Thương mại điện tử giúp doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu
Thế giới đang chuyển động không ngừng bằng việc ứng dụng ngày càng nhiều công nghệ mới về trí tuệ nhân tạo, robot, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật… Điều này đang đặt ra cho các doanh nghiệp kinh doanh theo lối cũ truyền thống phải thay đổi để bắt kịp với xu hướng mới.
Do đó yêu cầu đặt ra là phải chuyển đổi sang nền tảng số, đẩy mạnh các ứng dụng mới trong hoạt động thương mại điện tử nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ thâm nhập vào các thị trường khó tính trên toàn cầu.
Năm 2009 kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt khoảng 57 tỷ USD thì đến năm 2018 vừa qua nước ta đã cán mốc 244 tỷ USD ( tức là trong vòng 10 năm đã tăng trưởng xuất khẩu gấp 4 lần). Đóng góp này không thể không nhắc đến vai trò của thương mại điện tử, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Tuy nhiên, thống kê của Bộ Công thương cho thấy, phần lớn doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước vẫn đứng ngoài cuộc, có tới 82% các doanh nghiệp của ngành đang ở vị trí mới nhập cuộc với thương mại điện tử, trong đó 61% còn đứng ngoài cuộc và 21% doanh nghiệp bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị đầu tiên.Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay thì xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu khi đất nước đã và đang ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.
Theo ông Trần Đình Toản, Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và công nghệ OSB, để đạt được hiệu quả trong các hoạt động thương mại điện tử thì cần phải có chiến lược đầu tư bài bản.
Hiện nay doanh nghiệp đã coi thương mại điện tử như một công cụ tất yếu trong việc kinh doanh, doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư cho thương mại điện tử. Có hai vấn đề rất quan trọng đó là thay đổi về nhận thức về tầm quan trọng và thứ hai là việc sẵn sàng đầu tư. Nhiều doanh nghiệp thấy tầm quan trọng rồi nhưng cứ nghĩ thương mại điện tử là miễn phí, không cần phải đầu tư- điều này hoàn toàn không chính xác. Trong bối cảnh hiện nay cần có kế hoạch đầu tư bài bản trong ứng dụng thương mại điện tử trong chiến lược của doanh nghiệp.
Có được chiến lược đầu tư bài bản trong hoạt động thương mại điện tử sẽ giúp doanh nghiệp đạt được kết quả tốt trong hoạt động sản xuất kinh doanh trong xu thế cả thế giới đang chuyển đổi theo nền tảng số, hóa như hiện nay.
Theo bà Judy Ke, chuyên gia tư vấn đào tạo và tư vấn về thương mại quốc tế, chuyển đổi số sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến lĩnh vực xuất nhập khẩu toàn cầu bởi phương thức này không cần có quá nhiều vốn - một lợi thế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, song vẫn có thể tiếp cận được thị trường toàn cầu.
Bà Judy Ke cũng biết, chuyển đổi số sẽ thực sự là cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, sự chủ động và thay đổi tư duy từ phía các doanh nghiệp là vấn đề hết sức quan trọng. Việc ứng dụng thông qua các nền tảng thương mại điện tử như website, có fanpage… để bán hàng vẫn chưa đủ thì còn cần phải chú trọng đến cách thức marketing, bán hàng... trên các nền tảng thương mại điện tử. Cùng với đó là phải đảm bảo chữ tín của mình trên thương trường nhằm tạo niềm tin cho đối tác khi giao dịch.
Doanh nghiệp phải đầu tư bài bản trong hoạt động thương mại điện tử trong bối cảnh chuyển đổi nền tảng số như hiện nay
Hiện tại trên thế giới có nhiều nền tảng thương mại trực tuyến lớn. Đây là một phần nằm trong nội dung chuyển đổi số, nền tảng thương mại trực tuyến sẽ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp chưa có vốn vẫn có thể xuất khẩu được và tiếp cận được những đối tác mua hàng trên toàn cầu mà không cần có quá nhiều vốn mà vẫn có thể tiếp cận được thị trường toàn cầu.Ở Việt Nam có nhiều sản phẩm rất tốt song ở thị trường trên thế giới thì lại không được biết đến, cùng với đó vị trí địa lý của Việt Nam rất thuận lợi cho việc xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, châu Á… Do đó Việt Nam cần phải nắm được cơ hội để tận dụng được lợi thế thú đẩy được những điểm mạnh của mình.
Các chuyên gia cũng cho rằng, để vận hành tốt hoạt động thương mại điện tử, xuất khẩu trực tuyến qua các kênh bán hàng qua mạng các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về hiệu quả của công cụ số, tập trung đầu tư nhiều hơn cho đội ngũ nhân sự triển khai thương mại điện tử, có kiến thức kỹ năng về vận hành website, giao tiếp bằng ngoại ngữ, gian hàng trực tuyến mới và chuẩn bị sản phẩm có tính cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã cũng như giá cả… Từ đó mới có thể khai thác những ưu việt, thế mạnh của thương mại điện tử so với phương thức truyền thống.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam kỳ vọng: "Những hoạt động thương mại điện tử phục vụ xuất khẩu nói riêng, cơ hội rất lớn nhưng để chớp được cơ hội đó, thì nó phụ thuộc rất nhiều vào chính doanh nghiệp chúng ta. Trong giai đoạn 5 năm tới hoạt động thương mại điện tử phục vụ xuất khẩu nói riêng chắc chắn sẽ không phải gấp đôi, tôi kỳ vọng sẽ gấp 4 lần năm 2019 và số doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh thành công sẽ tăng gấp 4 lần".
Để phát triển thương mại điện tử trong thời gian tới đi đúng hướng đem lại lợi ích bền vững cho các doanh nghiệp thì các bộ ngành chức năng cần phải phát triển cũng như đảm bảo được các yêu cầu về: xây dựng kết cấu hạ tầng; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức; đào tạo phát triển nguồn nhân lực triển khai được nền tảng ứng dụng trong thương mại điện tử.
Đồng thời, phát triển các sản phẩm, giải pháp; tư vấn xây dựng kế hoạch ứng dụng thương mại điện tử; hợp tác quốc tế và nâng cao năng lực quản lý, tổ chức hoạt động phát triển thương mại điện tử… Từ đó giúp các doanh nghiệp gia tăng lượng hàng hóa xuất khẩu sang các nước trên thế giới, góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước trong thời gian tới.