Khó khăn và giải pháp trong chuỗi cung ứng rau quả Ấn Độ

29/07/2016 09:29

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Vì sao các chuỗi cung ứng rau quả dựa trên giá trị mang lại hiệu quả cao nhưng chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp ở Ấn Độ? Nghiên cứu dưới đây chỉ ra nguyên nhân cơ bản của vấn đề này.

(Vietnam Logistics Review)Vì sao các chuỗi cung ứng rau quả dựa trên giá trị mang lại hiệu quả cao nhưng chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp ở Ấn Độ? Nghiên cứu dưới đây chỉ ra nguyên nhân cơ bản của vấn đề này.

Những khó khăn

Thiếu chuỗi cung ứng lạnh: Đây là trở ngại lớn trong ngành rau quả ở Ấn Độ. Thiếu hụt các cơ sở cung cấp dịch vụ logistics lạnh dự trữ, phương tiện, thiết bị cấp lạnh, thiếu hạ tầng kỹ thuật và mạng lưới dây chuyền lạnh dẫn tới mất cân bằng giữa năng lực cung ứng và nhu cầu dịch vụ chuỗi lạnh. Sự thiếu hụt này gây khó khăn rất lớn cho nông dân và các doanh nghiệp tham gia.

Sự phân tán: các chuỗi cung ứng rau quả Ấn Độ có sự phân tán và xé lẻ rõ nét thể hiện ở tình trạng manh mún thiếu tập trung của nông dân trong sản xuất và thương nhân trong phân phối. Chuỗi cung ứng không thông suốt mà ách tắc ở nhiều khâu do sự phân tán, rời rạc và thiếu kiểm soát này. Phần lớn các chuỗi cung ứng rau quả ở Ấn Độ bị chi phối bởi các thương nhân địa phương, họ và các trung gian chiếm phần lớn thu nhập của nông dân.

Thiếu kết nối: sự liên kết và tích hợp giữa các thành viên trong chuỗi cung ứng giúp tạo ra sức mạnh cộng hưởng từ đó mang lại hiệu quả và đảm bảo lợi nhuận cho chuỗi. Hiện trong chuỗi cung ứng ngành rau quả ở Ấn Độ có số lượng rất lớn trung gian, họ thống trị và chi phối lợi nhuận trong chuỗi. Do thiếu hụt sự kết nối giữa nông dân và các đối tác nên nông dân bị tách khỏi thị trường và phụ thuộc lớn vào thương nhân. Lợi ích của nông dân không được đảm bảo.

Hạ tầng chuỗi cung ứng: Cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng rau quả phù hợp và đầy đủ là điều kiện tiên quyết giúp nông dân và doanh nghiệp thành công nhờ vào khả năng cung cấp hàng hóa đúng thời gian và đúng các yêu cầu thị trường. Tại Ấn Độ, cơ sở hạ tầng trong chuỗi cung ứng các sản phẩm nông nghiệp hạn chế là một trở ngại chính dẫn đến thất thoát thực phẩm lớn.

Bao bì đóng gói: Rau quả là những mặt hàng rất dễ hỏng và cần bao bì phù hợp. Nếu bao bì không thích hợp sẽ rất khó khăn để duy trì tuổi thọ của mặt hàng. Chi phí là yếu tố rất quan trọng đối với vấn đề này. Tại Ấn Độ, chi phí của vật liệu đóng gói cao gây khó khăn cho nông dân trong việc sử dụng bao bì phù hợp. Mặt khác, thiếu hụt nguyên liệu cho sản xuất bao bì cũng là thách thức không nhỏ.

Vấn đề công nghệ: Có khá nhiều khó khăn về công nghệ và kỹ thuật. Nông dân và doanh nghiệp không ứng dụng được các phương pháp công nghệ và kỹ thuật thích hợp để giảm tổn thất sau thu hoạch và giảm thời gian trong quá trình chế biến.

Kiến thức và nhận thức của người nông dân: Nông dân ở Ấn Độ rất hạn chế trong ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới để tạo năng suất. Họ cũng có ít kiến thức về xử lý rau quả sau thu hoạch, quản lý chất lượng giống. Điều này làm cho các chuỗi cung ứng rau quả không đạt hiệu quả cao.

Chất lượng rau quả: Chất lượng thực phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dân và là yêu cầu hàng đầu. Chuỗi cung ứng thích hợp phải duy trì tốt tuổi thọ của sản phẩm và ngăn chặn suy giảm chất lượng. Tuy nhiên, ở Ấn Độ, các thực phẩm xuất khẩu có chất lượng không đạt tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh kém, mức suy giảm chất lượng thực phẩm cao.

Chế biến và gia tăng giá trị rau quả: Đây là cách để tăng tuổi thọ của sản phẩm rau quả và giảm thiểu thiệt hại. Số lượng và mức độ rau quả chế biến sâu càng cao thì mất mát tổn thất càng thấp. Chế biến sâu còn tạo ra các cơ hội lớn để xuất khẩu rau quả tới các quốc gia khác nhau. Tại Ấn Độ tỷ lệ thực phẩm chế biến thấp so với các nước khác, chỉ chiếm khoảng 1-2% trong hoạt động sản xuất và tạo ra ít giá trị gia tăng. Điều này do thiếu cơ sở chế biến và khoảng cách của các đơn vị chế biến quá xa, không thuận tiện.

Vấn đề tài chính: Người nông dân không có thu nhập thích hợp cho hoạt động sản xuất nông nghiệp mà phần lớn lợi nhuận lại rơi vào tay các trung gian. Các nghiên cứu chỉ ra rằng có sự thiếu minh bạch trong việc định giá do đó nông dân không nhận được đúng giá trị cho những nỗ lực và sản phẩm của họ.

Tổn thất sau thu hoạch: Tại Ấn Độ, hàng năm có lượng lớn các mặt hàng thực phẩm dễ hư hỏng bị thất thoát tại các đơn vị chế biến và trong chuỗi cung ứng tới các thị trường chính. Khoảng 30-40% tổng sản phẩm thực phẩm chế biến bị lãng phí ở Ấn Độ, phần lớn sự thất thoát này phát sinh trong quá trình vận chuyển và lưu trữ sản phẩm thực phẩm tươi sống.

Giao thông vận tải: Thiếu vận tải không thể phân phối hàng hóa cho khách hàng đúng thời gian, thời điểm và đảm bảo chất lượng. Do đó, vận tải càng quan trọng với rau quả vì đây là loại sản phẩm có thời hạn sử dụng ngắn, dễ hỏng, cần kiểm soát nhiệt độ.

Nhu cầu thị trường và thông tin: Người nông dân Ấn Độ rất thiếu thông tin về giá cả thị trường, nhu cầu, cơ sở chế biến thực phẩm.

Việc thiếu thông tin dẫn đến nhận thức không đúng về giá cả làm cho số lượng thực phẩm thất thoát lớn, thời gian giao hàng trễ. Không có thông tin đúng và phù hợp không thể vận hành các chuỗi cung ứng thành công.

Các giải pháp chiến lược

Các nhà nghiên cứu ở Ấn Độ đã chỉ ra nhiều giải pháp:

- Xây dựng hạ tầng lạnh tại trung tâm các chuỗi cung ứng và các vành đai rau quả. Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức cung ứng nhà kho, phương tiện, thiết bị sử dụng trong chuỗi cung ứng lạnh.

- Thúc đẩy hợp đồng nông sản giữa các công ty và tổ chức tư nhân trong chuỗi. Tích cực thuê ngoài các hoạt động chế biến. Các tổ chức phi chính phủ cũng có thể đóng vai trò trung gian kết nối giữa nông dân và các công ty.

- Cơ quan chức năng địa phương cần thúc đẩy và kết nối các thành viên với nhau và phát triển các hoạt động nhằm gia tăng giá trị cho rau quả và sản phẩm chế biến. Thực hiện các hoạt động marketing xã hội với các nhóm nông dân.

- Nhà nước hỗ trợ xây dựng cơ sở chế biến rau quả, cơ sở dịch vụ và bố trí gần các cơ sở sản xuất. Xây dựng các cơ sở đóng bao bì nhỏ tại trung tâm các quận huyện có các điều kiện sản xuất, sơ chế, đóng bao bì có chất lượng tốt. Giúp tăng năng suất và chất lượng bốc dỡ chuyên chở và tăng giá trị cho chuỗi.

- Cần hạn chế việc cung cấp vật liệu bao bì và dành phần công việc này cho các tập đoàn để tạo cơ hội việc làm cho người lao động địa phương.

- Thúc đẩy các doanh nghiệp và thương nhân địa phương cung cấp các dịch vụ trung gian về công nghệ, máy móc thiết bị và nghiên cứu thực phẩm. Tham gia vào các Mega Food Parks. Triển khai các chương trình truyền thông về công nghệ hiện đại, kiến thức marketing qua các hội thảo, hội chợ triển lãm.

- Đưa các kỹ thuật và công nghệ mới vào triển lãm tại các hội chợ để nông dân có thể tiếp cận trực tiếp và được hướng dẫn cụ thể. Đặc biệt cần có sự hỗ trợ từ các tổ chức và cơ quan nhà nước về các công nghệ và kỹ thuật mới này.

- Tập trung vào vai trò của các định chế nhà nước trong việc cung cấp các kiến thức, các chính sách và yêu cầu về nhãn dán với thực phẩm. Cung cấp các điều kiện cho tự động hóa bảo quản rau quả, cung cấp các vật liệu chế tạo bao bì hợp vệ sinh với mức giá hợp lý. Sử dụng các công nghệ bảo quản, làm lạnh, dự trữ lạnh cho các quá trình chế biến và cung cấp.

- Nhà nước đầu tư cho các hoạt động chế biến sâu, các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian cần bố trí gần các khu nông nghiệp, các cơ sở sản xuất thực phẩm có quy mô và kích thước nhỏ tại điểm trung tâm của các khu vực quận huyện.

- Triển khai hợp đồng nông nghiệp, hình thành sàn giao dịch rau quả kết nối với nông dân. Đảm nhiệm hoạt động bán lẻ rau quả, loại trừ các trung gian thừa để đảm bảo nông dân có được phần lãi suất tương xứng.

- Xây dựng các điều kiện logistics lạnh tại khu vực đô thị, hành lang sản xuất chính, khu vực giao thông khó khăn. Chú trọng các cơ sở chế biến, sơ chế dịch vụ tại các khu nông nghiệp phát triển. Thúc đẩy công nghệ sau thu hoạch.

- Chính quyền cần hỗ trợ xây dựng hệ thống vận tải lạnh cho chuỗi cung ứng. Các đối tác công tư đảm trách phương tiện như xe tải lạnh tại khu vực nông thôn.

- Chính phủ cần có biện pháp tăng cường kiến thức về dự báo thị trường, ứng dụng thương mại điện tử trong các khâu của chuỗi cung ứng, thông tin công khai và minh bạch về mức giá hàng ngày với thị trường rau quả.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Khó khăn và giải pháp trong chuỗi cung ứng rau quả Ấn Độ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO