự án có quy mô đầu tư đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 05 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư là 336.630 tỷ đồng được thực hiện theo 3 giai đoạn, dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2025. Tổng diện tích đất thu hồi 5.614,65 ha.

Theo giải trình, nếu đợi phê duyệt báo cáo khả thi (dự kiến vào năm 2019), tiến độ dự án sẽ chậm 3 năm, chưa kể chi phí sẽ tăng thêm do giá đất tăng; đời sống của người dân và hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp vùng dự án gặp nhiều khó khăn do quyền sử dụng đất bị hạn chế; hạ tầng vật chất kỹ thuật không được đầu tư. Vì vậy, Chính phủ xin tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC) của Dự án thành dự án thành phần để thực hiện độc lập, song song với Báo cáo nghiên cứu khả thi.

Thảo luận chiều ngày 1.6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và nhiều đại biểu cho rằng việc tách dự án là cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn hội nhập. Nếu để càng lâu sẽ ảnh hưởng và có nhiều hệ lụy. “Theo dự toán lúc đầu toàn bộ dự án là 12 nghìn tỷ đồng, nhưng khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư con số đã là 18 nghìn tỷ và đến nay là hơn 23 nghìn tỷ, đương nhiên có phần bổ sung 600 ha đất để phục vụ TĐC”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu.

Ông Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng, Quốc hội cần ủng hộ Chính phủ, nếu chậm 1 năm không làm, chi phí sẽ tăng thêm 30%, lãng phí cơ hội. Do đó, nhanh được tháng nào sẽ tăng được lợi ích được ngần ấy. Quan trọng hơn là để thúc đẩy kinh tế đất nước trong bối cảnh hội nhập vì thực trạng sân bay của Việt Nam chỉ như sân bay xóm, sân bay xã.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Hồng Hải (Bình Thuận) cho rằng hiện khu vực phía Nam, có tốc độ tăng trưởng kinh tế dẫn đầu cả nước tuy nhiên sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải. Tình trạng chậm chuyến, bay lòng vòng trong giờ cao điểm ngày càng tăng lên gây thiệt hại kinh tế lớn và an ninh hàng không. Năm 2016, sân bay đón 32 triệu hành khách. Nếu có mở rộng cũng sẽ đầy tải không đáp ứng được nhu cầu vận tải hành khách cũng như hàng hóa trong tương lai gần. Trong khi đó các sân bay nước như Malaysia, Singapore đã có thiết kế đón 100 - 130 triệu hành khách/năm.

Dự án có quy mô đầu tư đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 05 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư là 336.630 tỷ đồng được thực hiện theo 3 giai đoạn, dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2025. Tổng diện tích đất thu hồi 5.614,65 ha.

Băn khoăn về nguồn vốn

Hầu hết các đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết phải tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành dự án thành phần thực hiện độc lập để đẩy nhanh tiến độ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng mong muốn của những người dân trong vùng dự án, đồng thời tránh lãng phí nguồn lực do đội vốn, cũng như nhiều cơ hội khác tuy nhiên họ cũng còn nhiều băn khoăn về nguồn vốn thực hiện.

Theo dự toán chi phí cho dự án thành phần là 23.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay mới có 5.000 tỷ vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, số còn lại sẽ lấy ở đâu ra? Ông Nguyễn Hồng Hải (Bình Thuận) đề nghị Chính phủ cần chỉ rõ cơ cấu nguồn tiền lấy ở đâu khi dự án này không thể sử dụng vốn ODA hay xã hội hóa. Mặt khác, khi có quyết định thu hồi đất phải trả tiền cho dân ngay. Nếu để lâu, dân không đồng ý sẽ rất phức tạp.

Để giải quyết vấn đề về vốn, ông Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, theo giải trình của Chính phủ, ngoài 5.000 tỷ vốn có thể thu thêm 4.000 tỷ từ tiền thu hồi đất, thu tiền sử dụng đất của phần dự án tái định cư và thu được khoảng 1.000 tỷ là tiền thuê mặt bằng thương mại, dịch vụ và 500 tỷ đồng từ việc cho thuê diện tích đất giải phóng xong chưa dùng đến. Mặt khác có thể huy động nguồn từ việc chuyển nhượng đất trên cơ sở quy hoạch các khu đô thị lân cận.

Còn ông Phạm Minh Chính (Quảng Ninh) lại đề xuất Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội cho cơ chế đặc thù và tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên trên phạm vi cả nước trên cơ sở giảm đầu tư mối và giảm biên chế theo tinh thần nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. Chỉ cần tiết kiệm 1%/năm có thể tiết kiệm được trên 10.000 tỷ đồng.

Cùng quan điểm này, ông Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cho rằng nên ủng hộ Chính phủ kiến tạo. Việc đầu tư có thể tăng nợ công quốc gia nhưng cần có quan điểm mới về trần nợ công theo hướng mở. Chúng ta xây dựng và phát triển thì chúng ta cần vốn nhiều hơn. Vấn đề là phải giám sát, quản lý chặt chẽ, công khai minh bạch, chống lợi ích nhóm, sử dụng vốn hiệu quả. “Đề nghị Chính phủ phải có gan, có gan mới có thể làm giàu, mạnh dạn trình ra cho Quốc hội một cách thức thu hồi vốn và trả nợ vay để tránh tâm lý nặng nề hiện nay nợ công cao, cho nên không dám làm gì”, ông Kim nhấn mạnh.

Một số đại biểu cũng đưa ra giải pháp khác như nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn với điều kiện Chính phủ phải có phương án rõ ràng, hiệu quả và cam kết đảm bảo kế hoạch thu, không phá vỡ kế hoạch vốn đầu tư trung hạn.

Câu chuyện tầm nhìn

Xét về mặt trách nhiệm thì những băn khoăn trên không phải không có lý. Tuy nhiên, chúng ta cần một cái nhìn xa và rộng hơn vì sự phát triển bền vững của nước nhà. Theo ông Cao Đình Thưởng, nhớ lại thời điểm năm 1992, nếu cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt không sáng suốt quyết định đầu tư đường dây 500kV mạch 1, có lẽ diện mạo đất nước, nhất là miền Nam chưa chắc đã như ngày hôm nay. Công trình đường dây 500kV Bắc - Nam lúc đó cũng là siêu dự án với vốn đầu tư là 5.500 tỷ đồng (tương đương 544 triệu USD). Khó khăn chồng chất từ ngân sách eo hẹp, điều kiện thi công xây dựng, các yếu tố kỹ thuật khác đến sự phản đối kịch liệt của một số nhà khoa học, nhân dân về tính khả thi, hiệu quả của dự án. Tuy nhiên, chỉ sau hơn hai năm thi công, dự án đã hoàn thành góp phần đưa khoảng 2 tỷ kWh từ miền Bắc vào miền Nam. Sau 3 năm vận hành, công trình đã hoàn vốn. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho tầm nhìn và quyết định đúng đắn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Trở lại câu chuyện đầu tư cảng hàng không quốc tế Long Thành là một ví dụ tương tự. Mặc dù đã có định hướng quy hoạch từ 2005 nhưng phải mất 10 năm sau, Quốc hội mới thông chủ trương đầu tư dự án. Theo kế hoạch phải đến 2025 mới bắt đầu tư đi vào vận hành khai thác giai đoạn 1 (nếu tiến độ dự án đảm bảo).

Theo báo cáo của Cục Hàng không, năm 2016, thị trường hành khách ngành hàng không đã tăng trưởng mạnh, ước đạt 52,2 triệu khách, tăng trên 29% so năm 2015. Khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 1,4 triệu tấn, trong đó vận chuyển nội địa đạt gần 1 triệu tấn. Hiện đã có 58 hãng hàng không tham gia thị trường Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, đội tàu bay của các hãng hàng không trong nước là hơn 150 chiếc.

Theo báo cáo của Cục Hàng không, năm 2016, thị trường hành khách ngành hàng không đã tăng trưởng mạnh, ước đạt 52,2 triệu khách, tăng trên 29% so năm 2015. Khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 1,4 triệu tấn, trong đó vận chuyển nội địa đạt gần 1 triệu tấn. Hiện đã có 58 hãng hàng không tham gia thị trường Việt Nam.

Mặc dù đã đạt được những thành quả nhất định song ngành vận tải hàng không vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế khi chi phí quá cao, sức cạnh tranh còn yếu so với nhiều nước trong khu vực. Do đó, việc đẩy nhanh tiến độ cảng hàng không quốc tế Long Thành là sự cấp thiết. Hy vọng rằng từ nay cho đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ sẽ hoàn thiện xong báo cáo khả thi trình Quốc hội thông qua nhằm bắt tay ngay vào công việc, có như vậy mới đạt được mục tiêu đề ra.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Dự án sân bay Long Thành: Tháo gỡ điểm ngẽn đẩy nhanh tiến độ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO