Những nhà vận tải nước ngoài đang kinh doanh logistics tại Việt Nam đã nêu lên những vấn đề khó khăn từ các chính sách logistics Việt Nam. Ông John Isbell - Cộng tác viên cao cấp, Cambridge Systematics, một nhà cung cấp dịch vụ quốc tế đã cho chúng ta cái nhìn về ngành logistics - vận tải Việt Nam một cách rõ nét.
CƠ SỞ HẠ TẦNG GIAO THÔNG THIẾU TIN CẬY
Hiện nay, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông Việt Nam đang có những thay đổi đáng kể, và đang được các cấp, ngành quan tâm, phục vụ ngành logistics. Tuy nhiên, về cơ bản hệ thống vận tải đường bộ của nước ta xếp vào thứ hạng “yếu”, điều này đã gây trở ngại cho sự phát triển của ngành logistics Việt Nam.
ÔngJohn Isbell cho rằng,hiện nay, ở Việt Nam, hệ thống cơ sở hạ tầng phụ cận không đáp ứng được các yêu cầu của cảng, thiếu các cơ sở kho bãi logistics đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thiếu chiến lược phát triển hành lang giao thông đa phương thức, hệ thống cảng hiện trong tình trạng cung vượt cầu, các cảng mang tính manh mún, rời rạc. Cộng với các quy định mang tính cồng kềnh đã gây chậm trễ trong lưu thông hàng hóa. Trung bình, việc thông quan hàng nhập ở Việt Nam phải kéo dài thêm 3 ngày và hàng xuất thêm 2 ngày so với Malaysia. Chưa kể là đã gây ách tắc giao thông tại các xa lộ làm tăng thời gian vận chuyển. Thậm chí ách tắc giao thông tại các tuyến đường xa lộ của Việt Nam tệ hơn rất nhiều so với Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia. Điều này đã dẫn đến hệ lụy là giao hàng chậm và thời gian di chuyển không dự báo được và thiếu tin cậy. Từ đólàm tăng chi phí lưu kho, và bắt buộc phải tốn nhiều nhân sự hơn. Theo đó, tăng thời gian quản lý một cách không cần thiết; vànguy cơ bị phạt cao hơn do không tuân thủ các quy định. Đặc biệt là làm cho chi phí logistics cao do phải chi trả cho các hoạt động “bôi trơn” không có chứng từ.
NHỮNG GIẢI PHÁP CẮT GIẢM CHI PHÍ LOGISTICS TỪ CHÍNH PHỦ
Rõ ràng với thực trạng trên, thì Chính phủ Việt Nam cần hành động để cải thiện tính hiệu quả nhằm tạo thuận lợi trong lưu thông thương mại và cắt giảm chi phí logistics. Ông John Isbell cho rằng, đối với các dự thảo luật và văn bản quy định mới có ảnh hưởng đến lưu thông thương mại, nên cho phép các bên liên quan trong lĩnh vực vận tải hàng hóa đóng góp ý kiến. Vấn đề giảm thiểu tham nhũng thông qua việc minh bạch hóa luật và các quy định thương mại và áp dụng một cách nhất quán trên toàn lãnh thổ cũng rất quan trọng góp phần giảm chi phí logistics Việt Nam. Song song, Chính phủ Việt Nam cũng cần tăng cường tốc độ vận tải hàng hóa thông qua quy hoạch vận tải đa phương thức tốt hơn, và đặc biệt là cải thiện việc sử dụng cơ sở hạ tầng giao thông hiện hữu và tương lai. Một loạt các biện pháp của những nhà vận tải đưa ra:
Chính phủ Việt Nam cần thông qua các đạo luật có tác dụng hỗ trợ và khuyến khích thương mại quốc tế. Cải thiện quy trình thông quan, trong đó gấp rút hoàn tất các hệ thống Hải quan điện tử “tiêu chuẩn vàng” năm 2014, thực hiện kiểm hóa và kiểm định 6 ngày/tuần, và thiết lập hệ thống liên lạc “hot line” với Hải quan.
Đối với vận tải đường bộ, cần thiết lập hệ thống kiểm tra cấp bằng lái quy cũ và nghiêm ngặt; kiểm tra phương tiện và máy móc đảm bảo tiêu chuẩn lưu thông 6 tháng/lần. Thực hiện giám sát tải trọng ngay tại các cửa cảng nhằm giảm tình trạn quá tải đang diễn ra tràn lan tại Việt Nam. Để đẩy mạnh hoạt động vận tải hàng hóa đường bộ, Chính phủ Việt Nam nên có chính sách giúp các công ty vận tải đường bộ tiếp cận các khoản tín dụng hợp lý, trong đó nên khuyến khích các hoạt động đầu tư liên doanh với các doanh nghiệp vận tải đường bộ nước ngoài.
Ở Việt Nam hiện nay, chưa khai thác hết tiềm năng của cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải. Giảm việc xây dựng thêm công suất cảng mới tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải; Đồng thời, khuyến khích các dịch vụ vận tải hàng hóa đường bộ tại Cái Mép - Thị Vải. Và nới lỏng các quy định quyền chuyên chở nội địa.
Việt Nam cần xây dựng các hành lang vận chuyển hàng hóa trọng yếu, áp dụng mô hình toàn diện và đồng bộ, đa phương thức khi xây dựng cơ sở hạ tầng vận chuyển hàng hóa. Cần nghiên cứu để ứng dụng các bài học từ kinh nghiệm cụm cảng Cái Mép - Thị Vải vào cụm cảng Lạch Huyện. Đồng thời xây dựng kế hoạch dài hạn đối với hệ thống vận tải đường sắt hiện đang rất cũ kĩ và lạc hậu.