Hoàn thiện hệ thống logistics quốc gia (Kỳ 1)

27/03/2015 10:13

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Logistics là chìa khóa cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh của thương mại nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Theo thống kê của các nước, chi phí logistics thương mại bao gồm chi phí vận tải, chi phí tồn kho và phí quản lý, trong đó chi phí vận tải chiếm từ 50-60%.

(Vietnam Logistics Review) Logistics là chìa khóa cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh của thương mại nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Theo thống kê của các nước, chi phí logistics thương mại bao gồm chi phí vận tải, chi phí tồn kho và phí quản lý, trong đó chi phí vận tải chiếm từ 50-60%.

Như vậy, vận tải là hoạt động quan trọng nhất trong các hoạt động logistics, chiếm khoảng 1/3 đến 2/3 chi phí logistics của DN. Do vậy, nâng cao năng lực và giảm chi phí logistics nói chung và chi phí vận tải nói riêng là yêu cầu cấp bách đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng hiệu quả lưu thông hàng hóa, từ đó có tác động tích cực tới khả năng cạnh tranh của thương mại nói chung của VN.

3 TRỤ CỘT QUYẾT ĐỊNH KHẢ NĂNG CẠNH TRANH THƯƠNG MẠI

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), chi phí logistics trung bình chiếm 12% tổng sản phẩm nội địa thế giới. Tại Mỹ, chi phí logistics chiếm 10 % GDP, Singapore, chi phí
logistics chỉ chiếm 12-15%, nhưng ở VN con số này lên tới 21% tổng chi phí/đơn vị hàng hóa xuất khẩu. Đối với các DN VN, chi phí logistics thay đổi từ 4% đến trên 30% doanh thu tùy cấu trúc chuỗi cung ứng và lĩnh vực ngành nghề (Bộ GTVT, Báo cáo thực trạng logistics 2013). Đây là một thách thức rất lớn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại cho VN. Theo khuyến nghị của WB thì VN cần nâng cao năng lực công nghệ, nâng cao dịch vụ kết cấu hạ tầng giao thông và logistics để giúp tăng trưởng trong
tương lai.

Theo quan điểm của Phạm Minh Đức và nhóm tác giả nghiên thuộc Ủy Ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế của WB, khả năng cạnh tranh thương mại của một quốc gia chịu ảnh hưởng bởi ba trụ cột:

- Thứ nhất, các dịch vụ giao thông và logistics liên quan tới dòng thương mại vật chất. Trụ cột này bao gồm dịch vụ vận tải, thiết bị và hạ tầng được sử dụng cho mỗi phương thức vận chuyển bao gồm cảng ga, điểm chuyển tải, hệ thống kho bãi, phương tiện vận chuyển. Hiệu quả của trụ cột này được đo lường thông qua thời gian, chi phí, phạm vi và khả năng đáp ứng của mạng lưới giao thông. Phạm vi và khả năng đáp ứng có thể được đo lường bởi tần suất, tính thường xuyên của dịch vụ, hay nói cách khác, độ tin cậy của dịch vụ;

- Thứ hai, quy trình thủ tục thương mại bao gồm các quy trình và dịch vụ liên quan tới việc vận chuyển hàng hóa XNK như thuế quan, việc thực thi hiệp định thương mại, việc kiểm soát và hạn chế XNK hàng hóa trong danh mục cấm hoặc hạn chế buôn bán và các quy định khác;

- Thứ ba, tổ chức chuỗi cung ứng liên quan tới logistics chuỗi cung ứng. Đối với trụ cột này, cơ cấu của chuỗi cung ứng sản phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức logistics chuỗi cung ứng cũng như giảm chi phí logistics xuất khẩu hàng hóa.

Ba trụ cột này có mối liên hệ mật thiết với nhau góp phần tạo ra khả năng cạnh tranh thương mại cho sản phẩm xuất khẩu. Đề đảm bảo nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại cho VN thì đồng thời phải cải thiện cả ba trụ cột. Trong khuôn khổ bài viết này tác giả chỉ giới hạn việc nghiên cứu trụ cột thứ nhất – các dịch vụ giao thông và logistics tại VN.

DỊCH VỤ LOGISTICS TẠI VN

Ngành logistics VN có sự tham gia của các DN logistics với nhiều thành phần kinh tế bao gồm cả DN 100% vốn nước ngoài hoạt động trong các phân khúc khác nhau, cụ thể:

• DN khai thác vận tải: là các DN khai thác vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển và hàng không. DN tư nhân chiếm ưu thế trong vận tải đường bộ và đường thủy nội địa, trong khi khu vực nhà nước khai thác các phương thức vận tải còn lại trừ vận tải biển quốc tế chủ yếu do các DN nước ngoài khai thác.

Trong lĩnh vực vận tải đường bộ, phần lớn là các DN tư nhân có quy mô vừa và nhỏ. Một số lượng lớn các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vận tải ô tô là thành viên hợp tác xã hoặc tư doanh nên rất khó thống kê số lượng. Do vậy, việc kiểm soát chất lượng dịch vụ và giá thành gặp nhiều khó khăn. Việc áp dụng CNTT vào lĩnh vực vận tải đường bộ ở mức thấp ngoại trừ một số công ty lớn có sử dụng thiết bị GPS để kiểm soát hành trình và đảm bảo an toàn cho hàng hóa.

Vận tải đường bộ tại VN hiện đang là một thị trường cạnh tranh dựa vào giá. Có thể thấy điều này qua báo cáo LPI của WB khi chi phí logistics nội địa của VN đứng thứ 17/160 nước khảo sát và đạt 3,3/5 điểm. Đây là tiêu chí được đánh giá cao nhất của VN trong các tiêu chí do WB khảo sát.

Đối với vận tải đường sắt thì chỉ có duy nhất một công ty nhà nước, đó là Tổng công ty Đường sắt VN (VRC), điều hành toàn bộ mạng lưới. Thiếu cạnh tranh, thời gian vận chuyển dài, hạ tầng lạc hậu, lịch trình không ổn định là những khó khăn cho khách hàng muốn sử dụng dịch vụ vận tải đường sắt.

Dịch vụ vận tải biển về cơ bản được quản lý bởi DN nhà nước là Tổng Công ty Hàng hải VN (Vinalines) và các công ty con. Theo thống kê của Cục Hàng hải VN, tính đến ngày 30.6.2014 đội tàu biển VN có 1.788 tàu, tổng dung tích 4,3 triệu GT với tổng trọng tải 6,9 triệu DWT. Đội tàu của VN được đánh giá là có cơ cấu không hợp lý với 36% trọng tải là tàu hàng bách hóa loại nhỏ (942 tàu, trọng tải trung bình là 2500 DWT), 29,5% trọng tải là tàu hàng rời (172 tàu với trọng tải trung bình là 11.000 DWT) và 2,26 % trọng tải là tàu Container (20 tàu, trọng tải trung bình là 8000 DWT). Đội tàu VN chủ yếu khai thác ở các tuyến nội địa và vận tải trên các tuyến khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc theo hình thức vận chuyển hàng rời. Ngoài ra, tại thị trường VN hiện có các hãng tàu nước ngoài hoạt động chủ yếu trên các tuyến hàng hải quốc tế theo phương thức tàu chợ, vận chuyển container... với thị phần vận chuyển hàng hóa XNK lên tới 88%.

• DN khai thác cơ sở hạ tầng tại các điểm chuyển tải: Là các DN khai thác cơ sở hạ tầng tại cảng, sân bay và các điểm nút khác hỗ trợ cho vận tải đa phương thức. Trong khu vực đường sắt và sân bay, các DN khai thác là các DN nhà nước nhưng trong lĩnh vực vận tải thủy nội địa và logistics tỷ lệ DN có vốn tư nhân cao hơn.

• DN khai thác dịch vụ kho bãi và logistics: Các DN khai thác kho bãi và thực hiện nghiệp vụ logistics cũng như các hoạt động tạo giá trị gia tăng. Đây là những DN kinh doanh dựa vào tài sản và thực hiện thêm một số hoạt động trong chuỗi cung ứng, chẳng hạn như vận tải đường bộ. Các nhà khai thác kho bãi tại VN là những DN sở hữu tài sản, có thể là DN nội địa hoặc liên doanh. Hoạt động chính của các nhà khai thác này là quản lý các hoạt động kho bãi cho khách hàng của mình. Một số cung cấp dịch vụ vận tải đường bộ, số khác giao nhận hàng hóa, một vài trong số các DN này cũng đang phát triển và bao gồm cả các hoạt động khác liên quan đến hợp nhất và quản lý chuỗi cung ứng nhưng hầu như không có DN nào cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng cao. Theo lộ trình các cam kết của VN khi gia nhập WTO, kể từ ngày 11.01.2014, nhà cung ứng dịch vụ nước ngoài sẽ được phép thành lập DN 100% vốn đầu tư nước ngoài để cung ứng các dịch vụ kho bãi và dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa sẽ gia tăng cạnh tranh giữa các DN trong phân khúc này.

• DN 3PL, giao nhận hàng hóa và các DN khác: Những DN thực hiện các hoạt động quản lý chuỗi cung ứng và hợp nhất các giai đoạn khác nhau. Nhóm này gồm các DN giao nhận hàng hóa, 3PL, đại lý tàu biển, đại lý hải quan... được bao gồm trong phân khúc này. Các DN này về cơ bản không sở hữu tài sản, nhưng một số DN có kho, phương tiện vận chuyển đường bộ để khai thác. Trong lĩnh vực giao nhận vận tải, quy mô DN rất đa dạng và số lượng chưa được thống kê đầy đủ. Những công ty lớn nhất thường cung cấp các hoạt động vận tải hoặc logistics khác như vận tải đường bộ, vận tải đường thủy nội địa hoặc khai thác kho bãi, do đó có thể cung cấp nhiều dịch vụ tích hợp bao gồm cả dịch vụ giao nhận tận nơi và vận tải đa phương thức trong khi các công ty vừa và nhỏ chỉ đảm nhiệm các dịch vụ logistics như giao nhận, hải quan... Bên cạnh các DN nội địa thì trong phân khúc này có sự tham gia của các công ty 3PL quốc tế cung cấp dịch vụ cho các công ty công nghiệp quốc tế và đáp ứng nhu cầu chất lượng cao hơn của các công ty này như APL Logistics, DHL, FedEx, Kuehne Nagel, Panalpina, Schenker,... Các công ty này thường quản lý một phần quan trọng của chuỗi cung ứng của khách hàng và có rất ít hoặc không có tài sản ở VN. Phần lớn hoạt động của các công ty logistics nước ngoài dựa trên việc thuê các nhà cung cấp nội địa có tiêu chuẩn chất lượng cao. Những công ty quốc tế đang cung cấp phần lớn các dịch vụ gia tăng đặc biệt và có giá trị cao mà các DN VN không cung cấp như phát triển thị trường, quản lý dây chuyền cung ứng, quản trị tồn trữ...

Mức độ áp dụng CNTT của DN trong phân khúc này rất khác nhau. Các công ty 3PL quốc tế sử dụng CNTT để cung cấp dịch vụ với tiêu chuẩn cao nhất. Ngược lại, các DN nhỏ của VN rất ít hoặc chưa tiếp cận được với những công nghệ tiên tiến nhất, vì lý do tài chính hoặc quy mô. Tuy nhiên, những công ty giao nhận hàng hóa lớn nhất VN hiện đã đầu tư cho hệ thống thông tin để nâng cao chất lượng dịch vụ.

(Còn tiếp ...)


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện hệ thống logistics quốc gia (Kỳ 1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO