Khoa học công nghệ thúc đẩy logistics phát triển mạnh mẽ

Nguyễn Tương, Đào Trọng Khoa|30/01/2020 22:34

(VLR) Theo số liệu công bố năm 2018 của Ngân hàng Thế giới, thị trường logistics toàn cầu có quy mô khoảng 4,3 nghìn tỷ USD. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), dung lượng thị trường logistics Việt Nam năm 2018 là khoảng 50 - 51 tỷ USD. Sự đổi mới tiến bộ (innovation) của khoa học công nghệ (KHCN) đóng vai trò quan trọng và là động lực cho sự phát triển vượt bậc đó của ngành dịch vụ logistics.

Tiến bộ của khoa học công nghệ được ứng dụng vào logistics

Trong thời gian qua, ba nội dung đổi mới chủ yếu tác động làm thay đổi hoạt động logistics(4) bao gồm: Container hóa (containerization); Số hóa (Digitalization); Sự phân cấp (Decentralization).

Container hóa

Từ những năm 1980 việc container hóa đã thay đổi cơ bản hình thức vận chuyển hàng hóa thế giới, đặc biệt là hàng khô, hàng bách hóa, qua đó làm cho hàng hóa được vận chuyển nhanh chóng hơn, an toàn hơn và chi phí thấp hơn, đáp ứng các tiêu chí của dịch vụ logistics.

Hàng hóa vận chuyển được đựng trong các container với các loại khác nhau phù hợp với từng loại hàng hóa: container bách hóa, container hàng rời, container chuyên dụng, cotainer bảo ôn, container hở mái, container mặt bằng, container bồn. Các container được cải tiến, từ loại ban đầu 8 feet, 10 feet đến nay phổ biến là loại 20 feet và 40 feet.

Xu hướng phát triển ngành dịch vụ logistics dưới góc độ công nghệ (Nguồn:  Khảo sát của VLA 2018 về mức độ và xu hướng triển khai công nghệ)

Xu hướng phát triển ngành dịch vụ logistics dưới góc độ công nghệ (Nguồn: Khảo sát của VLA 2018 về mức độ và xu hướng triển khai công nghệ)

Phù hợp với các loại và số lượng container chuyên chở là tàu chở container. Từ chỗ chuyên chở một vài ngàn TEU đến nay đã có những tàu cực lớn và hiện đại, lớn nhất thế giới lần đầu xuất cảng là tàu MSC Gulsun dài gần 400m, rộng 62m, có thể chở gần 24.000 container. Ngày 8/7/2019, tàu MSC Gulsun đã thực hiện hành trình từ Thiên Tân, Trung Quốc để tới châu Âu. Trước đó, ngày 20/02/2019, siêu tàu container Margrethe Maersk lớn nhất thế giới đã cập bến thành công tại Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT), tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sự kiện này đã đưa CMIT thành cảng đầu tiên ở Việt Nam và thứ 19 trên thế giới có đủ khả năng tiếp nhận thế hệ tàu lớn nhất thế giới này. Siêu tàu container Margrethe Maersk của hãng tàu Maersk Line (Đan Mạch) có kích thước dài 399,2m, rộng 59m, trọng tải 194.000DWT và sức chở lên đến 18.300TEUs. Đây là tàu chuyên tuyến dịch vụ Á - Âu do liên minh 2M khai thác.

Tàu container ngày càng lớn là một thách thức không nhỏ đối với các nước trong việc phát triển cảng biển nước sâu với thiết bị bốc dỡ hiện đại để phục vụ tàu và hàng hóa.

Để đáp ứng hoạt động của các loại tàu container, nhất là các tàu có trọng tải lớn thì hệ thống hạ tầng như: cảng biển, phương tiện xếp dỡ, vận chuyển trên bộ cũng phải phát triển theo. Singapore đang phát triển siêu cảng container Tuas, dự kiến sẽ trang bị hệ thống tự động hoàn toàn, từ hệ thống cẩu giàn đến những chiếc xe điện không người lái chở container giúp giảm 25% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Một khi hoàn thành, Tuas sẽ trở thành cảng container tự động hóa hoàn toàn lớn nhất thế giới, có khả năng tiếp nhận và xử lý mỗi năm hơn 65 triệu container loại chuẩn 20 feet, gấp rưỡi công suất của cảng container lớn nhất thế giới hiện nay là Thượng Hải (Trung Quốc). Dự án Tuas sẽ được chia thành 4 giai đoạn và dự kiến giai đoạn đầu tiên sẽ được hoàn tất vào năm 2021. Với 20 khu neo đậu nước sâu, Tuas giai đoạn 1 có thể xử lý khoảng 20 triệu container (TEU) mỗi năm. Việc xây dựng sẽ hoàn tất 100% vào năm 2040 và mất thêm một vài năm nữa để đạt công suất tối đa 65 triệu container.

Số hóa (Digitalization)

Chuyển đổi kỹ thuật số (digital transformation) trong ngành logistics gắn với quản lý chuỗi cung ứng quốc tế (international supply chain management). Nội dung chính là thực hiện thủ tục không cần giấy tờ (Paperless procedures) với việc ứng dụng EDI (Electronic data interchange), thực hiện thủ tục tự động (Automated Procedures) với việc ứng dụng hệ thống kết nối cộng đồng cảng biển dựa trên EDI (EDI based port community system) và RFID (tên viết tắt để nhận dạng tần số radio, tức là các cảm biến thông minh có thể thao tác dữ liệu và liên lạc với các đơn vị RFID khác), và thực hiện thủ tục thông minh (Smart procedures) với việc ứng dụng internet vạn vật (internet of things), dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây (cloud computing) và hệ thống vật lý không gian mạng (cyber physical systems).

Sự phân cấp (Decentralization)

Với nội dung chính là 3D-printers. Phân cấp chủ yếu tập trung vào sản xuất phụ gia hoặc sử dụng máy in 3D. Mặc dù các máy in này vẫn đang trong giai đoạn phát triển, nhưng có thể trong 10 - 20 năm nữa, có thể bên cạnh lò vi sóng hoặc tủ lạnh trong bếp của bạn, máy in 3D được đặt. Trong trường hợp này, bạn chỉ cần cung cấp nguyên liệu thông qua đường ống hoặc hộp vật liệu (material boxes) là có thể tự sản xuất sản phẩm của mình. Đối với lĩnh vực logistics, các nhà cung cấp dịch vụ logistics có thể mở ra các mô hình kinh doanh mới, có tính đến việc in sản phẩm bằng máy in 3D và giao sản phẩm tại nhà.

Xu hướng phát triển ngành dịch vụ logistics dưới góc độ công nghệ

Trong bối cảnh KHCN thúc đẩy mạnh mẽ ngành logistics phát triển, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đặt tốc độ tăng trưởng từ 12% - 14%, đã trưởng thành nhanh chóng nhờ ứng dụng tiến bộ KHCN và nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo Chỉ số năng lực hoạt dộng logistics (LPI) của WB, năm 2018, Việt Nam là một trong những nước hàng đầu trong các nền kinh tế mới nổi về hiệu quả hoạt động logistics, đứng thứ 39/160 và thứ 3 trong các nước ASEAN, sau Singapore và Thái Lan.

Theo báo cáo xu hướng phát triển của ngành vận tải và logistics của PwC, trong năm yếu tố làm chuyển đổi ngành: Số hóa; Những thay đổi trong thương mại quốc tế; Thay đổi quy trình phần mềm điều khiển; Thay đổi trong thị trường thương mại nội địa; Thay đổi quy trình máy điều khiển thì có ba yếu tố liên quan đến công nghệ và số hóa là quá trình đã chín muồi, có nhiều tác động và đang diễn ra mạnh mẽ.

Số hóa đã chuyển đổi tất cả các phân khúc của vận tải và logistics và dự kiến đây sẽ là xu hướng có tác động mạnh nhất trong những năm tới, định hình lại toàn bộ doanh nghiệp.

Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam đang tích cực triển khai các hoạt động KHCN, như tạo một platform nhằm chia sẻ, trao đổi dữ liệu cho tất cả các bên có liên quan trong chuỗi cung ứng, kết nối các sàn giao dịch vận chuyển hàng hóa nhằm tối ưu hóa hệ số sử dụng xe tải chở hàng, giảm chi phí logistics; ứng dụng công nghệ block chain vào lệnh giao hàng (e-Delivery Order), tham gia các dự án xây dựng hệ sinh thái số trong đó có e-Bill of Lading của Tổ chức giao nhận vận tải quốc tế (FIATA)…

Có thể rút ra kết luận là KHCN vừa là động lực vừa là nhân tố quan trọng thúc đẩy dịch vụ logistics phát triển. Cùng với nguồn nhân lực logistics chất lượng cao, KHCN còn tạo ra nhiều dư địa cho dịch vụ logistics phát triển, thúc đẩy nên kinh tế số thế giới phát triển trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Khoa học công nghệ thúc đẩy logistics phát triển mạnh mẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO