Những vướng mắc trong đầu tư xây dựng: Cơ quan chức năng làm ngơ tắc trách hay vô cảm?

Trần Trình Lãm, Minh Hoàng|21/05/2018 09:30

(VLR) Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản đang là vấn đề nóng và cấp bách mà Chính phủ đã và đang tích cực chỉ đạo các bộ ngành có liên quan thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập về cơ chế, chính sách của một số cơ quan liên quan, gây khó khăn cho nhà đầu tư và doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án, mà điển hình là tại Dự án hầm đường bộ Đèo Cả.QUyết định 4255/QĐ-BGTVT - Nhiều điểm sai vẫn không chịu sửa

QUyết định 4255/QĐ-BGTVT - Nhiều điểm sai vẫn không chịu sửa

Cần tập trung tháo gỡ những khó khăn trước mắt làm ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng, tiến độ xây dựng, giải ngân vốn đầu tư… Trước mắt, tập trung tháo gỡ thể chế, pháp luật, hoàn thiện khung pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng. Đặc biệt, xử lý những cá nhân, tổ chức “ngâm lâu” hồ sơ, chỉnh đốn thái độ vô cảm, vô trách nhiệm của một số cơ quan, cá nhân làm chậm trễ quá trình xây dựng

Trích phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản, ngày 20.4.2018

Liên quan đến vấn đề này, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT/TGĐ Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả - Nhà đầu tư (NĐT) dự án xây dựng hầm ĐB Đèo Cả (bao gồm các hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông và Hải Vân) cho biết, đây là một trong số ít những dự án trọng điểm quốc gia sử dụng nguồn lực trong nước, do nhà đầu tư và nhà thầu trong nước đảm trách, với tổng mức đầu tư hơn 26.000 tỷ đồng. Dự án hoàn thành đưa vào khai thác vượt tiến độ 4 tháng, đảm bảo chất lượng tốt, mang lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, giảm tối đa tai nạn giao thông. Đặc biệt, với việc nhà đầu tư tự bỏ vốn đã góp phần giảm bớt gánh nặng nợ công cho Nhà nước. Dự án này được Thủ tướng biểu dương khen ngợi khi đến thị sát và là một trong năm công trình được Bộ Xây dựng chọn gắn biển “Công trình tiêu biểu cấp Quốc gia”

Tuy nhiên, thay vì tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho NĐT thì việc ban hành Quyết định số 4255/QĐ-BGTVT ngày 01/12/2015 của Bộ GTVT (gọi tắt là QĐ 4255) Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý dự án đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư do Bộ GTVT quản lý có nhiều điều bất cập, gây tổn thất cho NĐT. Ông Hồ Minh Hoàng cho rằng, QĐ 4255 được ban hành dưới hình thức văn bản hành chính thông thường, nhưng nội dung lại chứa đựng các quy định mang tính quy phạm pháp luật (QPPL). Bên cạnh đó, QĐ 4255 có nhiều nội dung can thiệp vào hoạt động của NĐT, doanh nghiệp dự án trái quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ. Trong đó, Điều 4, QĐ 4255 được quy định không có cơ sở pháp lý, không phù hợp với Điều 3, Luật Đấu thầu; Điều 44 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP; Nghị định 63/2010/ NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính... vi phạm nghiêm trọng quyền của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Điều đáng nói là, mặc dù đã có Kết luận kiểm tra tại văn bản số 43/KL-KTrVB ngày 13/9/2016 của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) và được Vụ Pháp chế Bộ GTVT báo cáo lãnh đạo Bộ GTVT (văn bản số 359/PC ngày 6/10/2016), chỉ ra các sai phạm của QĐ 4255, nhưng đến nay đã gần hai năm trôi qua, QĐ 4255 vẫn không được Bộ GTVT sửa chữa mà vẫn đang được áp dụng gây cản trở, khó khăn, thiệt hại lớn cho doanh nghiệp dự án.

Bất cập thông tư 35/2016/TT-BGTVT và sự đùn đẩy trách nhiệm

Việc ban hành, áp dụng Thông tư số 35/2016/TTBGTVT ngày 15.11.2016 của Bộ GTVT quy định mức giá tối đa sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý (gọi tắt là Thông tư 35) đã bỏ lọt đối tượng áp dụng là các dự án hầm đường bộ nói chung, trong đó có dự án hầm đường bộ Đèo Cả.

Với cơ chế hiện tại, các nhà thầu xây dựng Việt Nam đang phải vật lộn với muôn vàn khó khăn và rất mong được Thủ tướng xem xét tháo gỡ. Cụ thể, có chính sách bảo hộ quyền lợi cho các nhà thầu trong nước khi cạnh tranh với các nhà thầu nước ngoài, hỗ trợ các nhà thầu xây dựng Việt Nam tăng thêm sức cạnh tranh; bổ sung điều khoản bảo lãnh thanh toán đối với các chủ đầu tư ít nhất là 30% của cùng một giá trị gói thầu để đảm bảo tính công bằng giữa các doanh nghiệp, tránh cho các doanh nghiệp xây dựng rơi vào tình trạng nợ đọng xây dựng triền miên như hiện nay...

Nguyễn Quốc Hiệp Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam

Cũng theo ông Hồ Minh Hoàng, trước đó Bộ GTVT đã căn cứ Thông tư số 159/2013/TT-BTC ngày 14.11.2013 của Bộ Tài chính, hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ, hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ (gọi tắt là Thông tư 159) để Quyết định phê duyệt phương án tài chính dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả tại Quyết định số 3107/QĐ-BGTVT ngày 05.10.2016. Tuy nhiên, khi áp dụng, Bộ GTVT lại áp dụng biểu giá được ban hành kèm theo Thông tư 35 để thu giá tại dự án này với giá ngang bằng giá các dự án đường quốc lộ và đường cao tốc, gây thất thoát nguồn thu, thiệt hại cho NĐT, buộc Nhà nước phải tính toán bù ngân sách.

Qua vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận chỉ đạo giao Bộ GTVT chủ trì “Cần đánh giá lại tổng thể dự án trong bối cảnh khó khăn về thu phí và hệ quả của việc thu hồi nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, sự khác biệt về tính chất, quy mô đầu tư của hầm so với đường để xác định giá thu phù hợp” (Văn bản số 61/TB-VPCP, ngày 10.02.2018). Và công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả cũng đã nhiều lần gửi văn bản cho lãnh đạo Bộ GTVT, nhưng tất cả đều bị chuyển qua, chuyển lại giữa các cơ quan có liên quan của Bộ GTVT, chưa biết đến khi nào mới được giải quyết. “Với việc đùn đẩy trách nhiệm của nhiều lãnh đạo chỉ đạo các dự án BOT trong thời gian qua đã gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư. Chúng tôi thiết nghĩ cần có sự xem xét đánh giá của Chính phủ về việc thực thi công vụ của Bộ GTVT tại các dự án bị chậm để tháo gỡ, tránh thất thoát lãng phí kéo dài hoặc nếu tranh chấp tại tòa án thì đề nghị người trực tiếp điều hành dự án gây ra thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường”, ông Hồ Minh Hoàng nói.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Những vướng mắc trong đầu tư xây dựng: Cơ quan chức năng làm ngơ tắc trách hay vô cảm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO