Cần Thơ: Nỗ lực gỡ “điểm nghẽn” hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển

Tấn Phong|10/01/2024 07:30

Kết cấu hạ tầng giao thông là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và cần được ưu tiên đầu tư để tạo tiền đề phát triển. Những năm qua, Trung ương và thành phố Cần Thơ luôn ưu tiên tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ yêu cầu phát triển thành phố Cần Thơ đúng với vai trò là động lực tăng trưởng, lan tỏa sự phát triển cho toàn vùng ĐBSCL.

Kết cấu hạ tầng giao thông là bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Những năm qua, Trung ương và Cần Thơ luôn ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nhằm phát triển Cần Thơ đúng với vai trò là động lực tăng trưởng cho toàn vùng ĐBSCL.

Vẫn còn nhiều điểm nghẽn

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã đầu tư xây dựng hoàn thành một số dự án trọng điểm, giúp tăng cường khả năng kết nối, liên kết vùng, khơi thông điểm nghẽn về giao thông vận tải như: Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ, Cảng Cái Cui, Cầu Cần Thơ, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 91B, Quốc lộ Nam Sông Hậu, Quốc lộ 91B, cầu Vàm Cống, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, đường Võ Văn Kiệt, đường Võ Nguyên Giáp, đường Bốn Tổng - Một Ngàn, đường nối thành phố Cần Thơ với tỉnh Hậu Giang.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, kết cấu hạ tầng giao thông của thành phố vẫn chưa đồng bộ, hiện đại, khả năng kết nối với các tỉnh vùng ĐBSCL và vùng Đông Nam Bộ vẫn còn một số điểm nghẽn cả về đường bộ, đường thủy, đường biển, đường hàng không, đường sắt, cụ thể như sau:

ct-1-1-.jpg
Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi chuẩn bị được nâng thành đường cao tốc (Nguồn:baotintuc.vn)

Về đường bộ: tuyến cao tốc trục dọc Bắc - Nam phía Tây chưa đạt cấp kỹ thuật đường cao tốc. Hiện nay, đang triển khai nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ và tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi thành đường cao tốc; tuyến cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đang triển khai đầu tư. Bên cạnh đó, một số tuyến quốc lộ kết nối các tỉnh vùng ĐBSCL qua địa bàn thành phố Cần Thơ như Quốc lộ 91, Quốc lộ Nam Sông Hậu, Quốc lộ 61C có quy mô cấp kỹ thuật nhỏ chưa đáp yêu cầu kết nối đồng bộ, thông suốt và thường xuyên ùn tắc tại một số đoạn tuyến đường qua đô thị.

Về đường thủy nội địa: hiện có 02 tuyến liên tỉnh kết nối TPHCM với Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL; tuyến liên tỉnh 1 từ TPHCM đến Cà Mau (qua địa bàn Cần Thơ theo sông Hậu và kênh Xà No); tuyến liên tỉnh 2 từ TPHCM đến Kiên Giang (qua địa bàn Cần Thơ theo sông Hậu và kênh Rạch Sỏi); cả 02 tuyến này đều đi qua kênh Chợ Gạo là tuyến quốc gia kết nối Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL với TPHCM và Đông Nam Bộ nhưng chưa được xây dựng hoàn chỉnh. Đây chính là điểm nghẽn về kết nối nội vùng và liên vùng, tình trạng quá tải, ùn tắc thường xuyên diễn ra, khó khăn cho việc vận chuyển hàng hóa tươi sống như trái cây, thủy hải sản. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang triển khai dự án nâng cấp hoàn chỉnh kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 để khai thông điểm nghẽn này.

Về đường hàng hải: cảng biển Cần Thơ chưa được nhiều doanh nghiệp cảng quan tâm tham gia đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng hoàn chỉnh theo quy hoạch. Điều này dẫn đến chưa phát huy hiệu quả khai thác và chưa thu hút được nguồn hàng hóa của cả vùng ĐBSCL, chưa mở được các chuyến tàu container từ cảng biển Cần Thơ đi quốc tế. Nguyên nhân chủ yếu là luồng cho tàu biển ra vào sông Hậu chưa xây dựng hoàn chỉnh đạt độ sâu -6,5m cho tàu tải trọng 20.000 tấn lưu thông. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang triển khai dự án xây dựng hoàn chỉnh luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2 đáp ứng cho tàu tải trọng 20.000 tấn lưu thông và nghiên cứu triển khai dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ đáp ứng cho tàu tải trọng 10.000 tấn trở lên lưu thông.

ct-2-1-.jpg
Một góc Cảng Cái Cui – Cần Thơ (Nguồn: bsc.com.vn)

Về đường hàng không: Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ vẫn chưa phát triển nhiều đường bay nội địa, quốc tế (hiện nay đang khai thác 09 đường bay nội địa đi/đến Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc, Côn Đảo, Hải Phòng, Đà Lạt, Vinh - Nghệ An, Cam Ranh, Buôn Mê Thuột; 01 đường bay quốc tế đến Hàn Quốc) và chưa phát huy hiệu quả khai thác cao. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có chính sách hỗ trợ để khuyến khích các hãng bay mở thêm nhiều đường bay mới; chưa phát triển các loại hình dịch vụ gắn với cảng hàng không; chưa xây dựng các công trình thiết yếu của cảng hàng không.

Về đường sắt: chưa có tuyến đường sắt quốc gia để phục vụ vận tải hành khách và hàng hóa khối lượng lớn kết nối thành phố Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL với TPHCM, miền Đông Nam Bộ và cả nước; hiện nay Bộ Giao thông vận tải đang lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đường sắt TPHCM - Cần Thơ để làm cơ sở triển khai đầu tư.

Nhiều nỗ lực từ các cấp, các ngành

Nhằm tiếp tục đầu tư xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông làm tiền đề, làm động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố, các cấp, các ngành thành phố đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, thường xuyên kiến nghị, đề xuất Trung ương ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng các dự án giao thông trọng điểm mang tính liên kết vùng theo tinh thần các Nghị quyết của Trung ương.

Đồng thời, tham mưu huy động trên 45% tổng vốn trong kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021- 2025 đầu tư cho các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm của thành phố. Cụ thể, về kết quả và một số giải pháp trọng tâm được thực hiện trong thời gian tới như sau:

Về đường bộ: Bộ Giao thông vận tải đã khánh thành dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ. Đồng thời, tiếp tục triển khai dự án đường bộ cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau; nâng cấp tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi thành đường cao tốc; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ Nam Sông Hậu; Tuyến tránh thành phố Long Xuyên. Về phía Cần Thơ cũng đã ưu tiên bố trí vốn ngân sách thành phố kết hợp với vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư các dự án giao thông trọng điểm để kết nối đồng bộ, liên hoàn với các tuyến cao tốc, quốc lộ như: đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đường Vành đai phía Tây thành phố; đường tỉnh 923; đường tỉnh 921; đường tỉnh 918, đường tỉnh 917.

ct-3-1-(1).jpg
Dự án đường vành đai phía Tây TP. Cần Thơ. Ảnh: Th.N

Hiện nay, thành phố đang tiếp tục đề xuất Chính phủ hỗ trợ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 91 (đoạn từ Km0-Km7) và hỗ trợ vay vốn ODA đầu tư 02 dự án: nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 61C, đường kết nối thành phố Cần Thơ với tỉnh Kiên Giang. Theo đó, ngày 18/7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 108/NQ-CP về huy động nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài và tỷ lệ vay lại vốn vay nước ngoài của các dự án vùng ĐBSCL, trong đó Cần Thơ được phân bổ vốn vay cho dự án “Nâng cấp, mở rộng QL 61C đoạn qua địa phận Cần Thơ và Đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang” được vay từ JICA với số vốn vay nước ngoài là 178 triệu USD - tương đương 4.378 tỷ đồng.

Về đường thủy nội địa: Bộ Giao thông vận tải đang phối hợp cùng UBND tỉnh Tiền Giang đẩy nhanh tiến độ thi công kênh Chợ Gạo (nạo vét, xây dựng kè kiên cố luồng tuyến và nâng tĩnh không các công trình cầu) cố gắng phấn đấu hoàn thành trong năm 2023 để nâng cao năng lực khai thác các tuyến đường thủy nội địa kết nối Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL với TPHCM, vùng Đông Nam Bộ.

Về đường hàng hải: Cần Thơ tiếp tục phối hợp với Cục Hàng hải tăng cường xúc tiến kêu gọi đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng biển Cần Thơ đạt quy mô hoàn chỉnh theo quy hoạch, xúc tiến mở các chuyến tàu container quốc tế đi và đến cảng biển Cần Thơ. Đồng thời, kiến nghị sớm xây dựng hoàn chỉnh luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu đáp ứng cho tàu tải trọng 20.000 tấn lưu thông và triển khai dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ đáp ứng cho tàu tải trọng 10.000 tấn trở lên lưu thông.

Bên cạnh đó, UBND thành phố đang thực hiện kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm logistics gắn với Cảng biển Cần Thơ và xây dựng các cảng cạn tại các khu công nghiệp Thốt Nốt - Vĩnh Thạnh, Thới Lai - Cờ Đỏ để thu hút và phát triển nguồn hàng từ các tỉnh trong vùng ĐBSCL thông qua cảng biển Cần Thơ.

Về đường hàng không: Cần Thơ tiếp tục phối hợp với Cục Hàng Không sớm hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xã hội hóa, đầu tư nâng cấp một số cảng hàng không quan trọng (trong đó có Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ) để làm cơ sở triển khai kêu gọi đầu tư nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ hoàn chỉnh theo quy hoạch trước năm 2030 đạt công suất 7 triệu hành khách/năm.

ct-4-1-.jpg
Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ (Nguồn: ACV)

Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng đang xem xét kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư, xây dựng nhà ga hàng hóa và trung tâm logistics gắn với Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ để phục vụ khai thác các chuyến bay vận tải chuyên dụng hàng hóa; tăng cường mở các hội nghị xúc tiến và nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ để khuyến khích các hãng bay mở thêm nhiều đường bay mới đi/đến Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ.

Về đường sắt: UBND thành phố đang phối hợp với Bộ Giao thông vận tải cùng với TPHCM và các tỉnh vùng ĐBSCL đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu tiền khả thi (hiện nay đang ở báo cáo cuối kỳ) đầu tư đường sắt TPHCM - Cần Thơ để sớm trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư trước năm 2025 và triển khai đầu tư trước năm 2030.

Đồng thời, UBND thành phố cũng đang kêu gọi doanh nghiệp nghiên cứu xây dựng khu TOD (Transit Oriented Development) - mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (quy mô diện tích khoảng 1.000ha trở lên) gắn với nhà ga Cần Thơ và đầu mối giao thông đường bộ cao tốc, cảng biển tại quận Cái Răng để phát triển Cần Thơ thành trung tâm kinh tế - xã hội, đô thị và đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế của cả vùng ĐBSCL.

Khi các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đang triển khai hoàn thành sẽ mở ra thêm nhiều không gian phát triển mới, đảm bảo nhu cầu kết nối giao thông, khả năng vận tải bằng 05 loại hình giao thông khác nhau cũng như bằng các phương tiện có tải trọng lớn và container, tạo điều kiện dễ dàng kết nối đến các cụm cảng biển, cảng hàng không, các khu công nghiệp khác trên địa bàn thành phố, cũng như dễ dàng tiếp cận với các tuyến cao tốc đi đến TPHCM và các tỉnh vùng ĐBSCL, góp phần rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Cần Thơ trong thời gian tới.

Bài liên quan
  • Cần Thơ về đích giải ngân vốn đầu tư công
    Tính đến cuối năm 2023, Cần Thơ chính thức trở thành một trong những địa phương về đích trong giải ngân vốn đầu tư công, đạt tỷ lệ giải ngân 95,53% so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Cần Thơ: Nỗ lực gỡ “điểm nghẽn” hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO