HK quốc tế Vân Đồn đánh dấu một giai đoạn mới trong việc huy động vốn tư nhân đầu tư vào hạ tầng giao thông
Vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam trong năm 2018 cũng đạt trên 50 triệu hành khách, tăng 14% và gần 400 nghìn tấn hàng hóa, tăng 26% so với năm 2017. Chính vì vậy đã tác động rất lớn lên hạ tầng hàng không hiện nay.
Tiềm năng phát triển lớn
Theo Quyết định 236/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đến năm 2020, sẽ khai thác hệ thống 23 cảng hàng không (CHK) gồm 13 CHK quốc nội và 10 CHK quốc tế, trong đó 4 CHK Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh là cửa ngõ quốc tế; được phân bổ theo khu vực quản lý chuyên ngành như sau: Khu vực miền Bắc: 7 CHK gồm 4 CHK quốc tế (Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi, Vinh) và 3 CHK quốc nội (Điện Biên, Thọ Xuân, Đồng Hới); khu vực miền Trung: 7 CHK gồm 3 CHK quốc tế (Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh) và 4 CHK quốc nội (Chu Lai, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hoà); khu vực miền Nam: 9 CHK gồm 3 CHK quốc tế (Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc) và 6 CHK quốc nội (Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Phan Thiết, Côn Đảo, Rạch Giá, Cà Mau).
Đồng thời, tiến hành nâng cấp, mở rộng 21 CHK hiện hữu (Nội Bài, Cát Bi, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc, Điện Biên, Thọ Xuân, Đồng Hới, Chu Lai, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hoà, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Côn Đảo, Rạch Giá, Cà Mau) để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không; triển khai đầu tư xây dựng giai đoạn 1 CHK quốc tế Long Thành; đầu tư xây dựng mới các CHK Vân Đồn, Phan Thiết, Sa Pa và các CHK khác theo quy hoạch.
Dự kiến tổng nhu cầu vốn cho các dự án cảng hàng không lên tới 227.800 tỷ đồng, tương đương 14,2 tỷ USD. Trong đó, đầu tư mua máy bay 117.000 tỷ đồng (7,3 tỷ USD), đầu tư cơ sở vật chất cảng 90.000 tỷ đồng (5,6 tỷ USD)...
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 236/QĐ-TTg, Cục Hàng không Việt Nam đã tiến hành rà soát và xác định tính đến thời điểm hiện tại có 11 CHK đã hoàn thành quy hoạch chi tiết và đảm bảo phù hợp với Quyết định trên. Trong đó, có 8 CHK là Điện Biên, Đồng Hới, Long Thành, Vân Đồn, Phú Bài, Cần Thơ, Phan Thiết, Tân Sơn Nhất đã được lập, điều chỉnh quy hoạch chi tiết và được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt với quy mô phù hợp quy mô tại Quyết định 236/QĐ-TTg, 2 CHK là Côn Đảo và Chu Lai đã trình Bộ Giao thông vận tải hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chi tiết. Đồng thời, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã rà soát và xác định còn 17 CHK cần tiếp tục lập quy hoạch chi tiết/điều chỉnh quy hoạch chi tiết cho phù hợp với Quyết định 236/QĐ-TTg.
Với nhu cầu phát triển hàng không ngày càng gia tăng, dẫn đến hạ tầng giao thông ngày càng quá tải thì việc đầu tư vào hạ tầng giao thông tuy không thể thu được lợi ngay lập tức nhưng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, tạo động lực phát triển kinh tế vùng, nâng cao vị thế cạnh tranh cho doanh nghiệp đã khiến một số nhà đầu tư tư nhân mạnh dạn bỏ vốn đầu tư hạ tầng hàng không.
Tư nhân “đón sóng” đầu tư
Một điểm sáng nhất cho làn sóng đầu tư của doanh nghiệp tư nhân vào hạ tầng giao thông đó là việc khai trương CHK quốc tế Vân Đồn do Tập đoàn Sun Group đầu tư theo hình thức BOT (Xây dựng – khai thác – chuyển giao) với số vốn 7.700 tỷ đồng. CHK quốc tế Vân Đồn đánh dấu một giai đoạn mới trong việc huy động vốn tư nhân đầu tư vào hạ tầng giao thông bởi từ năm 1975 đến nay, đây là sân bay đầu tiên được xây mới hoàn toàn và do tư nhân bỏ tiền đầu tư xây dựng.
Được biết, đây là CHK cấp 4E theo tiêu chuẩn của ICAO và là sân bay quân sự cấp II, CHK quốc tế Vân Đồn có thể đón được tất cả các loại máy bay hiện đại bậc nhất trên thế giới. Công suất nhà ga giai đoạn I đạt 2,5 triệu hành khách/năm; khu xử lý hàng hóa công suất 10 ngàn tấn/năm.
Cũng có sự quan tâm vào đầu tư hạ tầng giao thông, mới đây, Tập đoàn FLC đã có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải và Văn phòng Chính phủ đề nghị được nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà ga T3 tại CHK Quốc tế Tân Sơn Nhất. Theo Tập đoàn FLC, với đội tàu bay phát triển rất nhanh, Bamboo Airways đang có nhu cầu xây dựng một hãng hàng không tự chủ về nhà ga hành khách để quản lý, sử dụng và phục vụ hành khách một cách tốt nhất. Đầu tư xây dựng hạ tầng nhà ga, cảng hàng không là một định hướng quan trọng đã được Tập đoàn FLC theo đuổi từ trước khi hãng hàng không Bamboo Airways chính thức cất cánh. Theo đó, FLC mong muốn xây dựng một hệ sinh thái đồng bộ từ hạ tầng, kỹ thuật, dịch vụ cho đến đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho lĩnh vực hàng không, chứ không đơn thuần là vận hành hãng bay đơn lẻ.
Nếu được chấp thuận chủ trương, Tập đoàn FLC sẽ tập trung toàn lực để thực hiện đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt, sớm đưa công trình vào khai thác sau 1 năm thi công.
Trước đó, Tập đoàn FLC cũng đã cho thấy ý định đầu tư hai khu hạ tầng quan trọng về dịch vụ hàng không, trong đó, một khu đặt tại sân bay Thọ Xuân, cung cấp một hợp phần quan trọng là khu dịch vụ cảng hàng không bao gồm nhà máy sửa chữa, bảo dưỡng máy bay; học viện đào tạo kỹ thuật, tiếp viên. Một khu khác là trung tâm bảo hành – bảo dưỡng quy mô lớn dự kiến đặt tại Vân Đồn, Quảng Ninh.