(Vietnam Logistics Review)BR-VT nằm ngay trên tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng, khoảng giữa Hồng Kông và Singapore. Do vậy khu cảng Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) rất thuận lợi, có khả năng đóng vai trò quan trọng không chỉ trong phạm vi quốc gia, mà có thể cùng Hồng Kông và Singapore phục vụ các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Với vị trí địa lý hết sức thuận lợi như vậy cần có quy hoạch xây dựng và phát triển khu cảng CM-TV, không chỉ đóng vai trò là cửa ngõ ra biển của khu vực miền Đông Nam bộ, mà còn hướng tới mục tiêu trở thành một mắt xích quan trọng của tuyến hàng hải quốc tế nói trên.
Theo quy hoạch khu vực CM-TV có tổng cộng 38 dự án cảng tổng hợp, container. Hiện đã có 17 bến cảng tổng hợp, container đang hoạt động, trong đó 11 bến cảng tổng hợp với công suất 21,3 triệu tấn và 6 bến container công suất 6,8 triệu TEU. Tuy nhiên hiện nay khai thác chỉ đạt chưa tới 20% công suất thiết kế của cảng. Kết quả trên còn rất khiêm tốn so với khả năng của khu cảng. Như vậy còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết để có được một khu cảng như mong muốn.
CM-TV là một cảng nước sâu, có thể tiếp nhận các tàu trọng tải lớn. Đây là một điều kiện mà các cảng nằm sâu trong đất liền, thí dụ Hải Phòng, Cần Thơ,... không có được. Để tận dụng được điều kiện tự nhiên của khu cảng, có thể xây dựng một chiến lược gồm hai bước như sau:
1. Trước tiên xây dựng khu cảng là cửa ngõ xuất nhập khẩu chính cho vùng kinh tế Đông Nam bộ.
2. Tiếp theo là phát triển thành cảng trung chuyển quốc tế.
Có ba nhóm giải pháp cho việc phát triển khu cảng CM-TV:
I. Nhóm giải pháp về hạ tầng cơ sở
1. Đầu tư xây dựng phát triển hệ thống giao thông nối khu cảng với hệ thống giao thông quốc gia
Hiện tại khu cảng được nối với hệ thống GTVT qua đường bộ và đường thủy. Đường bộ chủ yếu là quốc lộ 51 nối với Biên Hòa, và qua đường cao tốc Dầu Giây - Long Thành nối với TP.HCM. Đường thủy qua hệ thống sông Thị Vải, sông Đồng Nai và sông Sài Gòn có thể nối khu cảng với các tỉnh Đồng Nai, TP.HCM, và các tỉnh miền Tây.
Việc nâng cao khả năng vận chuyển qua các tuyến đường trên là hết sức quan trọng với việc khai thác cảng tại khu vực này. Hệ thống đường thủy có thể nối với các cảng quan trọng như Tân Cảng, Đồng Nai,... để rút và nhận hàng, đặc biệt là container. Như vậy việc phát triển đường thủy và phối kết hợp với các cảng trên là một giải pháp quan trọng cho việc khai thác cảng của khu CM-TV.
Trong tương lai nếu không có đường sắt nối với khu vực CM-TV thì việc rút hàng, nhận hàng rất khó khăn, đặc biệt là với hàng rời, không chứa trong container.
2. Đầu tư xây dựng khu hậu phương cảng
Khu hậu phương của cảng bao gồm hệ thống kho bãi trong và ngoài cảng với các thiết bị phù hợp để xếp dỡ và bảo quản hàng. Là nơi nhận hàng dỡ từ tàu, và gom hàng để xếp xuống tàu. Vì vậy khu hậu phương không chỉ làm tăng khả năng thông qua cảng mà còn góp phần giải phóng tàu nhanh. Với các cảng lớn, một hệ thống kho bãi, cảng vệ tinh giúp nâng cao rất nhiều năng lực thông qua cảng chính. Do vậy Khu cảng CM-TV cần nghiên cứu xây dựng khu hậu phương bên ngoài cảng, có sự phối hợp chặt chẽ với với các cảng Đồng Nai, Tân Cảng, và các ICD tại TP.HCM, Đồng Nai.
3. Đầu tư xây dựng các cơ sở dịch vụ và công nghiệp
phụ trợ
Kho bãi cảng khu vực hậu phương bản chất là các trung tâm dịch vụ logistics, do vậy cần xây dựng các đơn vị cung cấp các dịch vụ logistics đủ mạnh để phục vụ khai thác các trung tâm này.
Những cơ sở sửa chữa tàu biển, phương tiện vận tải xếp dỡ, vỏ container góp phần quan trọng cho việc hoạt động khai thác khu cảng.
II. Nhóm giải pháp về khai thác
Cảng chỉ phát triển nếu thu hút được hàng hóa và tàu đến cảng, đây cũng chính là nhiệm vụ của khai thác cảng. Hiện nay hình thức chạy tàu chuyên tuyến theo lịch (line) đã khiến hệ thống vận tải biển của thế giới thành một mạng lưới bao trùm các châu lục. Trong hệ thống này có hai cấp độ là các tuyến chính (main line) và các tuyến phụ, gom hàng cho các tuyến chính
(feeder). Các tàu lớn (main line) có chở hàng cho Việt Nam chỉ ghé Hồng Kông, Singapore, còn các feeder chở hàng gom về hai cảng đó để các tàu lớn vận chuyển đi xa. Hàng từ nước ta đi châu Âu, châu Mỹ thường được gom đến Hồng Kông, Singapore để cho tàu mẹ.
Các tàu lớn của mainline chỉ có thể ghé vào cảng nếu cảng cung ứng đủ số lượng yêu cầu, và chất lượng phục vụ phải đảm bảo. Chất lượng ở đây chủ yếu là thời gian giải phóng tàu và chi phí xếp dỡ phục vụ tàu. Việc giảm giá xếp dỡ phục vụ là một yếu tố quan trọng trong việc thu hút tàu, nhưng thời gian giải phóng tàu là vấn đề mà các mainline quan tâm nhất.
Do vậy về khai thác, cần phải giải quyết song song hai việc là trang bị các thiết bị xếp dỡ cho các tuyến tiền phương của cảng có thể làm việc với năng suất cao, giá thành hạ, và gom đủ hàng để xuất. Hiện nay hàng hóa đang được xuất tại nhiều cảng khác nhau của ta, nên nguồn hàng cũng phân tán. Việc gom hàng về một khu vực sẽ tạo ra những khối lượng hàng lớn hơn, giúp hạ giá thành xếp dỡ hàng hóa. Nhưng để làm việc này ngành hàng hải cần có sự quy hoạch, phân công giữa các cảng trong cả nước.
Khi kéo được các tàu lớn của main line vào cảng, sẽ xuất hiện các nhu cầu làm hàng trung chuyển, nghĩa là hàng hóa từ các nơi khác, không chỉ riêng của VN, sẽ được đưa về đây để xếp lên tàu mẹ.
III. Nhóm giải pháp khác
Việc quy hoạch khu vực CM-TV cho 38 dự án, có lợi là phân nhỏ vốn đầu tư, do vậy dễ thu hút đầu tư hơn. Tuy nhiên chia nhỏ ra cũng làm yếu khu vực này vì hai lý do:
- Mỗi dự án sẽ hình thành một cảng nhỏ có chiến lược kinh doanh khai thác khác nhau. Do đó sẽ khó có thể xây dựng được chiến lược chung toàn khu vực;
- Hạ tầng cơ sở như cầu tàu, bến bãi bị chia nhỏ khó cho việc xây dựng một khu cảng lớn.
Do vậy cũng cần suy tính phương án tổ chức sao cho các dự án có thể chung một chiến lược cả về đầu tư xây dựng cũng như khai thác.
Phát triển đồng bộ khu vực cảng CM-TV là một vấn đề lớn và phức tạp cần có sự nỗ lực tham gia của không chỉ riêng tỉnh BR-VT, mà của cả ngành GTVT, và các tỉnh, thành phố. Cần có sự đầu tư nghiên cứu các lĩnh vực như đã nêu trên để có thể có được những giải pháp đồng bộ cụ thể.