Logistics ngược và hoạt động xanh của TP. HCM

30/05/2015 10:29

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Môi trường của trái đất ngày càng biến đổi theo chiều hướng xấu đi, nguồn nguyên liệu cho sản xuất ngày càng khan hiếm, cuộc sống của con người ngày càng bị đe dọa không chỉ bởi thiên nhiên mà còn do bàn tay con người gây nên. Sử dụng logistics ngược trong bảo vệ môi trường bằng các biện pháp thiết thực đang là xu hướng mang lại hiệu quả tích cực.

(Vietnam Logistics Review) Môi trường của trái đất ngày càng biến đổi theo chiều hướng xấu đi, nguồn nguyên liệu cho sản xuất ngày càng khan hiếm, cuộc sống của con người ngày càng bị đe dọa không chỉ bởi thiên nhiên mà còn do bàn tay con người gây nên. Sử dụng logistics ngược trong bảo vệ môi trường bằng các biện pháp thiết thực đang là xu hướng mang lại hiệu quả tích cực.

DÒNG LOGISTICS NGƯỢC

Các hoạt động logistics trong lĩnh vực kinh doanh thường tập trung vào dòng vật chất thuận chiều (dòng vật tư, nguyên vật liệu đi vào nhà máy và dòng sản phẩm từ nhà máy đi ra, và đến khách hàng tiêu dùng cuối cùng), nhưng thực tế còn có một dòng vật chất đi ngược lại với dòng vật chất thuận chiều cần phải được quan tâm lập kế hoạch và kiểm soát chúng. Dòng vật chất ngược chiều được hình thành do phải thu hồi các sản phẩm không bán được để nâng cấp; hoặc thu hồi các sản phẩm có những khuyết tật để sửa chữa; thu hồi sản phẩm đã sử dụng để tháo dỡ để tái sử dụng một phần; thu hồi, tái sử dụng, và tái chế bao bì đã qua sử dụng. (xem hình 1)

Logistics ngược (Reverse Logistics) là quá trình lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát một cách hiệu quả dòng chảy của nguyên liệu, bán thành phẩm và thông tin có liên quan từ các điểm tiêu thụ đến điểm xuất xứ với mục đích thu hồi lại giá trị hoặc xử lý một cách thích hợp.

Logistics ngược là một trong những giải pháp quan trọng giúp DN có thể giảm được chi phí, tăng doanh thu, nâng cao trình độ dịch vụ khách hàng và giảm tác động của hoạt động sản xuất kinh doanh đến môi trường; từ đó giành được lợi thế cạnh tranh trên thị trường và thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của DN. Dòng logistics ngược bao gồm các hoạt động sau:

1/ Thu hồi các sản phẩm không bán được, hoặc các sản phẩm bị khuyết tật.

Các sản phẩm được đưa vào thị trường nào đó khá lâu nhưng không bán được vì không có nhu cầu hoặc nhu cầu đã bão hòa có thể được thu hồi để chuyển sang bán ở thị trường khác đang có nhu cầu. Các sản phẩm khi đưa vào thị trường nhưng công dụng, màu sắc, kiểu dáng, tính năng của sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng nên không tiêu thụ được cần phải thu hồi để nâng cấp, thay đổi kiểu dáng, mẫu mã rồi sau đó lại được tiếp tục đưa vào mạng phân phối ở một thị trường khác.

Các sản phẩm được tung ra thị trường nhưng phát hiện có những khuyết tật hoặc lỗi nào đó nên nhà sản xuất phải thu hồi để sửa chữa và sau đó lại tiếp tục đưa vào thị trường tiêu thụ. Ví dụ: tháng 10.2005 hãng sản xuất xe Ford Motor đã cho thu hồi 220.000 chiếc xe sản xuất trong năm 2005 sau khi xảy ra sự cố cháy 4 chiếc xe trong đợt này. Tuy nhiên, khi thu hồi các sản phẩm không bán được, hoặc các sản phẩm bị khuyết tật nhà sản xuất phải gánh chịu thêm chi phí. Vì vậy cần phải tổ chức và kiểm soát tốt các hoạt động có liên quan đến dòng thu hồi này.

2/ Thu hồi để tháo dỡ các sản phẩm đã qua sử dụng.

Khi sản phẩm đã hết thời hạn sử dụng, khách hàng thải hồi chúng. Việc thải hồi các sản phẩm này có thể ảnh hưởng đến môi trường. Vì vậy, nhà sản xuất phải có trách nhiệm (tự nguyện hoặc bắt buộc của chính quyền) đối với việc bảo vệ môi trường nên sản phẩm được tổ chức thu hồi để xử lý, tiêu hủy chúng an toàn. Mặt khác, nhà sản xuất có thể thu hồi và tái sử dụng một số bộ phận của sản phẩm. Ví dụ hãng sản xuất xe BMW hiện nay có một dây chuyền tháo dỡ các xe BMW cũ và đã nghiên cứu quyết định những bộ phận nào của xe có thể sử dụng lại. Điều này dẫn đến những thay đổi thiết kế cho mô hình xe tương lai để có thể sử dụng lại nhiều hơn các bộ phận của xe khi xe hết thời hạn sử dụng cần tháo bỏ.

3/ Thu hồi, tái sử dụng, và tái chế bao bì sản phẩm đã sử dụng.

Một số lượng lớn bao bì của hàng hóa khi khách hàng sử dụng sản phẩm được thải hồi phải được thu gom lại để tái sử dụng theo phương cách nào đó của nhà sản xuất nhằm giảm chi phí, hoặc dưới áp lực của cộng đồng, của chính quyền và xã hội buộc nhà sản xuất phải có trách nhiệm thu gom để tiêu hủy chúng theo cách an toàn nhất cho môi trường. Chẳng hạn ở Đức, Chính phủ yêu cầu các cửa hàng tạp hóa phải thu hồi các hộp đựng ngũ cốc ngay tại điểm bán hàng. Thực tế là, khách hàng khi mua sản phẩm, mở hộp lấy hàng cho vào thùng đựng hàng của mình mang về nhà, còn vỏ hộp bỏ vào thùng thu gom tại đó. Người bán hàng phải có trách nhiệm thu hồi lại bao gói này để sử dụng lại hay tiêu hủy chúng. Các vỏ dùng để chứa đựng sản phẩm nước uống sau khi sử dụng phải thu hồi về không chỉ bảo vệ môi trường mà còn tái sử dụng chúng để tiết kiệm chi phí. Thực tế hầu hết các nhà sản xuất kinh doanh nước uống chẳng hạn như hãng sản xuất Coca-cola, hãng sản xuất bia Sài Gòn, hãng sản xuất bia Hà Nội,… đã và đang thực hiện công việc thu hồi các vỏ chai, các két nhựa đựng chai để tái sử dụng. Bao bì đựng thức ăn chăn nuôi “Cám Con Cò” của VN đã trở thành túi thời trang của các bạn trẻ Nhật Bản.

Theo một nghiên cứu mới đây do Viện Công nghệ tái chế phế liệu (ISRI) cho thấy mỗi năm ngành công nghiệp tái chế phế liệu của Mỹ đưa về cho nền kinh tế khoản thu trên 90 tỷ USD, đóng góp cho nền kinh tế Mỹ 0,6 GDP và tạo ra hàng trăm ngàn việc làm cho người lao động.

CHÍNH SÁCH CỦA VN VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TP.HCM LIÊN QUAN ĐẾN DÒNG LOGISTICS NGƯỢC

Tháng 8.2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 50/2013/QD-TTg về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ, trong đó có qui định các DN sản xuất, nhập khẩu phải thiết lập các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ, tiếp nhận sản phẩm thải bỏ do DN đã bán ra thị trường VN; người tiêu dùng chuyển giao sản phẩm thải bỏ tại điểm thu hồi. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng có đề cập các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan phải truyên truyền, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng tham gia hoạt động thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ, hỗ trợ DN sản xuất, nhập khẩu thiết lập điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ tại các điểm phù hợp trên địa bàn và thực hiện quản lý sản phẩm thải bỏ theo qui định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Theo Quyết định 50/2013/QĐ-TTg, nhóm các đối tượng thuộc danh mục sản phẩm cần thu hồi và xử lý sau khi thải bỏ bao gồm: ắc qui và pin; thiết bị điện tử, điện dân dụng và công nghiệp; hóa chất sử dụng trong công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản và thuốc sử dụng cho người; dầu nhớt, mỡ bôi trơn; săm, lốp và phương tiện giao thông.

TP.HCM với gần 10 triệu dân và hàng ngàn DN, bên cạnh việc sản xuất và cung ứng khối lượng lớn hàng hóa sản phẩm phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu còn tiêu thụ khối lượng lớn sản phẩm, và đồng thời thải ra một lượng tương ứng các chất thải khác nhau trong đó có chất thải rắn (CTR). Nếu không thu gom và xử lý triệt để thì đây là nguồn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và mỹ quan, văn minh đô thị. Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM, trung bình mỗi ngày thành phố phát sinh 6.500-6.700 tấn CTR, để xử lý tốt khối lượng chất thải này ngoài sự chủ động tham gia tích cực của chính quyền trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, DN, đồng thời chính quyền cần phải xây dựng và ban hành các chính sách nhằm khuyến khích, kêu gọi sự tham gia của cộng đồng dân cư, của DN vào việc quản lý CTR, chú trọng vào việc tiết giảm, phân loại, thu hồi để tái chế và tái sử dụng.

Để thực hiện, triển khai Quyết định 50/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sở TN&MT TP.HCM bắt đầu tiến hành vận động các DN cam kết thực hiện việc thu hồi sản phẩm thải bỏ, xác định và ghi rõ mục tiêu cam kết của DN về tỷ lệ sản phẩm thu hồi/sản phẩm bán ra. Các DN đăng kí tham gia sẽ được hỗ trợ tư vấn về các thủ tục, giấy phép cần thiết trong việc tổ chức điểm thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ. Đối với người tiêu dùng, Sở TN&MT TP.HCM tiến hành công tác truyên truyền về việc thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ đến từng khu phố, căn hộ, người dân.

Để tạo điều kiện cho các tổ chức, cơ sở đầu tư vào lĩnh vực tái chế, TP.HCM vừa thông qua điều lệ hoạt động Quỹ tái chế chất thải thành phố. Quĩ này với tên giao dịch quốc tế: Ho Chi Minh City Waste Recycling Fund, viết tắt REFU. Quỹ này cho các DN vay với lãi suất ưu đãi để hiện đại hóa và phát triển việc tái chế chất thải bao gồm các chương trình, dự án thử nghiệm, nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực quản lý, tái chế, tái sử dụng chất thải. Quỹ này cho vay với lãi suất ưu đãi cho các hoạt động tái chế nhựa, tái chế dầu phế thải thành biodiesel, tái chế giấy, tái chế kim loại, tái chế rác xây dựng, tái chế rác thực phẩm, bao bì, chai PET.

Để môi trường ngày càng xanh-sạch-đẹp, TP.HCM phấn đấu nâng cao tỷ lệ tái chế, tái sử dụng chất thải sinh hoạt đô thị lên 60% vào năm 2015; 85% vào năm 2020 và 90 % vào năm 2050. Ngày Hội tái chế chất thải là hoạt động thường niên được TP.HCM tổ chức nhằm mục đích giúp người dân nhận biết được các loại chất thải nguy hại trong gia đình, nhận thức được tác hại của chất thải nguy hại đối với sức khỏe và môi trường, để từ đó hình thành thói quen phân loại và thải bỏ các loại rác đúng qui định. Ngày 19.4.2015, Sở TN&MT TP.HCM phối hợp với các sở ngành và đơn vị tổ chức Ngày hội tái chế chất thải TP.HCM lần thứ 8 năm 2015. Ngày hội có sự tham gia trực tiếp của các DN trong việc tổ chức thu hồi các sản phẩm thải bỏ là chất thải nguy hại.

Với chủ đề “3T và chất thải nguy hại”, ngày hội năm nay đặt trọng tâm tuyên truyền với việc áp dụng các giải pháp 3T (Tiết giảm, Tái sử dụng và Tái chế) đối với các loại chất thải nguy hại. Thành phần tham gia Ngày hội bao gồm: Các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội: Đoàn TNCS HCM, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN, Hội Cựu Chiến binh…; Các DN sản xuất, nhập khẩu kinh doanh các sản phẩm thuộc danh mục phải thu hồi và xử lý theo Quyết định 50/2013/QĐ-TTg ngày 9.8.2013 của Thủ tướng Chính phủ về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ; Các DN trong và ngoài nước có các hoạt động sản xuất, nghiên cứu, dự án liên quan đến 3T; các trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tái chế chất thải; Học sinh, sinh viên và người dân TP.HCM.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Logistics ngược và hoạt động xanh của TP. HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO