Gỡ khó cho sản xuất và chế biến nông, thủy sản tại Cần Thơ

Tấn Phong|23/01/2024 14:01

Mặc dù ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ đã tập trung đồng bộ nhiều giải pháp để cải thiện chất lượng sản xuất, chế biến và nâng cao giá trị nông, thủy sản của thành phố nhưng thực tế cho thấy vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.

Những kết quả đạt được

Trong giai đoạn 2021 – 2025, ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ đã và đang tập trung thực hiện tái cơ cấu lại theo hướng chuyển từ số lượng sang chất lượng nhằm nâng cao giá trị, phát triển vùng nguyên liệu nông sản tập trung đạt tiêu chuẩn để phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Đối với cây lúa: Tổng diện tích lúa sản xuất năm 2023 đạt trên 216.216 ha, sản lượng đạt 1,37 triệu tấn. Trong đó, sử dụng các giống lúa đặc sản chất lượng cao, lúa thơm chiếm tỷ lệ trên 90%; một số vùng sản xuất lúa chuyên canh, tập trung nổi bật như Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh với diện tích cánh đồng mẫu lớn hiện nay đạt khoảng 55.000 ha. Đến nay, trong sản xuất lúa, hầu như 100% các khâu làm đất, thu hoạch… đã được cơ giới hóa. Các khâu gieo sạ, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu gom rơm… cũng từng bước được cơ giới hóa với tỷ lệ ngày càng cao và theo hướng đồng bộ.

ctho-2-1-.jpg
Trong sản xuất lúa, hầu như 100% các khâu làm đất, thu hoạch… đã được cơ giới hóa

Đối với cây ăn trái: Tổng diện tích cây ăn trái năm 2023 đạt 24.500 ha, sản lượng khoảng 195.000 tấn. Trong đó, hình thành vùng sản xuất cây ăn trái chủ lực, cùng sản phẩm đặc trưng có thương hiệu với diện tích gần 12.000 ha, đạt sản lượng trên 130 ngàn tấn gồm các loại cây như: Dâu Hạ Châu, Sầu riêng Tân Thới, Xoài cát Hòa Lộc Sông Hậu, Nhãn Thái Thanh, Vú sữa Trường Khương.... Diện tích, sản lượng, chất lượng của các loại trái cây không ngừng gia tăng qua các năm nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật và tăng cường sử dụng giống mới. Theo đó, đến nay, thành phố đã cấp và đang quản lý 94 mã vùng trồng của 17 đơn vị trên các loại cây trồng như nhãn, vú sữa, xoài xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Úc, Trung Quốc, EU, 08 cơ sở đóng gói; có 38 vùng trồng và 05 cơ sở đã hoàn thành hồ sơ đăng ký.

ctho-3-1-.jpg
Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP

Đối với cây hàng năm khác: Tổng diện tích gieo trồng năm 2023 của Cần Thơ đạt 17.346 ha, với sản lượng thu hoạch đạt 205.030 tấn. Theo đó, Cần Thơ đã hình thành vùng chuyên canh rau màu tập trung với diện tích 229 ha, sản lượng 28.390 tấn; trong đó, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và tương đương là 18 ha (với diện tích rau màu chiếm 17 ha, diện tích trồng nấm là 01 ha).

Đối với chăn nuôi: Tổng đàn gia súc (trâu, bò, heo) trong năm 2023 đạt gần 142.000 con, trong đó, đàn heo chiếm tỷ lệ cao nhất, với hơn 137.000 con. Đối với gia cầm, tổng đàn gia cầm năm 2023 đạt hơn 2,4 triệu con. Theo đó, tổng sản lượng thịt hơi các loại hiện là 28.500 tấn, trong đó: thịt gia súc hơn 20.000 tấn; thịt gia cầm gần 8.500 tấn; trứng gia cầm các loại hơn 94 triệu quả. Những năm qua, ngành chăn nuôi Cần Thơ ngày càng có những chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, tập trung theo chuỗi khép kín, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; phát triển chăn nuôi theo quy trình VietGAP. Cụ thể, toàn thành phố hiện có 276 trang trại chăn nuôi, 04 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi. Đồng thời, cũng đã triển khai hỗ trợ xây dựng 09 mô hình chăn nuôi đạt chứng nhận VietGAP và 12 mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật.

Đối với thủy sản: Tổng diện tích nuôi thủy sản năm 2023 đạt hơn 9.000 ha, sản lượng nuôi trồng đạt gần 230.000 tấn. Theo đó, sản xuất thủy sản tại Cần Thơ hiện được thực hiện theo quy hoạch vùng nuôi, chú trọng phát triển nuôi các đối tượng thủy sản chủ lực. Bên cạnh đó, Cần Thơ còn đẩy mạnh hướng dẫn các cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản áp dụng quy trình, kỹ thuật nuôi đáp ứng tiêu chuẩn ATTP, đảm bảo nguồn cung hàng hóa thủy sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Hiện nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm như: VietGAP, ASC,… tại Cần Thơ đạt 268 ha. Ngoài ra, các cơ quan chức năng của thành phố còn đang tiếp tục hoàn thiện, chuẩn hóa vùng nuôi cá tra tập trung tại Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh, với tổng diện tích khoảng 700 ha, với sản lượng gần 200.000 tấn.

ctho-5-1-.jpg
Hiện nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm như: VietGAP, ASC,… tại Cần Thơ đạt 268 ha

Đồng thời, trong giai đoạn 2018-2023, ngành nông nghiệp thành phố đã xây dựng được 99 Chuỗi cung ứng thực phẩm nông, thủy sản an toàn, với 18 chuỗi cung ứng thủy sản, 81 chuỗi cung ứng nông sản. Theo đó, trong năm 2023, thành phố đã xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 158/266 sản phẩm, và 133/266 sản phẩm sản xuất ban đầu là nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu (cá tra, cá thát lát, ếch, lươn, thanh nhãn, xoài, nhãn,…).

Cùng với đó, lĩnh vực chế biến nông sản tại Cần Thơ hiện cũng khá phát triển, với hơn 44 doanh nghiệp đủ điều kiện chế biến xuất khẩu gạo; 45 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản. Riêng ngành nông nghiệp hiện đang quản lý hơn 478 cơ sở sơ chế, chế biến nông sản, thủy sản tiêu thụ nội địa; sản lượng bình quân đối với từng nhóm, ngành hàng cụ thể như sau:

Thực vật và sản phẩm từ thực vật: Các sản phẩm sơ chế, chế biến từ thực vật đạt 5.890 tấn/năm; sản lượng gạo đạt 1,9 triệu tấn/năm; đối với rau, củ, quả các loại đạt 16.413 tấn/năm. Theo đó, tổng tích lượng kho chứa của 44 doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia xuất khẩu gạo trực tiếp là 458.823 tấn thóc, 873.302 tấn gạo, Ngoài ra, còn có 51 cơ sở xay xát lúa, với công suất 788 tấn/giờ; 65 cơ sở lau bóng, xát trắng đạt công suất 1.185 tấn/giờ.

Động vật và sản phẩm từ động vật: Các sản phẩm sơ chế, chế biến từ động vật heo, bò: pate, chả lụa, xúc xích, heo quay… hiện đạt khoảng 890 tấn/năm; trong đó, các sản phẩm sơ chế, chế biến từ gia cầm, với trọng lượng trung bình 3kg/con đạt 131,3 tấn/năm; các sản phẩm khác như hột vịt muối, hột vịt bắc thảo đạt 66.084.000 trứng/năm.

Thủy sản và sản phẩm từ thủy sản: Sản lượng sản phẩm thủy sản sơ chế từ tôm và cá tra đạt 2.500 tấn/năm. Ngoài ra, các sản phẩm thủy sản đã qua chế biến như khô, chả cá, nước mắm… đạt 4.000 tấn/năm.

ctho-4-1-.jpg
Sản lượng sản phẩm thủy sản sơ chế từ tôm và cá tra đạt 2.500 tấn/năm

Vẫn còn nhiều hạn chế

Nhìn chung, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại một số hạn chế như:

Một số nguyên liệu vật tư đầu vào vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài nên chi phí sản xuất cao; tính đồng bộ về chất lượng còn thấp do đặc điểm diện tích sản xuất nhỏ lẻ vẫn còn chiếm tỷ lệ cao làm giảm khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm nông sản; các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất hiệu quả chưa thật sự ổn định.

Bên cạnh đó, việc thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm mặc dù đã được chỉ đạo, tuyên truyền thực hiện thường xuyên, tuy nhiên diện tích bao tiêu sản phẩm chưa nhiều. Tình trạng tự ý “bẻ kèo”, phá vỡ hợp đồng liên kết còn phổ biến.

Đồng thời, đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn tuy có quan tâm nhưng chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp của thành phố. Ngoài ra, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư từ doanh nghiệp cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, công tác triển khai chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

Mặt khác, các doanh nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn chưa quan tâm đầu tư, cải thiện công nghệ kỹ thuật trong sản xuất. Do đó, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, công nghệ chế biến tinh, chế biến sâu các loại nông sản còn nhiều hạn chế, khiến cho các sản phẩm nông, thủy sản của thành phố chủ yếu là sản phẩm thô, giá trị gia tăng rất thấp, lợi nhuận mang lại không cao.

Nhiều giải pháp được đề ra

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông, thủy sản, thành phố Cần Thơ đã đề ra nhiều giải pháp nhằm thu hút các công nghệ mới, công nghệ chuyên sâu có tính dẫn dắt trong lĩnh vực sản xuất và chế biến nông sản như:

Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới trong bảo quản nông sản. Điển hình như công nghệ CAS (Cells Alive System – Hệ thống tế bào còn sống), đây là một trong những phương pháp bảo quản nông sản sau thu hoạch hiệu quả nhất hiện nay.

Đẩy mạnh hoạt động chế biến sâu các sản phẩm nông, thủy sản như: tận dụng phụ phẩm thủy sản, nghiên cứu sản xuất các loại nguyên liệu cho ngành công nghiệp thực phẩm như: Geltatin, Collagel, Chitin, trích xuất làm nước cốt chế biến gia vị, nước chấm; khuyến khích nghiên cứu tận dụng sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng công nghệ mới để sấy, chế biến các sản phẩm nông sản từ rau, quả, trái cây có giá trị cao như: khoai lang, sầu riêng, mít chuối, xoài… Ngoài ra, chế biến sâu các sản phẩm dinh dưỡng cao cấp từ gạo như: sữa gạo, bánh gạo, thanh gạo dinh dưỡng phối trộn dược liệu… Khuyến khích nghiên cứu trích xuất các dược chất từ các loại cây dược liệu gắn với ngành nghề cho thuê kho (thường, mát, lạnh..) phục vụ bảo quản nông sản. Tổ chức dịch vụ vận chuyển thu mua phân phối nông sản.

Đồng thời, đầu tư hệ thống xử lý kiểm dịch phục vụ xuất khẩu song hành với cơ sở đóng gói và có khu vực để cơ quan quản lý về kiểm dịch thực hiện công tác giám sát, thực hiện kiểm dịch trước khi xử lý các lô hàng nông sản như: công nghệ chiếu xạ; công nghệ Vapor heat treatment (VHT) là một hệ thống kèm phương pháp xử lý nhiệt để xử lý kiểm dịch thực vật, được sử dụng để tiêu diệt các loại sâu bệnh và vi sinh vật có hại trong trái cây và rau quả trước khi xuất khẩu; buồng xông hơi methyl bromide lạnh bao gồm phương pháp khử trùng hàng hóa bằng cách sử dụng hoạt chất methyl bromide và buồng xông hơi được điều chỉnh nhiệt độ theo yêu cầu của nước nhập khẩu...

ctho-6-1-.jpg
Quy hoạch thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với hy vọng tạo ra động lực phát triển kinh tế - xã hội lớn cho địa phương này

Đặc biệt, thành phố đang xem xét đề xuất kêu gọi đầu tư Trung tâm thương mại đầu mối, đấu giá nông sản với mục đích quảng bá, liên kết tạo điều kiện cho doanh nghiệp trưng bày, bán sản phẩm, tham gia đấu giá thu mua nông sản cấp vùng. Cùng với đó, là cung cấp thông tin thương mại nông sản, dự báo thị trường và tư vấn hồ sơ pháp lý, quy định thị trường nội địa, xuất khẩu. Hỗ trợ số hóa, truyền thông và kinh doanh thương mại điện tử.

Bài liên quan
  • Cần Thơ: Nỗ lực gỡ “điểm nghẽn” hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển
    Kết cấu hạ tầng giao thông là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và cần được ưu tiên đầu tư để tạo tiền đề phát triển. Những năm qua, Trung ương và thành phố Cần Thơ luôn ưu tiên tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ yêu cầu phát triển thành phố Cần Thơ đúng với vai trò là động lực tăng trưởng, lan tỏa sự phát triển cho toàn vùng ĐBSCL.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Gỡ khó cho sản xuất và chế biến nông, thủy sản tại Cần Thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO