Gỡ “nút thắt” tăng trưởng kinh tế năm 2022

Báo Công Thương|09/02/2022 08:21

(VLR) Tăng trưởng kinh tế năm 2022 được dự báo phục hồi tích cực so với 2 năm trước đó, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều “nút thắt” cần được tháo gỡ nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng cao và bền vững trong năm nay và những năm tiếp theo.

Liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI còn hạn chế

Liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI còn hạn chế

Chia sẻ về những nút thắt trong tăng trưởng kinh tế năm 2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, năm 2021, dịch COVID-19 đã gây khó khăn không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn cả vấn đề xã hội. Trong năm 2021, cả nước có tới 119,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, trong đó có tới gần 55 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi nền kinh tế.

Giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 77,8% kế hoạch năm, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, đầu tư công đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm, do vậy việc giải ngân vốn đầu tư công chậm cũng cản trở đến sự phục hồi của nền kinh tế. Về kim ngạch xuất khẩu năm 2021, dù đạt được con số ấn tượng với 332,25 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm 2020, nhưng kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước chỉ đạt gần 88,71%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu và chỉ tăng 13,4% so với mức tăng 21,1% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Kinh tế phụ trợ và liên kết giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực FDI vẫn còn lỏng lẻo.

Nông nghiệp luôn được coi là “bệ đỡ” của nền kinh tế trong những giai đoạn khó khăn, nhưng giá vật tư nông nghiệp và thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tăng cao, dịch bệnh đối với chăn nuôi lợn và gia cầm vẫn còn diễn biến phức tạp; nhu cầu thị trường chưa phục hồi, giá sản phẩm đầu ra của nông nghiệp và thủy sản ở mức thấp, khiến người chăn nuôi thua lỗ.

Hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Điều này sẽ khiến cho giá cả hàng hóa tăng cao, tạo áp lực lên lạm phát. Do tổng cầu của nền kinh tế giảm sâu nên chỉ số giá tiêu dùng năm 2021 ở mức thấp (1,84%) so với mục tiêu đề ra là khoảng 4%. Tuy vậy, áp lực lạm phát năm 2022 đối với nền kinh tế vẫn đang hiện hữu. Giá nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ thế giới tăng cao, giá dầu thô còn tiếp tục tăng trong những năm tới do nhu cầu tăng mạnh, trong khi nguồn cung hạn chế và thị trường dầu thô trải qua thời kỳ thiếu hụt nguồn cung dài nhất trong nhiều thập kỷ qua. Thiếu hụt đầu tư thượng nguồn trong khai thác dầu khi nhu cầu ngày một tăng là chỉ báo về giá dầu cao kéo dài trong ít nhất trong năm tới.

Trong khi đó, kinh tế nước ta lại phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế, nhất là khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và cả nguyên nhiên liệu trong nước.

Cần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công

Cần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công

Từ những phân tích trên, ông Nguyễn Chí Dũng nhận định: “Quá trình phục hồi kinh tế năm 2022 sẽ gặp không ít thách thức và nhiều điểm nghẽn, nút thắt cần được giải quyết. Việc phục hồi sản xuất, kinh doanh có thể bị cản trở bởi những khó khăn về tài chính và thị trường tiêu thụ. Tỷ lệ tín dụng so với GDP vẫn ở mức cao, vốn trung, dài hạn của nền kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào hệ thống ngân hàng…”.

Nhằm gỡ nút thắt, tạo thuận lợi cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022, bên cạnh tiếp tục thực hiện chiến lược bao phủ vắc-xin cho toàn dân trong độ tuổi tiêm chủng, trong đó ưu tiên lực lượng lao động của khu vực doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể để hai khu vực sản xuất này sớm phục hồi nhanh sản xuất, kinh doanh, Việt Nam cần nâng cao năng lực giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, trong đó thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, cực tăng trưởng, các dự án lớn quan trọng quốc gia, dự án kết nối liên vùng. Đặc biệt, cần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công để tạo sự lan tỏa đến đầu tư tư nhân và khu vực FDI. Cùng với đó, khai thác thế mạnh các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường cơ hội thu hút dòng vốn FDI có chất lượng.

Nhằm tạo động lực cho tăng trưởng trong năm 2022, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, Việt Nam cần chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, giảm áp lực lạm phát. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong ngắn hạn cần có chính sách và giải pháp cắt giảm chi phí sản xuất, nhập khẩu kịp thời nguyên vật liệu, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý khi phát hiện có hành vi đầu cơ, tích trữ, thao túng giá; thực hiện các giải pháp kết nối, đảm bảo nguồn cung lao động phù hợp cho người dân. Cùng với đó, chủ động cung cấp thông tin thị trường lao động, xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp giữa các địa phương trong việc cung ứng và tuyển dụng lao động để tạo sự kết nối, liên thông trong chuỗi cung ứng lao động giữa các địa phương.

Khu vực doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, do đó hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, ổn định sản xuất, kinh doanh là một trong những giải pháp cần được các bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm trong thời gian tới.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Gỡ “nút thắt” tăng trưởng kinh tế năm 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO