(Vietnam Logistics Review) Lòng đam mê nghệ thuật vượt xa những bộn bề thường nhật, giúp người nghệ sĩ miệt mài với nghề, tặng cho đời những tác phẩm quý. Họa sĩ/nghệ sĩ Phùng Phê đã mơ và vẽ bằng cả trái tim mình.
Hiện nay, khi đang ở tuổi 71, họa sỹ Phùng Phê vẫn không ngừng sáng tạo, liên tục vẽ cho đời nhiều bức tranh đẹp, mang nhiều ý nghĩa. Triển lãm “Hoa và đất” diễn ra vào ngày 04.11.2017 tại TP. Đà Lạt lại một lần nữa ghi nhận sự đóng góp lớn lao cho nghệ thuật của Họa sĩ/nghệ sĩ Phùng Phê. |
Vẽ vì đam mê
Họa sĩ Phùng Phê sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo khó ở vùng quê Hà Tây. Bố là nghệ sĩ hát tuồng, mẹ là người phụ nữ nền nã, hiểu biết sâu sắc. Kế thừa tính nghệ sĩ của bố và sự nền nã của mẹ, ngay từ nhỏ, họa sĩ Phùng Phê đã có niềm đam mê hội họa sâu sắc.
Họa sĩ Phùng Phê bên tác phẩm Chợ chiều vùng cao
Những bức chân dung đầu tiên vẽ về mẹ, về các em đã khơi nguồn sáng tạo, đưa ông đến với nghệ thuật hội họa.
Và sau này, khi tham gia kháng chiến, tình yêu quê hương đất nước, hình ảnh những cô dân quân tự vệ, những bà mẹ kháng chiến, những trận đánh vang dội… trở thành đề tài bất tận không chỉ giúp ông thỏa niềm đam mê với hội họa mà cũng từ đây tên tuổi của ông bắt đầu vang xa cùng với những tác phẩm của mình ở các cuộc triển lãm tranh trong nước và quốc tế (triển lãm bộ tranh về làng quê tại Pháp; triển lãm bộ tranh Chân dung dân tộc tại Úc; triển lãm bộ tranh Chợ quê tại Singapore; triển lãm bộ tranh Huyền thoại Hàm Rồng tại bảo tàng Thanh Hóa; và hàng trăm bức tranh về chủ đề chiến tranh khác tại các bảo tàng trong cả nước… )
Vẽ bằng cả trái tim mình
Ngoài những tác phẩm hội họa đẹp, có giá trị quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước, con người Việt Nam, Họa sĩ/nghệ sĩ Phùng Phê còn góp phần đào tạo nhiều thế hệ họa sĩ, nghệ sĩ tài năng cho đất nước trong đó có những cô con gái của mình.
Khi được hỏi về họa sĩ Phùng Phê, họa sĩ Phùng Huyền – con gái, người học trò đặc biệt của họa sĩ Phùng Phê xúc động chia sẻ: “Bố tôi đã mơ và đã vẽ bằng cả trái tim mình”.
Cô kể: “Có những đêm khuya, bố tôi thiếp đi cùng với cây cọ trên tay, sau khi hoàn thành tác phẩm. Tôi nhìn bố mà tim thắt lại… nghèn nghẹn…!!! Tôi đắp cho bố cái chăn. Lần đó bố vẽ “Những cô gái dân tộc múa”, gương mặt hồn nhiên, trong sáng, vui vẻ… của những cô gái dân tộc được khắc họa sống động với những nét cọ sắc đỏ, vàng, cam hòa cùng xanh lục… Tôi như được truyền một năng lượng sống mới… tôi ao ước được vẽ, vẽ như bố”.
Tác phẩm Sau tuần trăng mật
Tác phẩm Mẹ vui
Tác phẩm Tháng ba Tây Nguyên
Tác phẩm Ngọn lửa cao nguyên
Tác phẩm Hội làng
Họa sĩ Phùng Phê dạy các học trò và con gái mình rằng: “Khi muốn vẻ một chân dung có hồn thì phải nhìn vào nhân vật thật lâu, không chỉ nhìn bề ngoài, mà còn phải nhìn vào tính cách, bắt được cái thần thái trên khuôn mặt. Ánh mắt, nụ cười thể hiện được tâm hồn và cuộc sống; những nếp nhăn trên trán, mắt, khóe miệng là dấu mốc của thời gian, là những vui buồn, thăng trầm của nhân vật… Với người cá tính mạnh thì dùng cây cọ to, nét vẽ dứt khoát, tinh thần của người họa sĩ phải hòa nhập được với cái thần của nhân vật. Với người có cá tính trầm lặng, dịu dàng thì phải dùng nét cọ nhẹ nhàng, nương theo tình cảm của nhân vật.”
Ông luôn nhắc nhở học trò của mình: “Không chỉ có bàn tay và khối óc, người họa sĩ còn cần phải vẽ tác phẩm của mình bằng cả trái tim”.