Nghịch lý “ăn nên làm ra” mùa đại dịch: Bùng nổ thương mại điện tử

TS. Bùi Văn Danh|11/09/2020 08:42

(VLR) Dịch bệnh COVID-19 lan mạnh trên thế giới đã mang lại nhiều thách thức về y tế, nhân đạo và kinh tế. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội thay đổi thói quen mua sắm và tiêu dùng của người mua hàng, tạo một lực lớn thúc đẩy thương mại điện tử.

Dịch COVID-19 đã giúp doanh số bán hàng của doanh nghiệp cho khách hàng cá nhân tăng lên đỉnh điểm

Dịch COVID-19 đã giúp doanh số bán hàng của doanh nghiệp cho khách hàng cá nhân tăng lên đỉnh điểm

Mua bán trực tuyến “lên ngôi”

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết, dịch COVID-19 đã giúp doanh số bán hàng của doanh nghiệp cho khách hàng cá nhân tăng lên đỉnh điểm. Tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương, bán lẻ đa kênh và bán lẻ trực tuyến hoạt động khá tốt trong mùa dịch, từ các sản phẩm tiêu dùng, mỹ phẩm đến xa xỉ phẩm. Kết quả khảo sát của Tạp chí Nikkei mới đây với 4.273 doanh nghiệp, khách hàng trong thời gian từ 19/3 - 19/4đối với khu vực này cho thấy, có đến 52% ý kiến được hỏi sẽ tăng mua hàng online; 32% ý kiến khẳng định là không thay đổi phương pháp mua sắm và chỉ có khoảng 10% ý kiến không tin tưởng vào thương mại điện tử.

Theo báo cáo năm 2019 của e-Conomy SEA l, chương trình nghiên cứu kéo dài nhiều năm do Google và Temasek khởi xướng, chỉ riêng ở Đông Nam Á, nền kinh tế internet cho khu vực 570 triệu dân này dự kiến tăng hơn gấp ba, lên đến 300 tỷ USD giá trị hàng hóa vào năm 2025. Ước tính này được đưa ra trước đại dịch COVID-19, nhưng cũng cho thấy xu hướng tăng cường mua bán trực tuyến tại khu vực này. Khi xảy ra đại dịch, nhu cầu mua sắm trực tuyến do các đơn đặt hàng tại nhà lại càng tăng hơn.

Công ty cung cấp giải pháp quảng cáo Criteo cũng vừa công bố kết quả nghiên cứu về tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với thương mại điện tử. Mảng bán lẻ trực tuyến tại các nước Đông Nam Á vẫn tiếp tục tăng với doanh số trong tuần thứ ba của tháng 5 tăng 106% so với cùng kỳ năm 2019. Criteo đã thực hiện một cuộc khảo sát với hơn 15.000 người từ 15 quốc gia để nghiên cứu tác động của COVID-19 đối với hành vi tiêu dùng. Theo đó, hơn 50% câu trả lời cho biết sẽ mua sắm trực tuyến nhiều hơn vì COVID-19. Trong số các danh mục sản phẩm, hàng tạp phẩm và sản phẩm gia dụng là những mặt hàng được mua sắm hàng đầu. Tại Việt Nam, 76% số người được hỏi cho biết họ mua hàng trực tuyến nhiều hơn so với thông thường, trong khi chỉ 15% số người được hỏi cho biết sẽ mua sắm với tần suất tương đương, 9% trả lời ít mua sắm trực tuyến hơn.

Một nghiên cứu khác vừa được công bố của Mastercard Impact Studies cho thấy, đại dịch COVID-19 đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế số tại khu vực Đông Nam Á, thông qua đẩy nhanh quá trình ứng dụng các phương thức thương mại điện tử, giao hàng tận nhà, thanh toán số và không tiếp xúc. Theo kết quả nghiên cứu này, hơn 40% người tiêu dùng tham gia khảo sát tại Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan cho biết đã sử dụng các dịch vụ giao hàng tận nhà trong tháng 4 nhiều hơn trong tháng 3. Gần một nửa số người tiêu dùng tham gia khảo sát tại Malaysia, Singapore và Thái Lan cũng cho biết trong cùng giai đoạn đó, họ thực hiện mua sắm trực tuyến nhiều hơn.

Bên cạnh những thay đổi trong thói quen mua hàng là xu hướng chuyển dịch sang các phương thức thanh toán mới trên toàn khu vực. Theo nghiên cứu nói trên, phần lớn người tiêu dùng tại các thị trường Đông Nam Á tham gia khảo sát cho biết kể từ khi bắt đầu bùng phát dịch COVID-19, việc sử dụng tiền mặt của họ đã giảm đáng kể với 67% tại Singapore, 64% tại Malaysia và Philippines và 59% tại Thái Lan. Cùng với xu hướng đó là các phương thức thanh toán không tiếp xúc đang ngày một phổ biến hơn. Tại Singapore, 31% người được khảo sát cho biết họ có xu hướng thực hiện thanh toán không tiếp xúc thông qua thẻ tín dụng. Trong khi đó, Malaysia, Philippines và Thái Lan ghi nhận sự tăng trưởng mạnh nhất ở ví điện tử và ví di động so với các hình thức thanh toán không tiếp xúc khác. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, một số xu hướng và thói quen được hình thành trong bối cảnh ứng phó với đại dịch có thể sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian dài. Về dài hạn, sự tăng trưởng doanh thu thương mại điện tử và phương thức thanh toán không dùng tiền mặt sẽ là một nền tảng vững chắc cho bất kỳ sự phát triển nào trong tương lai ở thị trường bán lẻ.

Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics

Mua sắm trực tuyến gia tăng đang thúc đẩy nhu cầu về dịch vụ giao nhận hàng trên khắp thế giới. Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, các dịch vụ giao hàng cũng phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn này.

Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, các dịch vụ giao hàng cũng phát triển mạnh mẽ

Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, các dịch vụ giao hàng cũng phát triển mạnh mẽ

Công ty DHL của Đức cho biết lợi nhuận tăng 16% trong quý II, so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 890 triệu euro. Kể từ cuối tháng 3, công ty đã ghi nhận sự tăng trưởng tích cực về khối lượng hàng hóa vận chuyển nhờ sự gia tăng mua sắm qua mạng của người tiêu dùng cả trong và ngoài nước Đức. Công ty chuyển phát nhanh Trung Quốc SF Express cho biết số lượng đơn vận chuyển hàng hóa của họ đã tăng 84,22% sau một năm, từ 374 triệu đơn tháng 6/2019 lên 689 triệu tháng 6/2020.

Theo công ty dịch vụ logistics Cainiao thuộc Alibaba, nền tảng thương mại điện tử Taobao của Alibaba đã ra mắt một “phiên bản đặc biệt” hồi tháng 3 tập trung hỗ trợ các nhà máy đang bị hoãn hoặc hủy đơn đặt hàng do dịch COVID-19. Trong lần ra mắt đầu tiên, nền tảng mới đã thu hút 300.000 nhà máy Trung Quốc đăng ký và thực hiện khoảng 110 triệu đơn đặt hàng. Tính đến tháng 7, ít nhất 1,2 triệu nhà máy đã tham gia vào nền tảng này, với doanh số tăng gấp sáu lần so với tháng 6, theo Cainiao.

Một vài dự án khởi nghiệp của Trung Quốc đang tận dụng xu hướng này. Mingming Huang, đối tác sáng lập của Quỹ Future Capital Discovery, cho rằng đại dịch khiến các đơn hàng tăng nhanh hơn, buộc nền công nghiệp logistics phải phát triển công nghệ số hóa nhằm tăng tính hiệu quả. “Tương lai, một công ty logistics tốt nhất phải là một công ty công nghệ”, Huang nói. Quỹ này đang đầu tư vào một số công ty, như Duckbill, Inteluck và Syrius. Duckbill phát triển chương trình trí thông minh nhân tạo để giúp các xe tải vận chuyển hiệu quả hơn. Inteluck xây dựng nền tảng dịch vụ logistics bên thứ ba ở Đông Nam Á. Còn Syrius Robotics chuyên cung cấp dịch vụ kho bãi và dịch vụ logistics tự động hóa.

Còn tiếp...


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Nghịch lý “ăn nên làm ra” mùa đại dịch: Bùng nổ thương mại điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO